Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự

18/08/2019 - 22:00

Bà Nguyễn Thị Màu (Giồng Trôm) có nhu cầu tư vấn: Tôi tranh chấp ranh đất với người hàng xóm đã 2 năm nay. Hiện Tòa án đang thụ lý giải quyết. Xin hỏi: Tôi muốn nhờ người anh họ làm đại diện theo ủy quyền của tôi có được không? Điều kiện để làm người đại diện theo ủy quyền ra sao, sẽ kết thúc khi nào?

Thắc mắc của ông được luật sư Võ Tấn Thành (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

Theo quy định tại Điều 85 của Bộ luật Tố tụng dân sự, người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Việc tranh chấp ranh đất giữa bà với người hàng xóm đã được Tòa án thụ lý giải quyết. Nếu vì lý do nào đó, bà không thể tham gia tố tụng tại Tòa án được thì bà có thể ủy quyền cho người anh họ (hoặc người nào khác) đại diện tham gia tố tụng để giải việc tranh chấp trên.

Người đại theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản mà bà đã ủy quyền.

Văn bản ủy quyền có thể thực hiện dưới hình thức hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền.

Theo quy định tại Điều 562 Bộ luật Dân sự: “Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật quy định”.

Về thời hạn ủy quyền, tại Điều 563 Bộ luật Dân sự quy định: “Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định, nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 1 năm kể từ ngày xác lập việc ủy quyền”.

Mặt khác, tại Điều 87 của Bộ luật Tố tụng dân sự, quy định những trường hợp sau đây không được làm đại diện theo ủy quyền:

a/ Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện;

b/ Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người đại diện trong cùng một vụ việc.

c/ Cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN