Kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc

14/02/2019 - 20:13

Việt Nam - Trung Quốc là hai nước láng giềng, có chung biên giới trên bộ, trên biển, có quá trình gắn bó, tương tác về văn hóa và lịch sử lâu đời, chính điều đó đã làm cho quan hệ hai nước trở nên phức tạp và nhạy cảm. Ngày 17-2-1979, Trung Quốc bất ngờ nổ súng xâm lược toàn tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam. Cuộc chiến đã để lại những hậu quả nặng nề đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như mối quan hệ căng thẳng giữa hai Đảng, hai Nhà nước. Năm 1991, hai nước đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Từ năm 2008 đến nay, mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc đã được hai Đảng, hai Nhà nước xác định là “Quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”.

Hội Cựu chiến binh Việt Nam thăm thân nhân đồng đội cũ tại xã An Hiệp, huyện Ba Tri. Ảnh: H. Hiệp

Hội Cựu chiến binh Việt Nam thăm thân nhân đồng đội cũ tại xã An Hiệp, huyện Ba Tri. Ảnh: H. Hiệp

“Khép lại quá khứ, mở ra tương lai”

Nêu bật lịch sử để khẳng định tính chính nghĩa của Việt Nam trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc; đồng thời, khẳng định chủ trương, đường lối, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quan hệ với Trung Quốc; phê phán, phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, xuyên tạc, vu cáo, lợi dụng sự kiện lịch sử biên giới phía Bắc (năm 1979) để kích động chống phá Đảng, Nhà nước ta, chia rẽ mối quan hệ giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Từ khi bình thường hóa (năm 1991), quan hệ hai nước đã phát triển theo hướng tích cực, trên tinh thần “Khép lại quá khứ, mở ra tương lai”.

Về lĩnh vực ngoại giao, lãnh đạo hai nước đã có nhiều chuyến thăm, làm việc cấp cao. Tháng 11-1991, Tổng Bí thư Đỗ Mười và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt thăm Trung Quốc. Lãnh đạo hai bên đã ra thông cáo chính thức bình thường hóa quan hệ hai bên và xác định 5 nguyên tắc chỉ đạo quan hệ hai nước, hai đảng dựa trên nguyên tắc “Độc lập tự chủ, hoàn toàn bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, không can thiệp vào nội bộ của nhau”.

Tháng 12-1992, Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng có chuyến thăm chính thức hữu nghị Việt Nam. Trong chuyến thăm, hai bên thống nhất, đẩy nhanh công việc giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ, thành lập các nhóm công tác cấp chuyên viên để tổ chức các cuộc đàm phán song phương về biên giới lãnh thổ. Ngày 19-10-1993, đại diện Chính phủ hai nước đã ký thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản giải quyết vấn đề biên giới lãnh thổ, mở đường cho việc tiến tới ký kết các hiệp định biên giới, lãnh thổ trong các giai đoạn sau này.

Từ ngày 21-2 đến 1-3-1994, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh thăm chính thức Trung Quốc, thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, văn hóa, khoa học kỹ thuật... Ngày 30-12-1999, sau 8 năm hợp tác, hai nước đã ký Hiệp định biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Gần đây nhất, tháng 10-2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc. Trong chuyến thăm này, hai bên đã ký thỏa thuận nguyên tắc chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển. Tháng 12-2011, Phó chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam và đánh dấu 20 năm Việt Nam - Trung Quốc bình thường hóa quan hệ.

Bộ đội tiến vào Cao Bằng, ảnh chụp ngày 25-2-1979, khoảng 1 tuần sau khi cuộc chiến nổ ra.  Ảnh tư liệu

Bộ đội tiến vào Cao Bằng, ảnh chụp ngày 25-2-1979, khoảng 1 tuần sau khi cuộc chiến nổ ra.  Ảnh tư liệu

Giao lưu hợp tác

Về kinh tế, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam với Trung Quốc hàng năm liên tục tăng. Vốn đầu tư trực tiếp của các doanh nghiệp Trung Quốc đại lục liên tục tăng, hiện Trung Quốc có khoảng 1.780 dự án tại Việt Nam với nguồn vốn khoảng 12 tỷ USD, đứng thứ 8 trong số các nhà đầu tư vốn FDI, đứng thứ 5 trong số những đối tác về vốn hỗ trợ phát triển vào Việt Nam. Du khách Trung Quốc là đối tượng khách du lịch đông đảo nhất và năm sau luôn cao hơn năm trước. Năm 2015, Việt Nam đón 1,5 triệu lượt khách Trung Quốc, năm 2016 là 2,6 triệu lượt, năm 2017 trên 3 triệu lượt, tăng 48,6%. Hiện có khoảng 10 ngàn lưu học sinh Việt Nam đang học tại các trường đại học của Trung Quốc và khoảng 3.000 học sinh Trung Quốc đang du học tại Việt Nam.

Quân đội hai nước thống nhất nhận thức về sự chống phá của các thế lực thù địch đối với sự nghiệp cách mạng của hai nước thông qua thủ đoạn chống phá trên lĩnh vực tư tưởng văn hóa; chia rẽ Đảng với quân đội, quân đội với nhân dân và mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; giải quyết những bất đồng giữa hai nước cần được thực hiện bằng các biện pháp hòa bình, đàm phán trên cơ sở luật pháp quốc tế và tôn trọng lợi ích của nhau. Từ năm 2012 đến nay, hàng năm, cấp cao nhất Bộ Quốc phòng hai nước đều tổ chức giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Trung Quốc và hàng năm hai bên đều có đối thoại cấp Thứ trưởng quốc phòng.

Đối với Bến Tre, năm 2018 vừa qua, tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức đoàn doanh nghiệp đến Trung Quốc để tham gia Hội chợ CAEXPO 2018 nhằm quảng bá hình ảnh và con người xứ Dừa đến với bạn bè trong khu vực và quốc tế. Khu trưng bày quốc gia chủ đề “Thành phố đẹp” của Việt Nam quảng bá mạnh mẽ và hiệu quả đặc sản, không gian văn hóa dừa Bến Tre, “thủ phủ dừa Việt Nam” cùng nhiều nét đặc sắc riêng. Đồng thời, quảng bá, giới thiệu về tiềm năng kinh tế, cơ hội hợp tác đầu tư, hình ảnh văn hóa, du lịch và sản phẩm tiêu biểu của tỉnh tới các quốc gia trong khu vực ASEAN và Trung Quốc.

Đoàn nghệ thuật của tỉnh gồm 9 thành viên cũng đã có buổi biểu diễn chính và 3 suất diễn phụ, nội dung giới thiệu đôi nét về văn hóa, con người Bến Tre, Việt Nam.                                                                                          

Hữu Hiệp (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN