Lo ngại chạm trán với Iran, các nước do dự tham gia Liên minh hàng hải của Mỹ

23/07/2019 - 22:29

Mỹ khẳng định, sáng kiến mới này không nhằm đối đầu quân sự, mà là để răn đe các vụ tấn công nhằm vào hoạt động vận chuyển hàng hải thương mại.

Mỹ mới đây đề xuất tăng cường các nỗ lực bảo vệ khu vực hải phận chiến lược ngoài khơi Iran và Yemen, trong bối cảnh có nhiều sự cố đối với các tàu chở dầu xảy ra trong khu vực. Tuy nhiên, Mỹ cũng đang gặp khó khăn trong việc thuyết phục các đồng minh ủng hộ sáng kiến gia tăng giám sát tại tuyến đường vận chuyển dầu quan trọng ở Trung Đông, khi nhiều nước lo ngại có thể làm đổ dầu vào ngọn lửa căng thẳng khu vực.

Tàu chở dầu Stena treo cờ Anh bị Iran bắt giữ ở eo biển Hormuz ngày 19-7 vừa qua. Ảnh: Al Jazeera

Tàu chở dầu Stena treo cờ Anh bị Iran bắt giữ ở eo biển Hormuz ngày 19-7 vừa qua. Ảnh: Al Jazeera

Theo đề xuất của Mỹ, nước này sẽ cung cấp các tàu phối hợp và dẫn đầu nỗ lực giám sát, trong khi các đồng minh sẽ tuần tra khu vực hải phận gần đó, hộ tống tàu thương mại. Bộ Quốc phòng Mỹ khẳng định, sáng kiến mới này không nhằm đối đầu quân sự, mà là một “ngọn đèn hải đăng” tỏa sáng trong khu vực, để răn đe các vụ tấn công nhằm vào hoạt động vận chuyển hàng hải thương mại.
 

Với căng thẳng giữa Mỹ và Iran gần đây, bất cứ sự can dự nào của các đồng minh trong sáng kiến của Mỹ cũng có thể tạo thành ngòi nổ cho các cuộc xung đột mới. Trong bối cảnh các nước châu Âu đang cố gắng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân, sáng kiến của Mỹ đưa ra không nhận được sự ủng hộ mặn mà của các đồng minh châu Âu.

Pháp cho biết không có kế hoạch hộ tống các tàu thương mại và kế hoạch của Mỹ là phản tác dụng trong việc hạ nhiệt căng thẳng, vì Iran sẽ coi đây là một hành động chống lại quốc gia Hồi giáo này.

Anh - quốc gia đang có mối quan hệ căng thẳng với Iran sau vụ bắt giữ tàu chở dầu, cũng nhận định  khó có khả thi để hộ tống tất cả các tàu thương mại- một quan điểm mà nhiều nước đều ủng hộ. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt ngày 22-7 khẳng định muốn triển khai một “sứ mệnh bảo vệ hàng hải” tại khu vực, nhưng phải do châu Âu dẫn đầu.

“Lực lượng mới sẽ tập trung vào vấn đề tự do hàng hải để bảo vệ tuyến đường biển quan trọng, với 1/5 lượng dầu thế giới được vận chuyển qua eo biển Hormuz hàng năm. Tuy nhiên, lực lượng này sẽ không phải là một phần trong chính sách gia tăng sức ép tối đa của Mỹ lên Iran bởi vì chúng tôi vẫn cam kết bảo vệ Thỏa thuận hạt nhân với Iran”, Ngoại trưởng Hunt nhấn mạnh.

Nước Mỹ cũng đang cố vận động các quốc gia châu Á tham gia liên minh, vì đây là tuyến đường quan trọng với an ninh nguồn cung dầu. Tuy nhiên, phản ứng của các nước trong khu vực là khá hờ hững. Một quan chức phương Tây cho rằng “không đời nào” Trung Quốc tham gia liên minh hàng hải, trong khi phía Hàn Quốc cho biết chưa nhận được đề xuất chính thức từ Mỹ.

Một quyết định của Nhật Bản tham gia sáng kiến này cũng có thể đổ dầu vào sự tức giận của công luận, nên một quan chức nước này hôm nay cho biết Nhật Bản hiện không cân nhắc việc điều quân tham gia liên minh của Mỹ.

Ấn Độ đã triển khai hai tàu tại Vùng Vịnh để bảo vệ tàu mang cờ nước này kể từ 20 tháng 6, trong khi các nhà nhập khẩu dầu châu Á khác cũng khó thực hiện được điều gì khác ngoài sự hiện diện mang tính tượng trưng như là tham gia vào văn phòng liên lạc.

Các quốc gia Vùng Vịnh – những nước mua vũ khí lớn của phương Tây, được cho là không có nhiều kinh nghiệm trong việc phối hợp các sứ mệnh hải quân lớn và các đầu tư quốc phòng tập trung chủ yếu vào lĩnh vực trên không và trên bộ hơn là trên biển. 2 đồng minh quan trọng của Mỹ là Saudi Arabia và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất cũng đang giám sát các khu vực ngoài khơi bờ biển của Yemen - nơi họ đang dẫn đầu một liên minh đối phó với nhóm vũ trang Houthi. Đề cập vai trò của Saudi Arabia trong sáng kiến của Mỹ, một quan chức quân sự nước này cho biết sẽ tiếp tục thực hiện sứ mệnh đã làm nhiều năm qua tại Biển Đỏ cũng như một phần trong cuộc chiến Yemen, bao gồm hộ tống và đảm bảo an ninh cho các tàu thương mại.

Hiện Mỹ vẫn đang thúc đẩy nỗ lực kêu gọi sự ủng hộ của các đồng minh tham gia vào sáng kiến này. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 22-7 khẳng định, các quốc gia từ khắp nơi trên thế giới sẽ tham gia vào liên minh để đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực. Tuy nhiên, nếu Mỹ thất bại trong việc kêu gọi sự ủng hộ đối với sáng kiến này, sẽ là một cú giáng vào nỗ lực của Mỹ và cả đồng minh Saudi Arabia hay Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, trong việc cô lập Iran cũng như các lực lượng được Iran hậu thuẫn tại Trung Đông.

Nguồn: VOV.VN

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN