Mở lối cho xuất khẩu lao động ở xã bãi ngang

01/12/2017 - 07:53
Nhiều bạn trẻ học tiếng Nhật với ao ước được sang Nhật làm việc.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội vừa tổ chức nâng cao năng lực cho khoảng 900 tuyên truyền viên ở cơ sở về công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại 30 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển. Qua đó, giúp nhiều người lao động có thông tin và điều kiện tiếp cận cơ hội tham gia XKLĐ.

 

Theo Quyết định số 131 của Thủ tướng Chính phủ ngày 25-1-2017, Bến Tre có 30 xã phân bố trên địa bàn 6 huyện gồm: Ba Tri 9 xã, Thạnh Phú 9 xã, Bình Đại 6 xã, Mỏ Cày Nam 3 xã, Giồng Trôm 2 xã, Châu Thành 1 xã) được công nhận xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo giai đoạn 2016 - 2020. 

Thu hút sự quan tâm của người lao động

XKLĐ được xem là giải pháp hiệu quả giúp nhiều gia đình ở nông thôn vươn lên thoát nghèo bền vững, hiện Nhà nước có nhiều chính sách nhằm tạo điều kiện cho người lao động ở các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển tham gia XKLĐ. Những chính sách ấy cụ thể như thế nào thì không phải ai cũng biết. Cũng vì lý do đó mà cô Bùi Thị Lợi, một người nội trợ ngụ xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại sắp xếp việc nhà để có mặt tại buổi nâng cao năng lực cho tuyên truyền viên. Cô cho biết: “Tôi có con trai 23 tuổi đang đi bộ đội, sau khi thực hiện nghĩa vụ quân sự, con trai tôi muốn vươn lên, lập nghiệp bằng con đường XKLĐ, nhưng gia đình tôi mù mờ thông tin, đây là cơ hội quý cho tôi có được thông tin khá đầy đủ để tư vấn, truyền đạt lại cho con trai có chọn lựa phù hợp thị trường XKLĐ”.

Việc nâng cao năng lực cho đối tượng là trưởng ấp, đại diện các hội, đoàn thể ấp và tổ trưởng tổ nhân dân tự quản là rất cần thiết. Bởi đây là lực lượng tuyên truyền viên làm nhiệm vụ thông tin, tư vấn giúp người lao động đến gần hơn với cơ hội XKLĐ. Thông qua buổi nâng cao năng lực do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, các tuyên truyền viên cập nhật các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài đối với người lao động các xã bãi ngang ven biển. Được thông tin về các thị trường XKLĐ như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Đông…; gặp gỡ trực tiếp cơ quan, doanh nghiệp làm công tác XKLĐ và được giải đáp các thắc mắc; nghe những chia sẻ thực tế về cuộc sống, thu nhập của lao động (là con em ở địa phương) từng tham gia XKLĐ tại một số nước.

Chị Nguyễn Thị Cúc - Phó chủ tịch MTTQ xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại sau khi dự lớp nâng cao năng lực cho tuyên truyền viên, đã thu được nhiều thông tin bổ ích. Chị chia sẻ, đây là lần đầu tiên tôi được tiếp cận một cách trực tiếp, cụ thể về những thông tin XKLĐ, đặc biệt là người lao động ở các xã bãi ngang được hưởng nhiều chính sách ưu đãi hơn so với lao động khác không ở xã bãi ngang. Tôi sẽ tuyên truyền cho người dân thông tin mà chúng tôi có, qua đó đẩy mạnh công tác XKLĐ trong thời gian tới.

Nhiều hình thức hỗ trợ

Theo chia sẻ của bạn Bùi Thị Kim Trí - Bí thư Xã Đoàn Thừa Đức, huyện Bình Đại, hiện xã có 120 đoàn viên, trên 300 thanh niên là hội viên Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Rất nhiều bạn là đoàn viên đang là học sinh ở các trường THPT có nhu cầu XKLĐ, những bạn có trình độ học vấn thấp hơn cũng muốn tham gia nhưng liệu có thị trường nào chấp nhận? Bên cạnh đó, bạn trẻ hiện nay không ngại xa nhà nhưng chỉ lo không có người thân quen, sợ cảm giác trơ trọi.

Trao đổi về vấn đề này, ông Mai Hoàng Nhân - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre cho biết, Nhật Bản đang là thị trường XKLĐ được ưa chuộng nhất, bởi đây là nước có công nghệ tiên tiến, thu nhập cao. Với nhu cầu đang cần một lượng lớn lao động nước ngoài đến làm việc, Nhật Bản và cả Hàn Quốc vẫn chấp nhận người lao động có trình độ tốt nghiệp THCS. Hiện, thị trường Nhật Bản còn gia hạn cho người lao động thêm 2 năm làm việc, nâng tổng thời gian làm việc lên đến 5 năm.

Bạn Bùi Minh Mẫn ở xã Thạnh Trị, huyện Bình Đại, là lao động đã làm việc ở Nhật Bản về, chia sẻ: Sau 3 năm làm việc ở Nhật, mình để dành được hơn 700 triệu đồng, cuộc sống ở Nhật khá dễ chịu, còn người Nhật rất tốt, gần gũi và sẵn lòng giúp đỡ mình khi cần. Tại Nhật Bản, người lao động được nghỉ 125 ngày/năm, vào những ngày này, nếu mình chịu làm thì tiền công trả cao gấp 1,25 lần so với ngày thường.

Đối với người lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, thân nhân người có công cách mạng, dân tộc thiểu số, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp khi tham gia XKLĐ được vay vốn tối đa 50 triệu đồng/người, hình thức vay tín chấp. Bên cạnh đó, đối với người lao động cư trú tại 30 xã bãi ngang ven biển thuộc các diện nêu trên khi tham gia XKLĐ còn được hỗ trợ học nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, tiền ăn, chi phí làm hộ chiếu, lý lịch tư pháp, visa, khám sức khỏe, chi phí đi lại, tiền ở và trang cấp đồ dùng cá nhân.

Trung tâm Dịch vụ việc làm Bến Tre giới thiệu thị trường Nhật Bản với 8 ngành nghề cần tuyển lao động gồm: chế biến thực phẩm, nông nghiệp, xây dựng, ngư nghiệp, cơ khí, dịch vụ, kỹ sư kỹ thuật viên cơ khí, điều dưỡng, mức lương từ 20 - 25 triệu đồng/tháng, hầu hết học vấn chỉ cần tốt nghiệp THCS trở lên. Riêng thị trường các nước Trung Đông tuyển lao động giúp việc nhà, người lao động không tốn chi phí XKLĐ. 

 

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN