Mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Tiết

27/08/2018 - 07:02

BDK - Hai lần tận mắt chứng kiến người thân yêu bị giặc sát hại và sinh con dưới những trận đòn roi tra tấn của giặc là nỗi đau mà mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Tiết đã trải qua. Những đau thương, mất mát ấy càng làm tăng thêm lòng yêu nước trong mẹ. Mẹ tiếp tục sống, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng.

Mẹ Hồ Thị Tiết và tác giả bài viết.

Mẹ Hồ Thị Tiết và tác giả bài viết.

Là con gái duy nhất trong một gia đình trung nông tại ấp Phước Thới, xã Phước Tuy, mẹ Việt Nam anh hùng Hồ Thị Tiết, sinh năm 1926, đã sớm mất cha, mất mẹ do chiến tranh. Mẹ phải sống với bà ngoại đã già. Ký ức tuổi thơ của mẹ bắt đầu từ nỗi đau giặc giết hại cha mẹ của mình.

Nợ nước, thù nhà đã đưa người con gái tên Hồ Thị Tiết gia nhập lực lượng cách mạng địa phương khi mới 16 tuổi. Năm 1942, trong lực lượng giao liên địa phương đã có tên Hồ Thị Tiết. Trong quá trình hoạt động, mẹ đã gặp và nên duyên cùng ông Lê Văn Chà, sinh năm 1921, là người cùng quê cũng đang tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương. Năm 1948, người con trai đầu lòng của mẹ là Lê Văn Hùng ra đời. Đến năm 1951, mẹ mang thai người con thứ hai. Đúng vào thời điểm này, vợ chồng mẹ cùng một số chiến sĩ cách mạng khác được phân công vào tỉnh Cà Mau thực hiện nhiệm vụ bí mật, quan trọng. Tuy nhiên, khi đến cù lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, đoàn cán bộ công tác của mẹ bị máy bay địch phát hiện tấn công bằng hỏa lực mạnh. Trong trận giáp mặt này, ông Lê Văn Chà bị thương nặng. Mẹ phải cõng ông một quãng đường rất xa để đến được nhà dân. Do vết thương quá nặng, ông Lê Văn Chà đã hy sinh.

Chồng hy sinh, lạc mất đồng đội, không có giữ văn tự công tác, mẹ đành tìm đường trở lại quê nhà để tiếp tục công tác. Song, khi về tới địa phương hoạt động chưa lâu thì mẹ bị địch phát hiện và bắt giam tại khám Tân Xuân. Ở đây, ngày nào mẹ cũng bị chúng dùng đòn roi và nhiều hình thức tra tấn dã man. Người con con gái thứ hai của mẹ là Lê Thị Vân ra đời trong hoàn cảnh ấy tại nhà tù quân giặc. Không khai thác được thông tin gì, cũng không đủ chứng cứ buộc tội, chúng buộc phải trả tự do cho mẹ.

Vì được sinh trong khám của giặc, điều kiện vật chất, thuốc men không có, cũng không được chăm sóc, vệ sinh tốt nên thể trạng người con gái thứ hai của mẹ rất yếu và bị bệnh bại liệt. Dù rằng con còn nhỏ, nhưng nhiệm vụ cách mạng thôi thúc, sau khoảng thời gian ngắn nghỉ dưỡng tại nhà, mẹ lại tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ, để lại hai người con cho bà ngoại của mẹ nuôi dưỡng. Do thể trạng yếu, người con gái của mẹ là Lê Thị Vân mất khi vừa tròn 5 tuổi.

Người con trai đầu lòng của mẹ là Lê Văn Hùng cũng tham gia hoạt động cách mạng khi mới 13 tuổi. Anh được mẹ gửi vào căn cứ để được cán bộ cách mạng giáo dục, huấn luyện. Trong thời gian ở đây, anh Hùng luôn phấn đấu học tập, rèn luyện. Đồng thời, anh rất gan dạ, mưu trí trong chiến đấu nên được giao nhiệm vụ là Xã đội phó xã Phước Tuy. Năm 1970, bà ngoại của mẹ mất. Anh Hùng tìm cách về thăm bà lần cuối thì bị quân địch phục kích và anh đã hy sinh.

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, tất cả người thân xung quanh mẹ đã ra đi. Nỗi đau tột cùng ấy đã được mẹ biến thành sức mạnh phi thường. Mẹ đảm trách và luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công.

Với những cống hiến, hy sinh ấy, mẹ được phong tặng danh hiệu mẹ Việt Nam anh hùng và được tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất. Gia đình mẹ được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Ba và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp.

Hiện nay, dù đã cao tuổi nhưng mẹ vẫn tích cực tham gia các phong trào tại địa phương. Trong những ngày xóm, ấp làm đường, mẹ cùng ra làm với mọi người. Không bưng bê hay vác nặng được thì mẹ tiếp nước, đưa bánh để anh em lao động bớt mệt. Mẹ thường căn dặn mọi người, hãy làm cho chắc để mình còn xài lâu.

Mỗi lần có đoàn cán bộ địa phương ghé thăm, mẹ đều căn dặn anh em hãy làm bằng chính cái tâm và phải nỗ lực hết sức mình phục vụ nhân dân. Có như vậy, nhân dân mới tin yêu, mới đồng lòng thì công việc của địa phương mới thành công.

Minh Đức

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN