Nhớ bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh

07/02/2020 - 07:17

BDK - Không chỉ trong giới thơ ca mà rất nhiều người, nhiều thế hệ người Việt Nam biết đến bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bài thơ ấy không chỉ được đưa và trong sách giáo khoa, trong các tài liệu thơ văn của Bác Hồ kính yêu mà còn đưa vào trong các kỳ tổ chức Ngày thơ Việt Nam trên toàn quốc. Kỷ niệm Ngày thơ Việt Nam (Rằm tháng Giêng hàng năm), bài thơ ấy lại được nhiều người nhắc nhớ với lòng kính trọng vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc Việt Nam.

Diễn viên Tuấn Kiệt đã có nhiều lần diễn ngâm bài thơ Nguyên tiêu nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Diễn viên Tuấn Kiệt đã có nhiều lần diễn ngâm bài thơ Nguyên tiêu nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Vẹn nguyên giá trị

Bài thơ được Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng tác vào dịp Rằm tháng Giêng năm Mậu Tý (1948). Nội dung miêu tả cảnh đêm trăng và buổi họp bàn việc quân của Bác với các cán bộ cách mạng được thực hiện bí mật trên sông nước ở chiến khu Việt Bắc. Cảnh trong bài thơ Nguyên tiêu là một bức tranh hữu tình tuyệt đẹp. Đó là một bức tranh xuân hài hòa và trải rộng mênh mông, đầy sức sống. Nguyên bản bài thơ được viết theo thể thơ cổ thất ngôn tứ tuyệt đường luật. Nhưng sau đó, các nhà dịch giả, dịch thơ đã chuyển sang thể thơ lục bát. Tuy hình thức thơ có thay đổi nhưng về ý nghĩa và nghệ thuật thì vẫn giữ được nguyên vẹn.

Bản gốc: “Kim dạ nguyên tiêu nguyệt chính viên/ Xuân giang, xuân thủy tiếp xuân thiên/ Yên ba thâm xứ đàm quân sự/ Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền”. Dịch thơ: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi/ Sông xuân, nước lẫn màu trời thêm xuân/ Giữa dòng bàn bạc việc quân/ Khuya về bát ngát, trăng ngân đầy thuyền”.

Theo các nhà phê bình văn học, bài thơ không chỉ nói lên vẻ đẹp của thiên nhiên đất nước trong cảnh đêm rằm xuân đầu tiên trong năm mà qua đó, đã nói lên tình cảm yêu thương, trân trọng thiên nhiên của tác giả - Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời, cũng thể hiện được nỗi lòng yêu nước sâu sắc, cùng những việc quân quan trọng mà Người đang lo toan, gánh vác.

Đã qua 72 năm kể từ khi ra đời, bài thơ vẫn vẹn nguyên giá trị, được lưu truyền, tôn vinh qua nhiều sự kiện và được nhiều thế hệ thi sĩ, thế hệ người Việt Nam đón nhận, thuộc, diễn đọc trong các dịp sinh hoạt thơ văn.

Cảm giác thơ ca

Từ bài thơ Nguyên tiêu của Bác, nhiều thi sĩ Bến Tre cũng đã cảm tác cho ra đời nhiều tác phẩm thơ ca ngợi về bài thơ ấy. Không chỉ vậy, mới đây, soạn giả Vũ Thủy đã cho ra đời bài ca cổ “Nguyên tiêu nghe thơ Bác” và được giới thiệu trên Tạp chí Văn nghệ Hàm Luông số đặc biệt xuân Canh Tý 2020.

Nội dung bài ca cổ nói về cảm xúc của tác giả khi được nghe bài thơ Nguyên tiêu của Bác. Bài ca cổ có đoạn: “… Mỗi người làm một viên gạch nhỏ là đã góp tay xây dựng một công trình, để mỗi đêm về là một Nguyên tiêu, có ánh trăng soi cho lòng ta đi tới. Trên mặt trận văn hóa trong thời kỳ đổi mới, thì “nhà thơ cũng phải biết xung phong” - Lời Bác lúc nào cũng như kim chỉ nam nhắc chúng con chớ ngã nghiêng lầm lạc… Xin được làm con chữ trong thơ Bác, học tập và làm theo tấm gương Bác sáng ngời… Như thấy Bác trong trang thơ kỳ diệu ấy, để đêm nào cũng là Tết Nguyên tiêu…”.

Đối với nhà thơ Nguyễn Văn Khóa, từ bài thơ Nguyên tiêu của Bác, nhà thơ đã sáng tác bài Nguyên tiêu khởi nghiệp: “Lồng lộng trời xuân rực sắc hoa/ Nguyên tiêu một khúc khải hoàn ca/ Hồn thơ hòa quyện hồn dân tộc/ Bóng Bác lồng trong bóng quốc gia/ Đêm trước chờ nghe tin thắng trận/ Hôm nay chung sức dựng quê nhà/ Đồng hành sáng tạo và năng động/ Khởi nghiệp Bến Tre tiến thẳng đà”.

Với nhiều thi sĩ, diễn viên, việc diễn ngâm bài thơ Nguyên tiêu của Bác tuy không khó nhưng cần một “độ sâu” nhất định trong sự cảm thụ ý nghĩa của bài thơ để diễn tả trong sắc thái và âm tiết của bài thơ.

Diễn viên Tuấn Kiệt (diễn viên tự do) là người có kinh nghiệm nhiều lần diễn ngâm bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những lần tổ chức Ngày thơ. Anh chia sẻ, tuy đã thuộc lòng bài thơ ấy và có kinh nghiệm qua nhiều lần diễn ngâm nhưng mỗi lần nhận nhiệm vụ diễn ngâm lại để giới thiệu đến đông đảo người nghe, anh đều dành thời gian ôn luyện lại cho nhuần nhuyễn. Bản thân anh rất thích bài thơ này vì sự nhẹ nhàng, tinh tế và mang nhiều ý nghĩa sâu sắc.

Bài thơ Nguyên tiêu của Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục được lưu truyền và tôn vinh qua nhiều thế hệ nữa. Quan trọng hơn, chính tinh thần yêu nước sâu sắc, tình yêu thiên nhiên bao la, rộng mở được chuyển tải trong từng lời thơ mộc mạc của Bác đã lay động hàng triệu trái tim yêu thơ, yêu nước và hình thành nên sức sống vững bền mãi mãi.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN