Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019

18/01/2019 - 09:19

BDK - Ngày 1-1-2019, đã ban hành Nghị quyết số 02 về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021.

Mục tiêu tổng quát là nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của WB, WEF, WIPO, UN về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp (DN) mới thành lập; giảm tỷ lệ DN giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho DN và người dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4.

Về những nhiệm vụ và giải pháp, nghị quyết nêu rõ:

1. Tăng cường trách nhiệm của các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần.

2. Tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018.

3. Tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia.

4. Đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4.

5. Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích DN khởi nghiệp sáng tạo (startup).

Ngoài những nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, Chính phủ cũng yêu cầu:

1. Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh coi việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên, trực tiếp chỉ đạo, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; phân công đơn vị làm đầu mối thực hiện tham mưu, hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của bộ, ngành, địa phương.

Trên cơ sở mục tiêu, nhiệm vụ được giao tại nghị quyết và hướng dẫn của các bộ đầu mối về các bộ chỉ số, hướng dẫn của các bộ, cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm về các nhóm chỉ số; chỉ số thành phần xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và ban hành trong quý I năm 2019; gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng chính phủ để tổng hợp.

Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch thực hiện các nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

2. Từng bộ, ngành, địa phương tổ chức công tác truyền thông về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc phạm vi trách nhiệm của mình.

3. Bộ Nội vụ nghiên cứu lồng ghép một số tiêu chí đánh giá, xếp hạng việc thực thi nghị quyết vào nội dung khảo sát hàng năm của chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS).

4. Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh chủ trì, chịu trách nhiệm giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đánh giá độc lập về tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết, trong đó nêu rõ các bộ, ngành, địa phương làm tốt và nơi làm chưa tốt. Định kỳ hàng năm công khai kết quả khảo sát, đánh giá trong Chính phủ.

5. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội DN, ngành hàng theo dõi, đánh giá độc lập thường xuyên về tình hình và kết quả thực hiện nghị quyết. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành điều tra và công bố chỉ số PCI, tiến hành đánh giá mức độ hài lòng của DN trên các lĩnh vực như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, tiếp cận điện năng...; tổng hợp những bất cập, vướng mắc của pháp luật mà DN kiến nghị; chủ trì thực hiện chương trình hỗ trợ DN phát triển bền vững, chương trình “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và chương trình nâng cao năng lực cho các hiệp hội DN.

6. Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ thực hiện khảo sát, đánh giá và công bố thường niên Báo cáo Chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính (APCI).

UBND tỉnh cũng đã ban hành Công văn số 226/UBND-TH ngày 15-1-2019 về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh. Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu: Các cơ quan, đơn vị, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tổ chức triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm của ngành, địa phương phụ trách, nhằm đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được đề ra tại Nghị quyết số 02 của Chính phủ.

Đăng Phong

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN