Nhân rộng điểm sáng khởi nghiệp các địa phương

25/06/2018 - 07:03

BDK - Thời gian qua, Chương trình số 10 của Tỉnh ủy về Đồng khởi khởi nghiệp (KN) và phát triển doanh nghiệp (DN) tỉnh đã được triển khai sâu rộng đến cơ sở và người dân. Đến nay, chương trình đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, trong đó nổi bật một số mô hình tại các huyện.

Mô hình khởi nghiệp làm mỹ phẩm từ dừa của Nguyễn Thị Ngọc Hiệp (Giồng Trôm).

Mô hình khởi nghiệp làm mỹ phẩm từ dừa của Nguyễn Thị Ngọc Hiệp (Giồng Trôm).

Trong chuyến làm việc tại các huyện ủy, đảng ủy xã, thị trấn, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn KN và phát triển DN Phan Văn Mãi đã chỉ đạo các địa phương cần nhân rộng cách làm hay, tạo tính lan tỏa trên toàn huyện nói riêng và toàn tỉnh nói chung.

Mỏ Cày Bắc với giáo dục khởi nghiệp trong nhà trường

Là địa phương năng động trong thực hiện Chương trình số 10, Mỏ Cày Bắc có nhiều mô hình hỗ trợ KN, phát triển DN được Hội đồng Tư vấn KN và phát triển DN đánh giá rất cao như mô hình “Chuyến xe KN”, “Cà phê DN”, “Đưa giáo dục KN vào trường học”… Trong đó, đưa giáo dục KN vào trường học được xem là điểm sáng của tỉnh để các địa phương khác nhân rộng.

Tại cuộc thi KN do huyện tổ chức vừa kết thúc cuối tháng 5-2018, kết quả cuộc thi nhận được trên 72 ý tưởng, dự án tham gia, trong đó có đến 70% là của học sinh. “Chúng tôi rất bất ngờ vì có đến hơn 10/20 ý tưởng, dự án của học sinh xuất sắc lọt vào vòng chung kết, trong đó có cả học sinh khối trung học cơ sở. Kết quả có 5 ý tưởng, dự án của học sinh đoạt giải”, ông Châu Văn Bình - Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Theo ông Bình, qua cuộc thi cho thấy, huyện Mỏ Cày Bắc đã rất quan tâm và nỗ lực thực hiện có hiệu quả việc tuyên truyền KN, khơi dậy tinh thần đam mê KN, nghiên cứu KN sáng tạo cho học sinh. Để thực hiện đạt kết quả này, Phó bí thư Huyện ủy Mỏ Cày Bắc Phạm Thanh Truyền cho biết, học sinh là đối tượng rất quan trọng trong thực hiện Chương trình số 10. Đến nay, toàn huyện đã tổ chức truyền thông KN cho 1.550 em học sinh. Hoạt động truyền thông tập trung tại 2 trường THPT Ngô Văn Cấn, Lê Anh Xuân và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện. 

Giồng Trôm Dẫn đầu xuất khẩu lao động

Hiện nay, các mô hình giảm nghèo chưa mang lại hiệu quả rõ nét vì chịu ảnh hưởng của giá cả thị trường, trong khi năng lực tiếp cận thị trường và năng lực của người nghèo, cận nghèo trên địa bàn còn hạn chế. Trước tình hình này, huyện xác định đưa người lao động có điều kiện để làm việc tại nước ngoài, nhất là tại thị trường Nhật Bản là một trong những giải pháp thoát nghèo căn cơ, hiệu quả nhất. Đồng thời, xuất khẩu lao động (XKLĐ) tạo sẽ mở ra cơ hội mới cho người lao động KN làm giàu và KN sáng tạo sau khi trở về quê hương.

Từ khi triển khai Chương trình số 10 đến nay, huyện đã tập trung tư vấn XKLĐ. Kết quả có 309 người tham gia XKLĐ, trong đó có 14 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo. Huyện tạo điều kiện cho 47 trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để XKLĐ, với tổng vốn vay là 4,7 tỷ đồng. Thạnh Phú Đông hiện là xã dẫn đầu huyện về số người tham gia XKLĐ. Chỉ tính riêng năm 2017, xã có 17 lao động đi xuất khẩu tại thị trường Nhật Bản.

Nhận thấy việc đào tạo tiếng Nhật có vai trò quan trọng, giúp người lao động thành thạo trong môi trường làm việc tại Nhật, huyện đã mở 4 lớp dạy tiếng Nhật tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên.

Thời gian qua, UBND huyện đã trực tiếp đến làm việc với khoảng 5 DN để xúc tiến, kết nối XKLĐ cho người lao động của huyện. Ông Nguyễn Văn Bé Sáu - Chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện đã triển khai tuyên truyền về KN tới tổ nhân dân tự quản, trong đó tập trung vận động người lao động có đủ điều kiện tham gia XKLĐ.

Tại buổi làm việc với Huyện ủy Giồng Trôm, ông Phan Văn Mãi - Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng Tư vấn KN và phát triển DN chỉ đạo: “Huyện cần tổ chức hội thảo về giải pháp đẩy mạnh XKLĐ, trong đó, chọn Thạnh Phú Đông là một điểm sáng để chia sẻ cách làm hay và nhân rộng. Đặc biệt, cách làm của Xã Đoàn Thạnh Phú Đông là rất tốt”.

Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Xem XKLĐ là đầu ra của học sinh, bộ đội xuất ngũ, thanh niên và là đầu vào của KN làm giàu và KN sáng tạo. Đồng thời, cần tính toán việc định hướng, thúc đẩy KN của người lao động sau khi về nước”.

Bình Đại Phát triển DN đạt số lượng cao

Nhận định chung về kết quả đạt được cao nhất của huyện trong thực hiện Chương trình số 10 là khả năng phát triển DN.

Hàng năm, huyện tổ chức họp mặt DN để trao đổi biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của DN, kịp thời nắm bắt, giải quyết những kiến nghị của DN, hộ kinh doanh trên địa bàn. Công tác vận động hộ cá thể được tập trung thông qua các hoạt đông tổ chức gặp gỡ, vận động trực tiếp. Hầu hết hộ đồng tình với chủ trương của tỉnh. Từ khi triển khai Chương trình số 10 đến nay, huyện có 95 DN thành lập mới (nâng tổng số lên 472 DN), vốn đăng ký tăng 358 tỷ đồng. Huyện tích cực hướng dẫn các DN chuyển lên từ hộ cá thể hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục tiếp cận chính sách khuyến khích DN KN theo quy định. Bên cạnh đó, huyện có hơn 1.000 hộ cá thể phát triển mới, nâng tổng số hiện nay lên 3.535 hộ, với vốn kinh doanh trên 650 tỷ đồng.

Ông Võ Văn Thanh - Phó cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho rằng, nổi bật của huyện là số lượng DN phát triển rất nhanh. Sau 2 năm, toàn huyện có 24 hộ cá thể chuyển lên DN trong tổng số 60 hộ đủ điều kiện chuyển lên DN được vận động. Theo ông Thanh, đây là kết quả đạt được khá cao so với toàn tỉnh là 188 DN được chuyển lên từ hộ cá thể. Điều này chứng tỏ huyện chọn đúng đối tượng và cách vận động có hiệu quả. Từ đó, thu ngân sách tăng hàng năm, với mức thu khá. Hộ cá thể thành lập mới khá.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó chủ tịch UBND huyện Bình Đại cho biết kinh nghiệm thực hiện trong thời gian qua: “Thực tế vừa qua, nếu lãnh đạo ở nơi nào có sự quan tâm thì nơi đó sẽ thực hiện tốt. Hơn thế, cán bộ nơi nào có năng lực và trách nhiệm tốt thì sẽ tiếp thu, nhận thức và triển khai tốt”.

Bài, ảnh: Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN