Nghệ nhân Sơn Bá với nhạc cụ Dừa

19/04/2019 - 14:20

BDK.VN - Nhân dịp Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam 19-4, đoàn nghiên cứu sinh Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh (trong đó 1 có sinh viên Lào đang theo học) đã đến nhà riêng Nghệ nhân dân gian Việt Nam Võ Văn Bá, tại Ấp 4, xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre thăm và tìm hiểu hoạt động chế tác, biểu diễn, thực hành nghệ thuật dân gian từ bộ nhạc cụ dừa Bến Tre.

Nghệ nhân Sơn Bá (thứ 2 từ phải) giới thiệu nhạc cụ Dừa. Ảnh: TL

Nghệ nhân Sơn Bá (thứ 2 từ phải) giới thiệu nhạc cụ Dừa. Ảnh: TL

Từng xác lập kỷ lục quốc gia

 Võ Văn Bá là một Nghệ nhân dân gian có quá trình hoạt động âm nhạc truyền thống dân tộc bền bỉ, sáng tạo từng được xác lập kỷ lục quốc gia nổi tiếng trong và ngoài nước.

Nghệ nhân dân gian Việt Nam Võ Văn Bá (nghệ danh Sơn Bá), sinh năm 1942, tại xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre. Hện ông đang sinh hoạt tại Chi hội Bảo tàng thuộc Hội Di sản văn hóa tỉnh. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống thực hành âm nhạc cổ truyền dân tộc. Ông từng là nhạc công đờn cò, đờn tranh của Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh. Cha ông là nhạc công thổi kèn của đoàn hát bội địa phương. 

Từ nhỏ, Nghệ nhân Võ Văn Bá đã để tâm học hỏi và nghiên cứu âm nhạc truyền thống. Ông vừa được cha truyền lại kiến thức âm nhạc tài tử, vừa học qua lớp đàn anh đi trước trong Đoàn Văn công Giải phóng. Chính vì vậy, ông đã thành thục và diễn tấu được bài bản nhạc lễ qua nhiều loại nhạc cụ khác nhau như: diễn tấu được bài bản âm nhạc qua đàn tranh, ghi-ta, măng-đô-lin và nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Đặc biệt, năm 18 tuổi, qua các lần tiếp xúc với nghệ nhân chế tác đờn cò bằng chất liệu tre, rồi được lên Sài Gòn học 3 khóa liên tục 1 năm rưỡi ở Trường Công nghệ điện tử và Vô tuyến Lê Văn Hương đã thôi thúc ông ấp ủ ý tưởng sáng tạo trong việc sử dụng nguyên liệu dừa để chế tác các loại nhạc cụ dân tộc truyền thống, tài tử, cổ nhạc… nhưng sau cùng vẫn chưa thực hiện được.

Mãi đến năm 2011, được sự động viên, khuyến khích của lãnh đạo địa phương, sự tài trợ của một doanh nghiệp, ông cùng đồng đội bắt đầu chế tác bộ nhạc cụ bằng dừa và đạt Kỷ lục Việt Nam vào năm 2012. Bộ nhạc cụ này đã được đích thân nghệ nhân Sơn Bá sử dụng trong Lễ hội Dừa tỉnh Bến Tre năm 2012 và 2 Festival đờn ca tài tử Nam Bộ ở Bạc Liêu năm 2014, ở Bình Dương năm 2017.

Đề xuất hỗ trợ thực hiện ước nguyện

Trao đổi với đoàn nghiên cứu đến từ Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, Nghệ nhân Sơn Bá cho biết: “Tôi được chính quyền địa phương mời tham gia đóng góp hướng dẫn thành lập Ban nhạc lễ của xã. Nhiều người biết, tìm đến nhờ tôi hướng dẫn đờn, hát bài bản tài tử và nhạc lễ. Tuy số lượng học viên không nhiều nhưng đa số đều lành nghề. Hiện ngoài nhạc tài tử và nhạc lễ, tôi còn chế tác hàng trăm loại nhạc cụ từ nguyên liệu dừa. Chất lượng nghệ thuật và âm nhạc các loại nhạc cụ được các nhà chuyên môn quan tâm tìm hiểu, được nhiều cơ quan, tổ chức, trường học, cá nhân đánh giá cao, trong số này có GS. Trần Văn Khê đích thân xuống Bến Tre gặp và trao đổi với tôi về bộ nhạc cụ.

 Trong Lễ hội Dừa lần IV-2015, cây đàn cò bằng chất liệu dừa lớn nhất Việt Nam do tôi chế tác đã được công bố, tôi được mời trình diễn cây đàn cò độc nhất vô nhị này để hòa tấu cùng các nghệ nhân, tài tử phục vụ lễ khai mạc Festival thu hút sự quan tâm tán thưởng của đông đảo quan khách”.

Với những cống hiến và hoạt động không ngừng nghỉ cho nền âm nhạc truyền thống của dân tộc trong hơn 30 năm qua, ông từ ấp ủ ý tưởng và hiện nay ngày đêm “sống chết” với bộ nhạc cụ dừa. Bộ nhạc cụ dừa của Nghệ nhân Sơn Bá xứng đáng là một di sản văn hóa dày công sáng tạo và tâm huyết quý giá của cộng đồng được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến.

 Nghệ nhân Sơn Bá đã được nhận bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về thành tích nghệ nhân dân gian; Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam cấp bằng xác lập “Kỷ lục gia” của bộ nhạc cụ dân tộc được chế tác bằng chất liệu dừa đầu tiên tại Việt Nam năm 2012; UBND tỉnh đã tặng 2 bằng khen với thành tích Giải I chế tác hàng thủ công mỹ nghệ từ dừa và có công lao trong thực hành và truyền dạy bộ nhạc cụ dân tộc bằng dừa ở Bến Tre. Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã cấp bằng công nhận Nghệ nhân dân gian cho ông năm 2016. Trường Đại học Trà Vinh đã 2 lần mời ông đến nói chuyện cho giảng viên và sinh viên, tặng kỷ niệm chương và bằng chứng nhận nghệ nhân dân gian có đóng góp vào sự nghiệp bảo tồn, phát triển nhạc cụ truyền thống dân tộc cho Nghệ nhân Sơn Bá.

Nói chuyện với đoàn đoàn nghiên cứu sinh Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, Nghệ nhân Sơn Bá cho biết: “Đã có khách du lịch ở 11 nước: Mỹ, Anh, Pháp, Úc, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Lào… đến tìm hiểu và có nhu cầu giao lưu về bộ nhạc cụ dừa và đặc biệt có 2 ca sĩ Thụy Sĩ đến xin hát để ông đệm đàn bằng bộ nhạc cụ dừa… Nay tôi đã 77 tuổi, sức khỏe ngày càng yếu lại không có người để truyền nghề, nên tôi luôn thiết tha được hợp tác triển khai các biện pháp bảo tồn và phát huy giá trị của bộ nhạc cụ này ở cả 2 khía cạnh vật thể và phi vật thể”.

Được biết sau chuyến thăm này, đoàn nghiên cứu sinh Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Văn hóa TP. Hồ Chí Minh sẽ có những đề xuất cụ thể để hỗ trợ Nghệ nhân Sơn Bá thực hiện ước nguyện suốt dời dấn thân cho sáng tạo văn hóa truyền thống dân tộc trên nền tảng cây dừa Bến Tre.

Lâm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN