Lựa chọn yêu thương của “người xây tổ ấm”

25/06/2018 - 07:03

Người phụ nữ làm việc để trang trải trong gia đình.

Người phụ nữ làm việc để trang trải trong gia đình.

Khi nói đến vai trò đối với gia đình, người phụ nữ (PN) được khoác cho danh xưng “Người xây tổ ấm”. Người PN ngày nay đã được giải phóng nhiều, vị thế trong xã hội đã được đề cao, bình đẳng với nam giới trên mọi lĩnh vực. Trong cuộc sống gia đình, họ được bảo vệ, được yêu thương, được người chồng chung vai đồng lòng giúp sức. Nhưng để là người xây tổ ấm gia đình, họ vẫn nhận về mình phần hy sinh để vun đắp cho hạnh phúc chung.

Vun vén cho hạnh phúc

Vì yêu thương, người PN sẵn sàng dành những điều tốt đẹp nhất cho chồng con và gia đình mình. Tôi nhớ đến hình ảnh bà tôi. Bà là nội trợ, hằng ngày ở nhà lo cơm nước, chăm sóc cho 10 người con để ông tôi đi làm. Trong ký ức của ba mẹ tôi khi nhớ về bà đó là hình ảnh một người mẹ giản dị, sáng đi chợ, nấu cơm cho chồng con món này món khác, còn mình thì quanh năm thường trực kho quẹt, đậu hũ nước tương. Nhà nội làm nghề mộc chỉ vừa đủ trang trải, bà tôi vì vậy đã quen bản thân ki cóp để dành vun vén từng cái áo, cái quần, miếng cơm, cái bánh cho chồng, cho con.

Có nhiều PN đã chọn cho mình cách lùi về phía sau để làm hậu phương vững chắc cho gia đình. Chị Hoàng Hà ở Bình Đại vốn là một giáo viên tiểu học với nhiều tâm huyết nhưng khi chồng bắt đầu công việc kinh doanh, chị đã xin nghỉ việc ở trường để cùng chồng quán xuyến công việc trong ngoài, chăm sóc gia đình. Có chị ủng hộ, đồng lòng, anh yên tâm phát triển kinh doanh. Chị còn dành thời gian đi học thêm nghiệp vụ kế toán để giúp chồng quản lý sổ sách. “Nhiều lúc mình cũng nhớ học trò, nhớ bảng đen, phấn trắng nhưng công việc gia đình cần mình hơn”, chị Hoàng Hà chia sẻ.

Là một PN trẻ tâm sự về cuộc sống gia đình, chị Thanh Trúc (Phường 4, TP. Bến Tre) chia sẻ: “Tôi cho rằng, khi đã lập gia đình, rồi có con, người PN sẽ lựa chọn sự ưu tiên cho gia đình mình, cho chồng con hơn là bản thân mình”. Chị Trúc trước đây làm việc trong lĩnh vực du lịch, sau khi kết hôn và sinh con gái đầu lòng, chị tạm nghỉ việc ở nhà để chăm sóc con. So với thời còn son rỗi, khi trở thành một người vợ, một người mẹ, chị cảm nhận rất rõ những thay đổi của bản thân mình. Chị nói: “Tình yêu thương và gia đình đi liền với trách nhiệm. Thứ tự ưu tiên trong lòng mình đã thay đổi”.

Tất cả vì gia đình

Vì yêu thương, người PN có thêm sức mạnh để làm nhiều việc. Tôi gặp một chị công nhân ngành đông lạnh vừa được nhận nhà Mái ấm công đoàn của Liên đoàn Lao động tỉnh hỗ trợ. Suốt hơn 10 năm trời một mình chị gánh vác gia đình, chồng chị bị bệnh ung thư, mất sức lao động. Hai vợ chồng có thời gian phải tá túc trong một mái nhà dột nát mà người ta cho ở đậu. Chị không dám nghỉ một giờ làm việc nào, cứ bền bỉ như vậy qua mấy năm trời với đồng lương công nhân. Trong cuộc gặp gỡ đó, khi tôi hỏi chị sức mạnh nào giúp chị vượt qua những năm tháng vất vả? Chị an nhiên đáp: “Tôi chỉ nghĩ là mình phải cố gắng thôi, vì chồng, vì con mình. Không có cách nào khác”.

Sức vóc PN nhưng để bươn chải mưu sinh, có những PN đã đảm đương những công việc như đàn ông. Các chị phụ việc ở công trường xây dựng, làm nữ tài xế xe ôm, lái đò máy, đánh xe ngựa ở khu du lịch… không thua kém các đấng mày râu. Cách đây vài năm, khi tiếp xúc với hoàn cảnh của một nữ tài xế xe ôm ở xã Phú Túc, huyện Châu Thành, chị đã chia sẻ với tôi: “Vì hoàn cảnh gia đình, làm nhiều rồi cũng quen, sức mình PN thì đi ít hơn mấy ông nhưng bù lại có khách quen, mối quen. Vì mình là nữ, lái xe cẩn thận hơn nên khách tin tưởng”.

Vì yêu thương, người PN cũng sẵn sàng để hạnh phúc riêng của mình lại phía sau. Tôi được nghe kể câu chuyện về một chị làm nghề giúp việc nhà. Chị góa chồng và một thân nuôi cô con gái. Hoàn cảnh là vậy nhưng chị đã chăm lo cho con gái mình ăn học thành tài, không hề thua sút bạn bè.

Vị thế của người PN trong xã hội ngày nay đã được nâng lên rất nhiều, họ mạnh mẽ và tự chủ hơn trong cuộc sống. Đối với người PN nói chung, người vợ, người mẹ nói riêng, gia đình vẫn là ưu tiên hàng đầu. “Tôi không gọi việc mình chịu thiệt một chút để vun vén cho chồng con mình là hy sinh. Tôi gọi đó là sự lựa chọn yêu thương”, chị Thanh Trúc nói.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN