Người dân chấp hành tốt chủ trương của Chính phủ trong ngày Tết Thanh minh

04/04/2020 - 20:07

BDK.VN - Hưởng ứng, chấp hành Chỉ thị số 16, ngày 31-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện cách ly toàn xã hội 15 ngày kể từ 0 giờ, ngày 1-4-2020 trên phạm vi toàn quốc để phòng chống dịch Covid-19, năm nay, ngày Tết Thanh minh đã được nhiều người dân chọn cách tưởng niệm người mất tại nhà, số ít khi đến viếng mộ cũng đã thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, giãn cách và thực hiện nhanh gọn việc cúng viếng.

Chị Phan Thị Thu Thủy lau dọn phần mộ mẹ chồng trong ngày Tết Thanh minh.

Chị Phan Thị Thu Thủy lau dọn phần mộ mẹ chồng trong ngày Tết Thanh minh.

Chọn thời gian và cách tưởng niệm phù hợp

Khu Nghĩa địa Triều Châu (khu nghĩa địa người Hoa, ở ấp Phú Hữu, xã Phú Hưng, TP. Bến Tre) vào mọi năm thường có rất đông người đến viếng mộ vào ngày Tết Thanh minh, vì nơi đây hiện có hơn 600 ngôi mộ được quản lý. Ông Ngụy Tài (80 tuổi) là thành viên Ban quản lý khu Nghĩa địa Triều Châu cho biết, thực hiện nghiêm tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng, người dân đã chọn thời gian và cách tưởng niệm phù hợp. Hầu hết đã chọn cách cúng tại nhà (để hạn chế đi ra đường), chỉ có số ít vào đây và đều có đeo khẩu trang. Số khác thì đến viếng trước một vài ngày để tránh tập trung đông người vào ngày lễ chính. Khu vực mộ nơi đây được quản lý, có người trông coi, làm cỏ, thắp hương.

Nói về ý nghĩa ngày thanh minh, ông Tài chia sẻ, đây là một trong 24 tiết của năm theo quy luật thời gian của vòng xoay vũ trụ, do các nhà thiên văn học tính toán, công bố trên lịch chính thống của quốc gia. Tiết này thường vào khoảng tháng hai hoặc tháng ba âm lịch hàng năm. Năm nay, ngày lễ chính của Tết Thanh minh là ngày 12-3 âm lịch (tây lịch là ngày 4-4-2020). Vào ngày lễ này, các gia đình sẽ đi viếng mộ tổ tiên, ông bà và những người thân đã khuất, quét dọn và sửa sang lại các phần mộ. Đây cũng là dịp để con cháu hướng lòng về ông bà, những người quá cố trong gia đình, dòng họ, bày tỏ lòng thành kính, yêu thương về những người thân đã khuất.

Việc viếng mộ và cúng lễ cũng không có quy tắc chung nào, tùy theo mỗi gia đình, cốt lõi nhất là đến viếng thăm mộ (hoặc thắp hương tưởng nhớ tại nhà), bày tỏ lòng thành kính, trang nghiêm với người đã khuất. Là thời gian con cháu nhớ về nguồn cội gia đình mình.

Những câu chuyện cảm động

Trong nhiều cung bậc tình cảm của con người, có lẽ, tình cảm gia đình được xem là có ý nghĩa đặc biệt, có sự gắn kết thiêng liêng trong đời người. Do đó, việc người đang sống tưởng nhớ người đã mất, không chỉ là thể hiện cách sống có trách nhiệm theo theo đạo lý tốt đẹp của người Việt Nam, mà còn là thể hiện tình cảm giữa những người thân trong gia đình.

Đã hơn 20 năm trôi qua kể từ ngày vợ mất, ông Phan Văn Bình (ngụ ở Mỹ Thạnh An, TP. Bến Tre) vẫn luôn đều đặn đến viếng thăm phần mộ của vợ mình tại khu nghĩa địa thành phố vào tiết thanh minh mỗi năm, cùng một số dịp khác trong năm. “Năm nào cũng vậy, tôi xem đây như một cuộc gặp gỡ thăm hỏi bà, để bà vui mà bản thân tôi cũng vui. Sống với nhau mấy chục năm tình nghĩa vợ chồng, có với nhau mấy mặt con, tôi làm sao không thương bà ấy cho được”- ông vừa mỉm cười nói, tay vừa tiếp tục công việc lau mộ bà. Ông kể, dù bà đã mất mấy chục năm rồi nhưng ông vẫn nhớ như in gương mặt bà. Có lẽ, những đóa hoa tươi mà ông cẩn thận đem chưng trước mộ cũng chính là lời nói hộ tình cảm của ông đã dành cho bà, đong đầy, ấm áp.

Đến viếng phần mộ của ba mẹ chồng vào Tết Thanh minh, chị Phan Thị Thu Thủy (ngụ Phường 3, TP. Bến Tre) cho biết, chị đã duy trì việc cúng viếng này xuyên suốt từ khi ông bà mất (đã hơn 15 năm). Hai phần mộ ông bà nằm cạnh nhau được lau chùi sạch sẽ, tươm tất, các đồ lễ cúng cũng đã được chị chuẩn bị chu đáo. Mỗi năm chị còn thực hiện hẳn hai mâm cơm để đem ra mộ cúng ông bà, nhưng năm nay, được chính quyền địa phương khuyến cáo không tụ tập đông người do dịch bệnh nên chị tranh thủ đến viếng, quét dọn mộ rồi ra về, phần cúng cơm sẽ được thực hiện tại nhà.

“Lúc còn sống, ba mẹ chồng rất thương tôi, ông bà có nghề làm tàu hủ và đã tận tâm truyền nghề cho vợ chồng tôi. Cũng nhờ cái nghề này mà vợ chồng tôi đã có cuộc sống ổn định và lo cho các con trưởng thành. Mặc khác, tôi đã học được cách đối nhân xử thế của cha mẹ chồng, luôn thương yêu, giáo dục con cháu, biết quan tâm chia sẻ mọi người, nhất là phải sống đàng hoàng, không làm gì vi phạm pháp luật”- chị Thủy bộc bạch. Giờ ông bà đã mất, nhưng chị vẫn luôn nhớ về ông bà, kính trọng, yêu quý ông bà. Chị nói: “Mình sống có lễ độ với ông bà, cha mẹ thì mới làm gương cho con cháu thấy, mới có thể giáo dục được con cháu. Sống phải có tình có nghĩa, có trước có sau, có ông bà, cha mẹ mới có đến con đến cháu. Việc con cháu luôn nhớ và  thương yêu ông bà, cha mẹ cũng chính là bổn phận”.

Thăm viếng mộ vào tiết thanh minh là nét đẹp thể hiện sự quan tâm của người hiện tại với người đã khuất. Do điều kiện, hoàn cảnh, nhiều người chưa thể về viếng mộ trong tiết thanh minh nhưng trong tự tấm lòng tưởng nhớ về người thân cũng đã là một điều tốt đẹp.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN