Khu Y4 ngày ấy - bây giờ

15/04/2012 - 14:40
Ông Tám Thôi bên hầm Hạnh phúc.

Trong chiến tranh, Tân Phú Tây có địa hình rậm rạp, phần lớn là vườn dừa, cây ăn trái lâu năm nối liền các ấp của xã với các xã: Thành An, Thạnh Ngãi, Tân Thành Bình, Phước Mỹ Trung tạo thành một địa bàn rộng, có nhiều lợi thế cho lực lượng cách mạng đứng chân.

Vùng này hẻo lánh, nhưng có điều kiện thuận lợi cả về đường thủy và đường bộ từ bên ngoài vào và đi các nơi khác công khai. Nhờ vậy, trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, từ năm 1969-1970, Tân Phú Tây được Ban lãnh đạo Khu ủy Sài Gòn - Gia Định (Khu Y4, T4) chọn làm căn cứ. Đây là một vinh dự lớn cũng là trách nhiệm nặng nề đối với Đảng bộ và nhân dân hai xã Tân Phú Tây, Thành An.

Sự đóng góp nhiệt tình và chung lưng đấu cật trong chiến đấu, bảo vệ  trên mảnh đất Tân Phú Tây, Thành An đã tạo nên những tình cảm sâu đậm giữa nhân dân địa phương với lực lượng cách mạng Khu ủy Sài Gòn - Gia Định trong kháng chiến chống Mỹ.

Ông Nguyễn Văn Thôi (Tám Thôi), năm nay 73 tuổi, là một trong những người dân gắn bó với Khu Y4 từ những ngày đầu mới hình thành. Theo ông Tám Thôi, Khu Y4 được xây dựng trong thời điểm vô cùng khó khăn. Tân Phú Tây lúc đó bị bình định ác liệt, nhân dân sơ tán gần như toàn bộ. Những người trụ lại thì cuộc sống khó khăn, vất vả. Lúc đó, ông Tám Thôi cũng chỉ biết đây là vùng bộ đội về đóng quân, chưa biết đó là cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng.

Thời điểm đó, Khu căn cứ có hai hầm nổi là nơi làm việc của đồng chí Võ Văn Kiệt, hầm Cơ yếu điện đài và một số hầm bí mật. Ông Tám là người trực tiếp phục vụ cho các đồng chí lãnh đạo Khu Y4 lúc bấy giờ như: Võ Văn Kiệt, Mai Chí Thọ, Trần Bạch Đằng. Ông Tám nói: Tôi vẫn nhớ như in sự giản dị, gần gũi của các đồng chí lãnh đạo Khu ủy. Sau giải phóng, các đồng chí lãnh đạo Khu ủy năm xưa rất quan tâm đến đồng bào nơi đây. Họ động viên anh em gắn bó, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Những ngày này, khi mà công trình trùng tu Khu căn cứ sắp hoàn thành, ông Tám Thôi vui khôn tả. Nơi đây hoàn thành sẽ tạo điều kiện để địa phương giáo dục cho thế hệ trẻ về lịch sử. “Các hầm được phục dựng lại có thay đổi về chất liệu bằng xi-măng thay cho thân dừa nhưng vị trí các hầm không thay đổi. Hầm của ông Kiệt, hầm Hạnh phúc và hầm Cơ yếu điện đài vẫn là vị trí ngày xưa” - ông Tám Thôi nói.

Xứng đáng với truyền thống anh hùng, sau chiến tranh, với sự lãnh đạo của Đảng bộ và chính quyền, nhân dân Tân Phú Tây một lần nữa khai hoang, phục hóa lại ruộng vườn, xây dựng cuộc sống mới.

Tân Phú Tây có nền tảng chính trị và nền tảng xã hội thuận lợi để xây dựng lại quê hương. Đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, nhân dân cần cù lao động. Đây cũng là xã văn hóa và là xã điểm của Mỏ Cày Bắc trong xây dựng nông thôn mới. Ông Nguyễn Văn Diệp - Bí thư Đảng ủy xã khẳng định: Những năm qua, Tân Phú Tây có những chuyển biến rõ nét. Kinh tế từng bước phát triển làm cho đời sống của người dân được nâng lên. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 12,69%. Thu nhập bình quân đầu người vào cuối năm 2011 đạt 16 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới còn 16,74%. Tỷ lệ hộ sử dụng điện đạt 98%. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được nhân dân hưởng ứng tích cực làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc. Đời sống tinh thần của người dân ngày càng phong phú. Công tác giảm nghèo, giải quyết việc làm, chính sách xã hội, chính sách người có công được quan tâm thực hiện tốt.

Hệ thống chính trị cơ sở từng bước được chuẩn hóa theo yêu cầu và nhiệm vụ mới. Đảng bộ ba năm liền đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định. Xã được công nhận an toàn về an ninh trật tự.

So với bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đến cuối 2011, Tân Phú Tây đã đạt 5/19 tiêu chí gồm: thủy lợi, bưu điện, hình thức tổ chức sản xuất, y tế và văn hóa. Một số tiêu chí xã còn gặp khó khăn như: tiêu chí về thực hiện qui hoạch, phát triển hệ thống giao thông nông thôn, thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ hộ nghèo, cơ cấu lao động, hình thức tổ chức sản xuất và tiêu chí về môi trường. Khi tổ chức lấy ý kiến ra dân, đa số bà con nhân dân đồng tình, cho rằng xã cần quan tâm xây dựng giao thông nông thôn, mở rộng các tuyến đường nơi dân cư tập trung đông.

Ông Nguyễn Văn Diệp cho biết thêm: Năm 2012, xã tập trung xây dựng các tiêu chí nông thôn mới, trong đó, tập trung xây dựng các tiêu chí về quy hoạch, điện, xây dựng chợ và an ninh trật tự. Song song đó, xã tăng cường công tác tuyên truyền để nhân dân tham gia thực hiện các tiêu chí về xây dựng giao thông nông thôn, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập người dân.

Mảnh đất Tân Phú Tây từng chịu nhiều bom cày, đạn xới, nay đã từng ngày thay da đổi thịt. Từng con người kiên trung trong chiến tranh ngày ấy đã anh dũng trong xây dựng quê hương hôm nay để Tân Phú Tây luôn xứng đáng với truyền thống xã anh hùng.

Bài, ảnh: Thu Duyên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN