Nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến hàng nông, thủy sản xuất khẩu

29/04/2019 - 07:36

Sản xuất kẹo dừa xuất khẩu tại Công ty Thanh Bình. Ảnh: H.Hiệp

Sản xuất kẹo dừa xuất khẩu tại Công ty Thanh Bình. Ảnh: H.Hiệp

Từ năm 2013 - 2018, giá trị hàng nông sản trong tỉnh xuất khẩu có tỷ lệ tăng bình quân 12,7%/năm. Hàng hóa tỉnh xuất sang nhiều thị trường, trong đó thị trường Trung Quốc có tỷ lệ nhập khẩu nông sản lớn nhất 79%, EU 10%, Hoa Kỳ 5%.

Nếu như năm 2013, hàng nông thủy sản tỉnh xuất đi 43 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới thì năm 2018 tăng lên 68 quốc gia. Trước đây, mặt hàng nông sản của tỉnh chủ yếu chỉ xuất khẩu theo con đường tiểu ngạch thì hiện nay được xuất khẩu chính ngạch sang một số nước như Đài Loan (Trung Quốc), Tây Ban Nha, Mỹ. Trong đó, đóng góp tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu vẫn là các mặt hàng chủ lực như nghêu, cá phi lê, dừa, gạo, trái cây các loại.

Bến Tre có vùng nguyên liệu, nhất là nghêu đã được chứng nhận MSC, có vùng nuôi cá da trơn, nuôi tôm khá lớn là thuận lợi lớn cho xuất khẩu. Những năm qua, tỉnh xuất khẩu nghêu và cá tra là chủ yếu, với kim ngạch xuất khẩu khoảng 80 triệu USD/năm. Thị trường xuất khẩu ổn định và ngày càng được mở rộng. Dừa khô trái mỗi năm tỉnh xuất bình quân trên 50 triệu quả, thị trường chủ yếu là Hàn Quốc, Trung Quốc, Tây Ban Nha. Trước đây, dừa tươi chỉ để tiêu dùng trong và ngoài tỉnh thì hiện nay đã được xuất sang Mỹ, Tây Ban Nha, Đài Loan. Tuy vậy, bước đầu kim ngạch xuất khẩu chưa nhiều. Tỉnh cũng có nhiều mặt hàng khác có khả năng xuất khẩu là bưởi da xanh, xoài, sầu riêng, chôm chôm, nhãn. Thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc nhưng chỉ mới có 8 loại trái cây của Việt Nam được vào chính ngạch, trong đó Bến Tre có 3 mặt hàng là chôm chôm, xoài, nhãn.

Theo Giám đốc Sở Công Thương Lê Văn Khê, thời gian qua, tỉnh có nhiều nỗ lực trong xuất khẩu hàng nông thủy sản nhưng còn gặp nhiều khó khăn. Sản xuất, chế biến còn nhỏ lẻ, công nghệ sản xuất chưa được tập trung đầu tư cải tiến, số doanh nghiệp sử dụng dây chuyền chế biến hiện đại chỉ từ 25 - 30%, trong khi trung bình các nước ASEAN đạt tới 50%. Các mặt hàng nông thủy sản chủ lực có sức cạnh tranh chưa cao, chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, còn xuất khẩu dưới dạng thô, sản phẩm có giá trị gia tăng cao không nhiều. Rào cản về kỹ thuật cũng là một khó khăn lớn đối với xuất khẩu các mặt hàng nông thủy sản của tỉnh.

Cũng theo ông Lê Văn Khê, để thúc đẩy xuất khẩu hàng nông thủy sản chủ lực, tỉnh cần tiếp tục rà soát, quy hoạch vùng sản xuất, vùng nguyên liệu xuất khẩu. Đối với các mặt hàng ở thị trường có chính sách bảo hộ hay rào cản kỹ thuật cao thì cần Nhà nước hỗ trợ đầu tư phát triển ứng dụng công nghệ cao, kỹ thuật tiên tiến từ khâu sản xuất, chế biến, bảo quản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm phù hợp yêu cầu thị trường. Có chính sách đầu tư cho công nghệ xử lý sau thu hoạch, chế biến; cấp mã vùng trồng, thực hiện giám sát, quản lý mã số vùng trồng đã được cấp để đảm bảo tính bền vững. Hướng dẫn người dân sản xuất theo tiêu chuẩn, sử dụng phân, thuốc đúng quy định. Khuyến khích xây dựng vùng nguyên liệu diện tích lớn để ứng dụng biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp. Đặc biệt, giám sát và kiên quyết loại bỏ các hình thức cạnh tranh không lành mạnh, có chế tài xử lý các doanh nghiệp kinh doanh chỉ chạy theo lợi ích trước mắt, thiếu tính bền vững, làm ảnh hưởng uy tín nông sản xuất khẩu của tỉnh.

Doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng hàng nông thủy sản xuất khẩu, đảm bảo đạt theo yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế như GlobalGAP, triển khai đồng bộ trên các sản phẩm chủ lực xuất khẩu của tỉnh. Chủ động tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đáp ứng yêu cầu truy xuất nguồn gốc của nhà nhập khẩu. Xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn, xây dựng thương hiệu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến. Thực hiện liên kết hiệu quả, bền vững giữa nông dân, doanh nghiệp xuất khẩu, cung ứng vật tư đầu vào, tuân thủ các quy định của nước nhập khẩu…

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 36 triệu USD, tăng 12,3% so với năm 2017. Khối lượng thủy hải sản xuất khẩu đạt 40.404 tấn, đạt 96,369 triệu USD, tăng 9,21% về khối lượng, 28,28% về giá trị. Xuất khẩu dừa khô trái 52 triệu trái, đạt 18,843 triệu USD, tăng 11,39% về khối lượng và 11% về giá trị. Xuất khẩu dừa tươi 7 triệu quả, đạt 16,248 triệu USD, tăng 10,64% về khối lượng, 14,26% về giá trị.

Thu Hương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích