Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền

13/12/2019 - 07:53

BDK - Ngày 23-9-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW, về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền (CCCQ). Quy định có nhiều điểm nổi bật, trong đó xác định cụ thể 6 hành vi CCCQ. Báo Đồng Khởi có cuộc phỏng vấn Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến xoay quanh Quy định số 205-QĐ/TW.

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2019. Ảnh: H.Hiệp

Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác xây dựng Đảng năm 2019. Ảnh: H.Hiệp

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết một số nội dung chính của Quy định số 205?

- Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy Hồ Thị Hoàng Yến: Thực hiện Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng Ðảng, ngày 23-9-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QÐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống CCCQ. Quy định có 4 phần, 15 điều, gồm: (1) Quy định chung (2 điều); (2) Kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ (7 điều); (3) Chống CCCQ (4 điều); (4) Ðiều khoản thi hành (2 điều).

Quy định được thiết kế chặt chẽ nhằm xây dựng cơ sở pháp lý để cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, lộng quyền trong công tác cán bộ, các hành vi CCCQ và bao che, tiếp tay cho CCCQ. Trong quy định có những nội dung đã được đề cập ở một số văn bản khác của Ðảng được hệ thống lại, đồng thời có nhiều điểm mới.

 Những điểm mới đó là gì, thưa đồng  chí?

- Có thể nêu 5 nhóm vấn đề mới:

Thứ nhất, việc xác định các chủ thể có quyền hạn, trách nhiệm trong công tác cán bộ một cách cụ thể, các nội dung quy định theo 6 nhóm chủ thể là các tập thể, cá nhân có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác cán bộ để gắn trách nhiệm; đồng thời, quy định những việc phải làm, không được làm của các chủ thể đó trên nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ; quyền hạn phải được ràng buộc với trách nhiệm, quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao, trách nhiệm càng lớn. Ðặc biệt, quy định cũng ràng buộc trách nhiệm của nhân sự (người đang được cấp có thẩm quyền xem xét thực hiện quy trình công tác cán bộ).

Thứ hai, quy định về hành vi: nhận diện rõ thế nào là CCCQ; thế nào là bao che, tiếp tay cho các hành vi này. Trong một số văn bản của Ðảng đã nêu vấn đề này nhưng chưa quy định cụ thể và chưa nhận diện rõ hành vi CCCQ hay bao che, tiếp tay cho CCCQ. Theo đó, đã nhận diện 6 hành vi CCCQ và 8 hành vi bao che, tiếp tay cho CCCQ; đây là nội dung quan trọng, là cơ sở để MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan dân cử và nhân dân tham gia giám sát công tác cán bộ; là căn cứ để các cơ quan có thẩm quyền phát hiện và xử lý vi phạm. Trả lời được câu hỏi “chạy ai? ai chạy”? vi phạm thì xử lý như thế nào?

Thứ ba, bổ sung chế tài, hình thức xử lý đối với người vi phạm. Bộ Chính trị đã có Quy định số 102-QÐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm. Ngoài hình thức xử lý theo Quy định số 102-QÐ/TW, người nào CCCQ hoặc bao che, tiếp tay cho CCCQ mà bị khiển trách, cảnh cáo, cách chức đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ với thời hạn tương ứng là 18 tháng, 30 tháng và 60 tháng. Không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về tổ chức, cán bộ, kiểm tra, thanh tra. Trường hợp bị khai trừ ra khỏi Ðảng thì xem xét buộc thôi việc hoặc chấm dứt hợp đồng lao động; đưa, nhận hối lộ hoặc vi phạm đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định pháp luật…

Thứ tư, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhấn mạnh tính tự giác và xây dựng Ðảng về đạo đức: Quy định việc phải tự giác của nhân sự cũng như những người có thẩm quyền, trách nhiệm trong công tác cán bộ (tự giác báo cáo với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo quản lý khi có người thân là người có quyền, lợi ích liên quan đến việc thực hiện quy trình công tác cán bộ; tự giác không ứng cử hoặc nhận đề cử…). Ðây cũng chính là tôn vinh nét văn hóa, lòng tự trọng của cán bộ, đảng viên trong vấn đề chức quyền. 

Thứ năm, quy định này có những nội dung nhằm đảm bảo tính khách quan cho những người thực thi nhiệm vụ đồng thời ngăn chặn tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “hoàng hôn nhiệm kỳ” có thể xảy ra trong công tác cán bộ. Theo đó, cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan không được bố trí những người có quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm các chức danh liên quan trực tiếp, có thể tạo ra ảnh hưởng đến tính khách quan trong thực thi công tác cán bộ như: bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cùng cấp ủy; chủ tịch UBND và người đứng đầu cơ quan nội vụ, thanh tra ở cùng một địa phương...; yêu cầu phải báo cáo lên cấp trên trực tiếp trước khi thực hiện quy trình công tác cán bộ khi người đứng đầu ở đó đã có thông báo nghỉ hưu, nghỉ chờ hưu hoặc chuyển công tác, hay quy định thời hạn phải chuyển đổi người theo dõi công tác cán bộ đối với một địa bàn, lĩnh vực…

Tỉnh có những giải pháp gì trong triển khai thực hiện Quy định số 205 về chống CCCQ?

- Ðể tập trung triển khai, quán triệt thực hiện nghiêm Quy định số 205-QÐ/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn số 1816-CV/TU ngày 20-11-2019 yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm thực hiện một số nhiệm vụ, cụ thể như:

1. Lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức quán triệt và thực hiện nghiêm các nội dung trong Quy định số 205-QÐ/TW của Bộ Chính trị, xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị, địa phương; người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng trong kiểm soát quyền lực về công tác cán bộ và chống CCCQ. Trước mắt là tập trung công tác nhân sự các cấp ủy nhiệm kỳ 2020 - 2025 theo đúng quy trình, quy định, hướng dẫn công tác nhân sự của Trung ương.

2. Ðảng đoàn HÐND tỉnh, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo rà soát, bổ sung, sửa đổi hoặc ban hành mới các quy định, quy chế, quyết định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống CCCQ các văn bản theo Quy định số 205-QÐ/TW.

3. Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy và các cơ quan có liên quan tham mưu sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới khung xử lý hành vi vi phạm nêu tại Quy định số 205-QÐ/TW. Ủy ban Kiểm tra các cấp ủy thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định; xử lý kỷ luật theo thẩm quyền hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với những tập thể, cá nhân vi phạm.

4. Ban Nội chính Tỉnh ủy theo dõi, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy các biện pháp bảo vệ và khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo vi phạm trong công tác cán bộ.

5. Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ðảng đoàn MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh, HÐND các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, xây dựng kế hoạch hướng dẫn thực hiện việc giám sát công tác cán bộ và việc thực hiện quy định này; đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý các trường hợp vi phạm được phát hiện qua giám sát và phản ánh của nhân dân.

6. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy hướng dẫn phổ biến, quán triệt và tuyên truyền việc thực hiện quy định.

7. Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định; hàng năm báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy.

Xin cảm ơn Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy!

Huỳnh Ðức (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN