Mỹ-Trung không đánh nhau nhưng còn “tranh cãi dài hơi”

13/06/2019 - 20:20

VOV.VN - Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ không chiến tranh với nhau vì điều đó không đem lại lợi ích cho bên nào nhưng 2 nước này sẽ còn “tranh cãi dài hơi”.

Phát biểu tại Diễn đàn Đối thoại Shangri-La, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã phát biểu rằng: "Khi 2 con voi đánh nhau, cỏ cây đều bị giẫm nát. Khi 2 con voi yêu nhau, cỏ cây cũng bị quần xéo". Nhận định này không chỉ xuất hiện 1 lần và nó cho thấy một thực tế rằng khi cạnh tranh Mỹ - Trung leo thang, diễn đàn này thay vì một nơi thảo luận về các vấn đề khu vực thì đã trở thành "đấu trường" để 2 nước so kè.

Mỹ-Trung không đánh nhau nhưng còn “tranh cãi dài hơi”. Ảnh: Reuters

Mỹ-Trung không đánh nhau nhưng còn “tranh cãi dài hơi”. Ảnh: Reuters

Trong Diễn đàn Đối thoại Shangri-La 2019, cả Quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phượng Hòa đều liên tục chỉ trích nhau, đồng thời tăng cường thúc đẩy tầm nhìn của mình về an ninh khu vực. Họ quá "say sưa" với việc trình bày quan điểm của mình và không còn tâm trạng để đàm phán hay thương lượng với nhau về các vấn đề khác.

Ông Shanahan đã trình bày quan điểm của Mỹ đằng sau chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do của Mỹ là: tôn trọng chủ quyền, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, thương mại tự do, bình đẳng, có qua có lại và tuân thủ các quy định luật pháp quốc tế. Mỹ cũng gọi Trung Quốc là "nước lớn theo chủ nghĩa xét lại”, đồng thời cáo buộc Bắc Kinh "phá hủy trật tự dựa trên các quy tắc". Thực tế là Washington đã "đánh" vào Bắc Kinh trên mọi "mặt trận", từ thuế quan, công nghệ, nhân quyền cho tới an ninh mạng.

Về phần mình, ông Ngụy cũng đưa ra những lập luận riêng, nhấn mạnh đến bản chất hòa bình trong sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng như những đóng góp của nước này với an ninh quốc tế. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc khẳng định nước này không bao giờ xâm lược các quốc gia khác và hoạt động quân sự hóa khu vực Biển Đông gây tranh cãi chỉ thuần túy là để tự vệ. Ông Ngụy cũng tuyên bố với Mỹ rằng: “Một cuộc đối thoại? Chúng tôi chào đón. Một cuộc chiến ư? Chúng tôi sẵn sàng. Bắt nạt chúng tôi ư? Không đời nào".

Cạnh tranh Mỹ - Trung và nguy cơ xung đột sẽ không thể kết thúc sớm. Như ông Lý Hiển Long đã phát biểu, chính những "hố sâu ngăn cách" trong các vấn đề chính trị nội bộ của Trung Quốc và Mỹ đã khiến căng thẳng giữa 2 nước này càng leo thang.

Tại Mỹ, không có thành viên nào trong đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ muốn bị coi là mềm mỏng với Trung Quốc. Còn tại Bắc Kinh, không nhà lãnh đạo nào muốn bị coi là khuất phục trước sức ép phương Tây.

Chiến tranh có thể mới chỉ là nguy cơ nhưng những cạnh tranh giữa 2 nước lớn này thì đã hiển hiện rõ ở Biển Đông.

Một chương trong bản Đánh giá Khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đã nêu ra 3 đặc điểm ở vùng biển này là "Trung Quốc chiến thắng", "Biển Đông ôn hòa hơn" và "Trung-Mỹ chuẩn bị chiến tranh".

Tuy nhiên, theo nhà phân tích William Choong nhận định trên South China Morning Post, tất cả 3 điểm trên đã không vẽ nên được một bức tranh toàn cảnh. Trung Quốc không chiến thắng bởi các quốc gia sẽ không bao giờ từ bỏ chủ quyền của mình ở Biển Đông. Khu vực này cũng không ôn hòa hơn khi luôn tiềm ẩn các nguy cơ căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc. Ngoài ra, 2 nước này cũng không chuẩn bị chiến tranh bởi điều ấy sẽ không đem đến lợi ích cho bất kỳ bên nào.

Tóm lại, trong khi Trung Quốc có các hành động gây tranh cãi ở Biển Đông thì Mỹ và các đồng minh chung chí hướng đang tăng cường các biện pháp để ứng phó trước những diễn biến này. Tình thế ở châu Á - Thái Bình Dương có thể tóm gọn lại là: Dù không đối đầu trực tiếp nhưng những tranh cãi giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn sẽ tiếp diễn trong một cuộc Chiến tranh Lạnh kiểu mới.

Nguồn: vov.vn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN