Khuyến cáo nông dân không xuống giống lúa vụ 3

20/12/2019 - 08:09

BDK - Mặc dù ngành nông nghiệp tỉnh đã khuyến cáo người dân không được xuống giống lúa vụ 3, nhưng tính đến ngày 17-12-2019, cả tỉnh có trên 2.000ha diện tích lúa đã xuống giống, tập trung ở 2 vùng làm lúa lớn của tỉnh là huyện Ba Tri và Giồng Trôm.

Mặn đã xâm nhập nội đồng nhưng người dân vẫn sục đất để xuống giống lúa vụ 3.

Mặn đã xâm nhập nội đồng nhưng người dân vẫn sục đất để xuống giống lúa vụ 3.

Bất chấp khuyến cáo

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số cánh đồng ở xã Bình Thành (Giồng Trôm), xã Mỹ Hòa, Mỹ Chánh (huyện Ba Tri), thời điểm này, người dân còn đang thu hoạch lúa vụ 2 nhưng vẫn có nhiều hộ dân thu hoạch sớm, bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp để tiếp tục xuống giống lúa vụ 3. Có ruộng đã lên mạ xanh, có ruộng thì người dân vẫn đang làm đất để chuẩn bị xuống giống.

Ông Trần Văn Nguyện, Ấp 4, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm có 13.000m2 diện tích lúa đã xuống giống được 5 ngày. Thời điểm này, ông Nguyện đang bơm nước vào ruộng lúa, nước chưa bị nhiễm mặn do các kênh đã được trữ khép kín trước đó. Ông Nguyện cho biết, mặc dù biết khuyến cáo không được xuống giống vụ 3 nhưng vì tiếc đất bỏ hoang nên ông và nhiều hộ ở Ấp 4 vẫn xuống giống. Sau khi xuống giống xong thì có thông tin mặn xâm nhập. “Ðược ăn cả, ngã về không”, ông Nguyện hy vọng nước được trữ trong các kênh nội đồng sẽ đủ để “cứu lúa” qua đợt mặn. Tuy nhiên, ông Nguyện cũng lo lắng nếu thời gian hạn mặn kéo dài thì nguồn nước sẽ không đủ vì thời điểm này lúa cần nhiều nước.

Không riêng gì ông Nguyện, nhiều hộ dân ở huyện Ba Tri và Giồng Trôm vẫn bất chấp khuyến cáo, tự ý xuống giống vụ 3 với suy nghĩ rằng mặn sẽ không ảnh hưởng nặng. Ông Lê Văn Tùng, xã Bình Thành, huyện Giồng Trôm giờ chấp nhận buông bỏ 8.000m2 diện tích lúa đã xuống giống đang giai đoạn mạ bởi nước ở con kênh sát ruộng nhà ông có độ mặn đã 1‰. Thời điểm ngày 17-12-2019, kênh nước bên cạnh ruộng lúa nhà ông có độ mặn 1‰ nên ông không dám đưa nước vào ruộng mà canh đo khi nào nước hạ độ mặn sẽ đưa nước vào. “Chấp nhận bỏ lúa thôi vì khả năng nước sẽ tiếp tục mặn, nếu độ mặn cao hơn 1‰ thì cây lúa sẽ không phát triển, đất sẽ bị ảnh hưởng”, ông Tùng cho hay.

Theo ông Tùng, mặc dù được cán bộ khuyến nông cảnh báo không nên xuống giống vụ 3 nhưng thấy nhiều người sạ nên cũng “làm liều”. Năm 2018, lúa làm đòng mà nước ngoài kênh độ mặn chưa được 1‰ và vụ lúa Ðông Xuân năm 2018 - 2019, người dân trúng lúa từ 500 - 700kg/1.000m2 nên năm nay vẫn tranh thủ xuống giống.

Anh Trần Văn Hùng, xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri thì biết nước nhiễm mặn nhưng vẫn sục đất, sửa bờ để xuống giống vì nếu không có lúa ăn thì lấy rơm cho bò chứ bỏ đất thì hoang phí.

Không xuống lúa vụ 3

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri, tính đến ngày 16-12-2019, toàn huyện có khoảng 1.700ha diện tích lúa đã được xuống giống, tập trung ở các xã Mỹ Chánh, Mỹ Hòa, Mỹ Nhơn và Mỹ Thạnh. Ông Trần Quốc Khánh - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Tri cho biết, dự đoán những ngày tiếp theo người dân xuống giống vẫn còn tiếp tục tăng.

Huyện đã triển khai tuyên truyền, vận động để người dân biết mặn xâm nhập nhưng người dân vẫn bất chấp. Những ngày qua độ mặn duy trì ở các kênh nội đồng khoảng từ 0,5 - 0,9‰. Khả năng giữ được độ mặn ở mức thấp là rất khó do thời tiết có gió nhiều và các kênh chưa được khép kín. Dự đoán, khoảng 2 tuần nữa độ mặn trong kênh nội đồng tăng lên trên 1‰.

Ông Huỳnh Quang Ðức - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo dự báo của các ngành chức năng, năm nay, hạn mặn đến sớm, xâm nhập sâu vào nội đồng và thời gian diễn ra hạn mặn sẽ kéo dài. Do đó, UBND tỉnh đã khuyến cáo người dân không xuống giống lúa vụ 3. Tuy nhiên, trên thực tế người dân vẫn tìm cách xuống giống. Việc người dân “mạo hiểm” xuống giống vụ 3 sẽ không đem lại hiệu quả, có khả năng mất trắng. Vì vậy, chúng tôi tiếp tục khuyến cáo người dân có ý định xuống giống nên dừng ngay lúc này.

Ðối với hộ đã xuống giống rồi thì nên “đóng cửa ruộng”, không nên tiếp tục đầu tư phân, thuốc, chi phí chăm sóc, đặc biệt không nên điều tiết nước đã nhiễm mặn ra vào ruộng, tránh ảnh hưởng đất, khó cải tạo cho vụ sau.

Thời điểm này, nhiều diện tích lúa vừa xuống giống và cả những diện tích lúa đã xuống giống gần 1 tháng vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng nặng nề. Bởi lẽ, khoảng 3 tháng nữa lúa mới được thu hoạch trong khi mặn còn kéo dài, mưa không có, nước đầu nguồn không có, lúa không có nước tưới sẽ bị chết, người dân sẽ mất trắng.

(Ông Võ Văn Nam - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật)

Bài, ảnh: Viết Duyên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN