Không để người nhiễm HIV bị bỏ lại phía sau

01/04/2019 - 06:50

BDK - “Để không ai bị bỏ lại phía sau”… là những điều mà không chỉ riêng những người làm chương trình phòng chống HIV/AIDS mà còn của cộng đồng dành cho người đang sống cùng HIV và cả những người đã mãi mãi ra đi vì HIV.

Đinh Hoàng Châu Bảo - Bến Tre (đứng giữa) nhận giải thưởng “Dải băng đỏ” năm 2018.

Đinh Hoàng Châu Bảo - Bến Tre (đứng giữa) nhận giải thưởng “Dải băng đỏ” năm 2018.

Đừng chết vì sự kỳ thị

Có lẽ, với nhiều người, nhiễm HIV như một án tử treo lơ lửng và có thể ập đến bất cứ lúc nào. Kèm theo đó là hàng ngàn sự khó khăn phía trước mà một người nhiễm HIV phải đối mặt. Sức khỏe, kinh tế nhưng không gì đáng sợ hơn là sự ghẻ lạnh, kỳ thị và phân biệt đối xử của mọi người xung quanh đối với họ. Ai đó đâu biết rằng, họ sẽ chết, chết trước, một cái chết trong đau đớn, thầm lặng và cô đơn nhất trước khi họ chết vì HIV như người ta từng tưởng. Vì sao? Vì họ đã và đang bị bỏ lại phía sau, bị gạt ra ngoài với cuộc sống thường nhật của cộng đồng xã hội.

Tôi chợt nhớ đến những câu nói ngây ngô của đứa trẻ vừa mới qua tuổi thứ 4 của đời mình: “Ngoại ơi, sida là gì? Mà tại sao bạn con nói con bị sida không ai chơi với con vậy ngoại”. Hay hình ảnh của một cô bé gái xinh xắn trước di ảnh của cha mẹ bé: “Bà ơi, sao con không có cha mẹ như các bạn vậy bà?”. Xót xa hơn là hình ảnh của một cậu bé mới tuần đầu bỡ ngỡ vào lớp 1 đang bị đe dọa bởi các phụ huynh khác: “Mày không được đến gần con tao”. Tại sao? Có ai đã từng đặt mình vào vị trí của những bậc làm cha, làm mẹ của những đứa trẻ này và xót xa chưa?

Tôi chợt nhớ về hình ảnh của một bà mẹ trẻ, luôn luôn trùm kín cơ thể của mình bằng áo khoác, nón, khẩu trang, bao tay, vớ, mắt kính… suốt ngày, trừ lúc đi ngủ. Vì có như thế mẹ chồng cô mới cho cô tiếp xúc với con, vì họ muốn tốt cho cháu mình. Có ai đã từng đặt mình vào vị trí họ chưa?

Cũng đã có câu chuyện về một cô gái xinh đẹp nào đó cố tình lây truyền HIV cho các bạn tình của mình vì hận đời. Cũng đã có bao nhiêu cái chết vì AIDS khi họ không dám đến các cơ sở y tế để điều trị. Vì mặc cảm và rồi chính bản thân của họ lại phải đối mặt với chính họ, với HIV và đi vào ngõ cụt của sự kết thúc.

Có ai từng nghĩ, một phần của bi kịch đời họ chính là từ sự ích kỷ, từ sự kỳ thị của chính bản thân mình không?

ARV và niềm tin mới

ARV và những mảng sáng của những con người đi tiên phong, dám đối diện với bệnh tật, với chính bản thân mình và với xã hội. Thay vì đau đớn và tuyệt vọng, họ lại đặt ra câu hỏi cho mình: Tại sao mình lại phải sống để chờ một cái chết trong tủi hờn và bệnh tật? Tại sao mình lại phải đặt dấu chấm hết cho chính mình và những cuộc đời của người nhiễm HIV khi chúng ta vẫn đang còn sống? Có ai sống được 2 lần trong đời không? Có ai biết trước được ngày ra đi của mình không? Xin thưa là không! Và không ai khác, họ tự đứng dậy và đòi hỏi một cuộc sống tốt hơn cho mình với sự hỗ trợ của ARV và y bác sĩ tâm huyết với chương trình AIDS.

Họ đã đứng dậy, chứng minh cho mọi người cùng thấy về những câu chuyện có thực của đời mình. Về một bà mẹ nhiễm HIV mang thai được điều trị dự phòng ARV và ý thức tốt khi tuân thủ điều trị và kết quả là họ sinh ra một đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh; một người phụ nữ có HIV vẫn có một tình yêu đẹp với một người đàn ông “trái dấu”; một gia đình có cha mẹ, con trai nhiễm HIV nhưng họ vẫn có được một cuộc sống hạnh phúc, đủ đầy và thành công… Họ là những người đi tiên phong, vì họ tin vào cuộc sống, tin vào ngày mai, giũ bỏ tất cả sự tự ti về bệnh tật và đấu tranh cho chính cuộc sống của mình, của cộng đồng những người có HIV, người sống chung với HIV.

Tất cả đã chứng minh rằng, người nhiễm HIV vẫn có nhu cầu có một cuộc sống hạnh phúc và họ chắc chắn có được cuộc sống hạnh phúc. Hãy cứ sống như hôm nay là ngày cuối cùng. Họ sống hết mình cho ngày hôm nay bằng sự tự tin, bằng niềm tin, bằng sự tuân thủ điều trị và họ đang nhân lên thái độ sống tích cực của mình cho cộng đồng.

Những niềm vui, những nụ cười và những giọt nước mắt của tất cả những người đại diện cho người có HIV, cho những người đấu tranh vì cuộc sống của những người sống chung với HIV trong buổi trao giải thưởng “Dải băng đỏ” 2018 đã mang lại cho tất cả mọi người một niềm tin mới, một hơi thở mới mang mùa xuân yêu thương. Vì một cộng đồng khỏe mạnh, để tất cả mọi người và vì tất cả mọi người sẽ “không ai nhiễm HIV bị bỏ lại phía sau!”.

“Chúng ta cùng tưởng nhớ các bạn của mình, những người đã ra đi… nhưng tôi chắc chắn rằng họ đang vui mừng vì tất cả chúng ta đang đấu tranh vì những người sống chung cùng HIV bằng trái tim yêu thương, đồng cảm. Để tất cả mọi người có được một cuộc sống hạnh phúc trong yêu thương”, Trưởng Ban tổ chức giải thưởng “Dải băng đỏ” năm 2018 Nguyễn Anh  Phong chia sẻ.

Giải thưởng “Dải băng đỏ” lần thứ IV - 2018 với các chuỗi hoạt động mang chủ đề “Đồng hành để không ai bị bỏ lại phía sau” là giải thưởng thường niên do mạng lưới người sống chung với HIV tại Việt Nam phối hợp với Cục Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS TP. Hồ Chí Minh và Câu lạc bộ Bầu trời xanh tổ chức. Tại giải, Đinh Hoàng Châu Bảo (Bến Tre) là một trong tám gương mặt được mạng lưới người sống chung với HIV tại Việt Nam trao giải thưởng với thành tích có nhiều đóng góp lớn cho cộng đồng người nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Anh Thư

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN