Nghề thời vụ mùa hạn mặn

19/02/2020 - 21:38

BDK.VN - Từ đầu năm 2020, nhu cầu sử dụng nước ngọt của người dân tăng cao, người chở nước ngọt đi đổi xuất hiện ngày càng đông. Từ đó, nghề đổi nước ngọt hình thành nên ở xã Tân Xuân (Ba Tri), góp phần giải quyết “cơn khát nước ngọt” cho hàng trăm hộ dân ở các xã lân cận.

Anh Trần Thanh Tuấn, xã Tân Xuân chở nước ngọt đi đổi.

Anh Trần Thanh Tuấn, xã Tân Xuân chở nước ngọt đi đổi.

Nghề đổi nước ngọt

Trước đây, anh Hồ Văn Bảy, ấp Tân Thuận, xã Tân Xuân chỉ làm nông và chạy xe công nông chở đồ thuê. Hơn tháng nay, anh Bảy bắt đầu đi đổi nước ngọt.

Lợi thế gia đình ở vùng giồng cát có nguồn nước ngọt quanh năm, anh Bảy nhanh nhạy khoan giếng để lấy nước ngọt đi đổi.

Ngày mới của anh Bảy bắt đầu từ 2 giờ sáng. Anh Bảy thức dậy bơm nước từ giếng khoan vào 2 chiếc bồn chứa (mỗi bồn 1m3) trên thùng xe công nông. Sau hơn 30 phút nước đầy, anh Bảy nổ máy, bắt đầu chở nước ngọt cho khách.

Khách hàng của anh Bảy là những người dân ở khu vực xa khu dân cư, là một số gia đình có công trình đang xây dựng cần nước ngọt, là những hộ chăn nuôi bò, gà, vịt cần nước cho gia súc, gia cầm uống...

Nghề đổi nước ngọt từ giếng khoan ở Tân Xuân bắt đầu vào mùa khô năm 2016, khi Bến Tre lần đầu tiên phải đối mặt với hạn mặn khốc liệt, khiến nhiều hộ dân không có nước ngọt sử dụng. Và những chuyến xe chở nước ngọt đi đổi là “cứu cánh” của rất nhiều hộ gia đình ở vùng hẻo lánh, vùng sâu, vùng xa ở các xã ven biển.

Mặc dù, ở xã Tân Xuân, nhiều nơi bị nhiễm mặn nhưng riêng khu vực giồng cát ấp Tân Thuận, Tân Hòa, Tân Thanh 2, nguồn nước ngọt quanh năm. Người dân ở đây cho biết, trước đây, nhiều người dân ở nơi khác đến đây xin nước về dùng nhưng sau đó, một số gia đình bắt đầu thu tiền nước. Từ đó, một số hộ đầu tư đào giếng khoan để lấy nước đi đổi.

Tận dụng nguồn nước từ khu vực giồng cát cao không bị nhiễm mặn, một số hộ “nhạy bén” sắm xe công nông, xe 3 bánh và thùng nước để chở nước ngọt đi đổi cho người dân ở những nơi nước bị nhiễm mặn, không có nước ngọt sử dụng.

Mùa hạn mặn năm nay, riêng xã Tân Xuân có trên chục người làm nghề đổi nước ngọt. Họ chủ yếu là nam giới, tranh thủ mấy tháng mặn để kiếm thêm thu nhập. “Mỗi ngày trừ chi phí, tôi cũng kiếm được 500 ngàn đồng. Nếu thuê thêm người làm thì ngày kiếm được 1 triệu đồng. Tranh thủ mấy tháng mặn tăng thêm thu nhập”, anh Bảy cho biết.

Trong khi đó, nhà anh Lê Văn Sĩ, xã Tân Xuân, không có giếng nước khoan nhưng nhận thấy nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng cao, nhà sẵn có xe công nông, anh Sĩ sắm thêm 2 bồn chứa nước để mua nước đi đổi.

Anh Sĩ đến nhà các gia đình có giếng khoan nước ngọt để mua nước đi đổi cho người dân, lấy công làm lời. Tính cả tiền nước và tiền công, mỗi m3 nước anh “bán lại” cho người mua từ 80 - 100 ngàn đồng, tùy đoạn đường gần hay xa.

Không cung cấp kịp nhu cầu

Lúc mới bắt đầu mùa mặn, anh Hồ Văn Bảy bơm nước trực tiếp từ giếng khoan lên bồn để chở đi giao. Nhưng từ giáp Tết 2020, nhu cầu đổi nước của người dân tăng nhanh, nước lấy trực tiếp từ giếng khoan lên không kịp giao. Vì vậy, anh xây thêm 4 hồ chứa, mỗi hồ 2m3 nước để trong lúc đi giao nước thì cho máy bơm nước lên trữ sẵn trong hồ chứa để chuyến tiếp theo có nước bơm lên xe.

“Mặc dù có hồ trữ sẵn nhưng vẫn không có nước kịp giao cho người dân. Tôi lại đào thêm hố đất chứa khoảng 10m3, trải bạt để bơm nước vào trữ sẵn. Ngoài ra, tôi cũng dẫn thằng con theo phụ và thuê thêm xe công nông khác chở phụ để giao nước”, anh Bảy cho biết.

Mỗi ngày, anh Bảy chạy khoảng 10 chuyến xe đi các xã Tân Mỹ, Mỹ Hòa, Tân Xuân, Phước Tuy… để giao nước cho các hộ có nhu cầu, giá mỗi chuyến xe tùy thuộc vào khoảng cách, bình quân khoảng 80 ngàn đồng/m3.

Mặc dù, làm việc không có thời gian nghỉ nhưng vẫn không đáp ứng kịp các cuộc gọi của bà con đổi nước. Có ngày 22 giờ đêm, anh Bảy vẫn còn chạy xe đi giao nước.

Còn anh Trần Thanh Tuấn, xã Tân Xuân, gặp chúng tôi trên đường đi giao nước. Anh chia sẻ: “Đã một giờ chiều rồi mà anh vẫn chưa ăn trưa. Mệt nhưng không có thời gian nghỉ, vì bà con gọi giục chở nước cho họ. Từ 2 giờ sáng đến giờ chạy liên tục không nghỉ, tôi như muốn kiệt sức nhưng nghĩ đến cảnh có người cần nước thì lại chạy tiếp”.

Xã Tân Xuân hiện có trên 10 điểm giếng nước khoan cung cấp nước cho người dân ở xã Tân Xuân và một số xã lân cận.

Gia đình ông Huỳnh Thiên Kịp dùng nước giếng khoan mấy chục năm nay. Nhưng từ khi có hạn mặn, xe công nông, xe ba gác đến mua nước của gia đình ông đi đổi cho các hộ cần nước ngọt. Mỗi ngày có 4 - 5 xe thay phiên nhau đến chở nước, trung bình mỗi ngày nhà ông cung cấp khoảng 30 - 40m3 nước với giá 15 ngàn đồng/m3.

“Tôi có 4 mô tơ cho chạy liên tục từ sáng đến tối để bơm nước vào bồn chứa cho các xe tới chở đi đổi cho mọi người. Ở xã có nhiều giếng khoan cung cấp nước nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của bà con vì ở đâu nước cũng nhiễm mặn, nước sông, nước kênh đến nước máy cũng mặn chát không sử dụng được”, ông Kíp cho biết.

Ông Trần Văn Nở cho biết, nguồn nước từ giếng khoan được người dân đổi về để sử dụng tắm giặt và cho gia súc gia cầm uống vì nước không bị nhiễm mặn nhưng chưa được xử lý nên không thể dùng để uống trực tiếp. Nhưng nhờ những người đổi nước, những điểm giếng khoan mà người dân ở những nơi “khát nước ngọt” có được nguồn nước để xoay xở hằng ngày.

Thời tiết Bến Tre mấy ngày nay nắng gay gắt, oi bức, những người chạy xe đổi nước ở xã Tân Xuân vẫn miệt mài với công việc chở nước ngọt đến người cần. Họ làm vì mưu sinh và ẩn sâu trong mỗi người là sự sẻ chia với bà con nơi khó khăn, cùng đi qua mùa hạn mặn, mùa khan hiếm nước ngọt.

 “Thường ngày ở xã có vài người làm nghề đổi nước ngọt cho những hộ dân ở vùng nuôi thủy sản (chưa tiếp cận được nguồn nước máy). Từ khi hạn mặn xảy ra, do nhu cầu đổi nước ngọt của người dân tăng nên kéo theo người làm nghề này tăng, số giếng nước khoan cũng tăng. Hiện xã có khoảng 20 điểm giếng nước khoan và trên 10 người làm nghề đổi nước ngọt”.

(Chủ tịch UBND xã Tân Xuân Trần Văn Nở)

Bài, ảnh: Viết Duyên

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN