Người cao tuổi làm kinh tế giỏi

28/09/2018 - 07:13

BDK - Với sự nỗ lực không mệt mỏi, tự tìm hướng đi thích hợp, chí thú lao động, nhiều người cao tuổi (NCT) trong tỉnh đã vươn lên làm giàu chính đáng, trở thành tấm gương điển hình sản xuất, kinh doanh giỏi.

Tích cực hỗ trợ người nghèo

Ông Lê Văn Hùng

Trước đó, ông Lê Văn Hùng là cán bộ văn phòng thống kê của xã Đại Hòa Lộc (Bình Đại). Trong thời gian công tác, ông luôn tận tụy với công việc, gần gũi, hòa đồng với người dân, được lãnh đạo, đồng nghiệp tín nhiệm. Năm 2011, về hưu, tham gia phát triển kinh tế gia đình, ông nhận thấy sản xuất lúa không có thu nhập ổn định nên quyết định bán 10 công đất tích góp mua trước đó để tạo nguồn vốn chuyển đổi hình thức sản xuất.

Năm 2012, ông Hùng mở cửa hàng xăng dầu. Bằng hình thức kinh doanh mới mang lại lợi nhuận, bình quân 5 năm (2012 - 2017) đạt gần 4,4 tỷ đồng. Đồng thời, giải quyết việc làm cho 6 lao động, mức lương tối thiểu 4 triệu đồng/lao động/tháng. Đến năm 2014, ông Hùng được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội NCT xã. Với vai trò của mình, ông Hùng cùng tập thể đẩy mạnh hoạt động và chương trình của hội, tạo sự đoàn kết, tương trợ trong cán bộ, hội viên, đưa hoạt động hội phát triển vững mạnh.

Có kinh nghiệm nhiều năm ở văn phòng thống kê, ông Hùng dành thời gian truyền thụ kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm trong công việc cũng như hoạt động kinh doanh bằng khối óc và đôi tay của mình. Hàng năm, ông đều giúp đỡ 5 hộ xóa nghèo tại địa phương, hỗ trợ cho 40 hộ nuôi tôm sử dụng dầu máy nổ phục vụ nuôi từ lúc thả giống đến lúc thu hoạch mới thanh toán, bình quân mỗi hộ 40 triệu đồng; đối với các hộ dịch vụ vận tải bằng xe máy cày, mỗi tháng thanh toán một lần nhằm tạo thuận lợi cho hộ gia đình có điều kiện tập trung đầu tư sản xuất tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Hỗ trợ mua tập, viết, trao học bổng cho các cháu học sinh nhân ngày khai giảng và tổng kết năm học. Năm 2017, ông ủng hộ 25 triệu đồng để duy tu một số trục lộ nông thôn, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân đi lại dễ dàng.

Với sự chia sẻ này, ông Lê Văn Hùng được bà con tin yêu và mến phục. Ngoài ra, ông Hùng đã góp cho Quỹ toàn dân chăm sóc NCT 10 triệu đồng, cùng Ban Chấp hành vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài xã đóng góp Quỹ chăm sóc NCT.

“Phi thương bất phú”

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai

Với quyết tâm làm giàu bằng chính những kinh nghiệm và nguồn lực của gia đình, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai - hội viên Hội NCT xã Sơn Định (Chợ Lách) đã phất lên nhờ việc thu mua, xuất khẩu trái cây.

Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo của địa phương, với duyên buôn bán, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai lần lượt trải qua nhiều mặt hàng kinh doanh. Từ lúc nhỏ, bà đã mua mía về chặt khúc đi bán kiếm tiền, lớn lên đi mua ve chai rồi mở tiệm tạp hóa, sau phát triển bán gạo, xăng dầu. Qua nhiều hình thức mua bán, bà tích góp cho mình không ít kinh nghiệm trên thương trường. 

Năm 1991, thời điểm nhãn sấy khô đang chiếm lĩnh thị trường nước ngoài, bà nhạy bén trong kinh doanh và mạnh dạn đầu tư xây dựng cơ sở thu mua, sấy khô nhãn để xuất khẩu. Tìm đúng hướng đi, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai tiếp tục hợp tác một số hộ lân cận để thu mua trái cây các loại: chôm chôm, sầu riêng, thanh long… Trong quá trình hoạt động, bà luôn tìm kiếm địa bàn mở rộng cơ sở thu mua đáp ứng kịp thời nhu cầu không chỉ thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước: Trung Quốc, Mỹ.

Từ một cơ sở nhỏ lẻ ban đầu, bà mở rộng nhiều nơi: Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Nai, Đăk Lăk… Các cơ sở của bà luôn tuân thủ những quy định về môi trường sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm trong khâu bảo quản trái cây xuất khẩu. Hiện nay, trung bình mỗi cơ sở, bà Mai xuất khẩu 20 - 30 tấn trái cây các loại/ngày. Doanh thu từ 7 cơ sở, gia đình bà đã đạt hàng trăm tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 500 lao động, thu nhập bình quân từ 5 - 10 triệu đồng/lao động/năm. Có được lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, gia đình bà Mai tích cực đóng góp tiền và hiện vật cho các hoạt động từ thiện xã hội, quyên góp cho người nghèo, trao học bổng cho học sinh với số tiền gần 1 tỷ đồng/năm.

Năm 2003, bà Mai được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tặng bằng khen trong phong trào “Phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi”. Dù ở tuổi trên 60, bà Mai vẫn hoạt bát trong kinh doanh, là “quân sư” tài ba cho các thành viên trong gia đình. Bà Mai thường hay nhắc nhở con cháu: “Muốn tiền đẻ ra tiền, ngoài óc nhạy bén cần giữ chữ tín với bạn kinh doanh và trái tim biết cảm thông với người lao động, người có hoàn cảnh kém may mắn trong xã hội”.

Đi lên từ bàn tay trắng

Ông Phan Văn Võ

Ông Phan Văn Võ, sinh năm 1945, ở ấp Thới Lợi 1, xã Thới Thuận (Bình Đại) là một trong những hội viên tiêu biểu, tuổi cao gương sáng, tích cực tham gia lao động phát triển kinh tế từ 2 bàn tay trắng.

Từ năm 1962 đến 1975, ông Phan Văn Võ công tác ở Sư đoàn 9, Quân đoàn 4, Bộ Quốc phòng. Năm 1978, ông xuất ngũ về địa phương lập gia đình, tuy nhiên cuộc sống gặp nhiều khó khăn do không có điều kiện sản xuất. Với quyết tâm cùng với gia đình vươn lên, ông làm qua nhiều nghề và dành dụm mua đất sản xuất. Ông cật lực lao động, dầm mưa, đội nắng mới có sự nghiệp ổn định. Năm 1993, ông phát triển được 14ha đất, trong đó có 10ha nuôi tôm quảng canh, nuôi sò, nuôi hào, trồng xoài và 4ha làm muối.

Với phương thức chăn nuôi và trồng trọt, gia đình ông thu về trên 10 tỷ đồng, lợi nhuận bình quân trong 5 năm liền gần đây đạt trên 6,2 tỷ đồng. Ông còn góp phần giải quyết việc làm cho 5 lao động, mức lương tối thiểu là 4,5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài các hoạt động phát triển kinh tế, ông Phan Văn Võ còn tạo điều kiện cho các gia đình trong khu dân cư cùng phát triển sản xuất, giảm nghèo; tạo điều kiện cho 5 lao động phụ giúp quản lý khu nuôi làm muối ăn chia có thêm thu nhập. Đến nay, có 5 hộ đã thoát nghèo và xây dựng nhà cửa khang trang.

 Ngoài ra, hàng năm, ông Võ còn hỗ trợ trên 310 triệu đồng cùng nhiều tấn gạo cho người dân trong xã. Chủ tịch Hội NCT xã Thới Thuận Nguyễn Văn Thâu nhận xét: “Ông Phan Văn Võ là hội viên tích cực, luôn phát huy tinh thần tiên phong, gương mẫu. Đây là tấm gương NCT chí thú làm ăn, phát triển kinh tế từ đôi bàn tay trắng, nhiệt tình hướng dẫn các hội viên khó khăn về kỹ thuật sản xuất để cùng vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng”.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích