Mong có mái nhà để ở

16/12/2018 - 19:36

Ông Nguyễn Văn Dũng bên mái nhà lá do bà con chòm xóm dựng lên.

Ông Nguyễn Văn Dũng bên mái nhà lá do bà con chòm xóm dựng lên. 

1.  Gia đình anh Nguyễn Văn Dũng ở Tổ 10, ấp Bảo Hòa, xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri là hộ nghèo. Cả nhà hiện đang sống trong một mái nhà lá che tạm, do người thân và bà con chòm xóm thương tình dựng lên.

Trưởng ấp Bảo Hòa Trần Văn Thanh cho biết: “Anh Dũng là người chí thú làm ăn nhưng chẳng may anh bị thua lỗ. Giờ đây anh đã trắng tay, nợ nần và không có khả năng làm nhà để ở”.

Trước đây, anh Dũng làm nghề nông với hơn 2 công đất để lo cho 4 miệng ăn, gồm vợ chồng anh cùng 2 đứa con nhỏ. Tuy nhiên, kinh tế gia đình anh không khá lên được, luôn bị thiếu hụt. Năm 2010, thấy có nhiều người đã khá lên nhờ nuôi tôm công nghiệp, anh Dũng khao khát muốn được “đổi đời” bằng sự chuyển đổi nghề của mình. Sau đó, anh Dũng gom góp vốn tích lũy được và mượn thêm tiền của người thân để đầu tư nuôi tôm tại quê vợ ở xã An Đức, huyện Ba Tri.

Thu hoạch vụ tôm đầu, sau khi trừ chi phí anh kiếm được vài triệu đồng. Vụ thứ 2, anh hùn với người em bạn rể nuôi tiếp thì huề vốn. Vụ thứ 3, anh lãi được khoảng hơn 10 triệu. Tiếp đó, tới vụ thứ 4, thứ 5… Tuy bị thất bại nhưng anh Dũng vẫn nuôi hy vọng sẽ thành công và có lãi cao nhờ nghề nuôi tôm. Anh tiếp tục đầu tư và học hỏi kinh nghiệm ở nhiều người đi trước. Tuy nhiên, vận may vẫn không đến và anh luôn bị thất bại.

Hiện nay, anh Dũng sống bằng tiền công làm thuê cho các chủ tàu khai thác thủy sản. Vợ anh cũng đã đi làm thuê để phụ nuôi con, trang trải nợ nần. Tuy nhiên, công việc của anh không được thường xuyên vì thời tiết biến đổi thất thường và phải do sự sắp xếp của chủ tàu.

Theo hàng xóm của anh Dũng cho biết, khoảng tháng 9-2016, trong lúc gia đình Dũng đang ở nhà cha mẹ vợ (xã An Đức, huyện Ba Tri) thì một trận mưa giông lớn đã làm ngã cây duối và đè sập nhà của anh. Nhà này của cha mẹ ruột anh để lại, được xây dựng đã lâu nhưng không có điều kiện tu sửa. Hiện anh Dũng là người thờ cúng cha mẹ và người anh cả - liệt sĩ Nguyễn Văn Thạch (bộ đội đặc công).

“Tôi muốn vươn lên bằng chính sức lao động của mình nhưng liên tiếp bị thất bại. Tôi rất mong được sự giúp đỡ để vượt qua khó khăn”, anh Dũng chia sẻ.

Vợ chồng ông Hồ Văn Danh trước căn nhà đã xuống cấp.

Vợ chồng ông Hồ Văn Danh trước căn nhà đã xuống cấp.

2. Tại Tổ 16, ấp An Thạnh, xã An Thủy, huyện Ba Tri có gia đình ông Hồ Văn Danh (56 tuổi) thuộc diện hộ nghèo.

Cả nhà 5 người, gồm vợ chồng ông, con gái và 2 đứa cháu ngoại đều sống nhờ vào lao động chính của ông, với tiền làm thuê cuốc đất công nhật ít ỏi khoảng 150 ngàn đồng/ngày. Thế nhưng, công việc làm thuê của ông cũng không ổn định vì phải tùy thuộc vào mùa vụ. Hơn nữa, những khi bị căn bệnh khớp hành, ông Danh phải nghỉ làm để tới trạm y tế xã xin thuốc uống cho qua ngày. Bà Quới, vợ ông Danh, lo việc nấu cơm, chăm sóc 2 đứa cháu ngoại (đứa lớn 10 tuổi, đứa nhỏ 5 tuổi). Tranh thủ thời gian rảnh, bà nhận hạt điều về nhà lột để kiếm tiền công khoảng 20 - 30 ngàn đồng/ngày.

Chị Hồ Thị Trúc Ly, con gái ông Danh, đi làm công cho các chủ tàu cá được khoảng 100 ngàn đồng/ngày. Khổ nỗi, công việc này cũng không thường xuyên.  Những lúc kẹt tiền chi tiêu trong gia đình, ông Danh phải đi mượn tiền của chủ thuê cuốc đất theo kiểu “ăn trước, trả sau”.

Hiện tại, gia đình ông Danh sống trong mái nhà lá đã “tới tuổi”. Cột, đòn tay và vách của căn nhà này đã bị mục rách theo thời gian. Theo Trưởng ấp An Thạnh Trần Hữu Dũng, mấy cây cột xi-măng làm nhà ông Danh là cán bộ ấp xin của người khác đem về cho ông. “Tại xã, những khi có đoàn từ thiện hoặc nhà hảo tâm tới địa phương hỗ trợ, cán bộ xã, ấp đều dành phần để giúp đỡ cho hộ của ông Danh”, Phó chủ tịch UBND xã An Thủy Trà Thị Ngọc Giàu cho biết.

Mọi sự giúp đỡ cho ông Nguyễn Văn Dũng và Hồ Văn Danh, xin vui lòng liên hệ với Tòa soạn Báo Đồng Khởi. Địa chỉ: số 171 - 173, Nguyễn Đình Chiểu, Phường 2, TP. Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Phòng Hành chính - Trị sự, điện thoại 02753.822311.

Bài, ảnh: Huỳnh Trâm

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích