Nhớ về Nữ tướng anh hùng

24/02/2020 - 07:28

BDK - “Cô Ba Định” là tiếng gọi thân thương, trìu mến của người dân xứ Dừa mỗi khi nhắc đến Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Vị nữ tướng đã từng được Bác Hồ khen ngợi: “Phó tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định. Cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”. Hướng đến kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân - Nữ tướng Nguyễn Thị Định (15-3-1920 - 15-3-2020), bao ký ức đẹp đẽ về Nữ tướng chợt hồi sinh qua lời kể của các bậc cách mạng lão thành, người thân.

Khu lưu niệm Đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Khu lưu niệm Đền thờ Nữ tướng Nguyễn Thị Định.

Đời thường của vị tướng

Tìm về xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm - quê hương Nữ tướng Nguyễn Thị Định, chúng tôi được gặp gỡ bà Nguyễn Thị Ánh - cháu gái của cô Ba Định. Bà Ánh năm nay 84 tuổi nhưng còn khá minh mẫn. Bà cùng vợ chồng người con trai hiện đang sinh sống tại căn nhà cũ của cô Ba từng ở trước kia, thuộc Ấp 4, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm. Gia đình vẫn đang thờ cúng và tổ chức lễ giỗ cô Ba tại đây.

Bà Ánh nhớ lại: Mẹ của bà mất sớm. Bà được cô Ba cưu mang nuôi dưỡng với những người thân trong gia đình. Đến khi bà Ánh khoảng 7, 8 tuổi thì cô Ba đã xa gia đình để hoạt động cách mạng ở các nơi. Trong những năm tháng ngắn ngủi tuổi thơ được ở bên cạnh cô Ba, bà nhớ về một kỷ niệm, cùng ngồi tháo chỉ rối của các mớ vải để giúp cô Ba may đồ tại nhà. Khi ấy, cô Ba vừa làm, vừa kể chuyện cho bà nghe.

Bản thân bà Ánh cũng là người tham gia cách mạng từ khá sớm - năm 13 tuổi. Bà Ánh được phân công làm giao liên đi các huyện Châu Thành, Giồng Trôm… Tuy thời gian về sau bà không còn được gần gũi với cô Ba như thuở nhỏ, nhưng thỉnh thoảng, bà vẫn được gặp trong những lần cô Ba về thăm nhà. Đồng thời, bà Ánh cũng là người đã từng chèo xuồng đưa rước cô Ba đến các điểm hoạt động cách mạng trong tỉnh.

“Cô Ba Định là một người rất hoạt bát, vui vẻ. Cô thường kể những mẩu chuyện vui đây đó cho con cháu nghe mỗi khi có dịp gặp nhau. Nên khi cô Ba về là không khí trong nhà rộn ràng, vui lắm. Lần cuối cùng tôi gặp cô Ba là trước khi cô mất không lâu (tháng 8-1992), tại Vũng Tàu, vì cô đang có chuyến công tác tại đây. Dù đang bệnh trong người nhưng cô vẫn giữ tinh thần lạc quan và thăm hỏi mọi người trong nhà”, bà Ánh kể.

Với bà Ánh và những người thân trong gia đình, cô Ba không chỉ là tấm gương về tinh thần yêu nước, hết lòng vì cách mạng mà còn là hình ảnh người bà với những đức tính tốt đẹp, luôn quan tâm đến người khác, sống lạc quan, vui vẻ nhưng rất ý chí và kiên cường, luôn được gia đình tôn thờ, thương yêu và nhắc nhở nhau sống theo tấm gương của cô Ba.

Cán bộ gẫn gũi

Ông Trần Công Ngữ - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh đã từng có nhiều lần gặp gỡ cô Ba Định sau ngày giải phóng, giai đoạn cô làm việc tại Hà Nội (khi ấy cô là Chủ tịch Hội Phụ nữ Việt Nam), còn ông cùng một số người đến Hà Nội để học các lớp đào tạo cán bộ (1979 - 1981). Trong tâm thức của ông Công Ngữ, cô Ba Định là một người sống gần gũi với mọi người, rất quan tâm đến những người con xứ Dừa. Dù bận rất nhiều việc, nhưng cô Ba vẫn dành thời gian để gặp gỡ, trò chuyện thân tình với cán bộ Bến Tre đang học các lớp đào tạo tại Hà Nội. Bản thân ông khi đã tổ chức một số sự kiện văn hóa tại Hà Nội, được cô Ba ủng hộ.

Trưng bày hình ảnh chuyên đề về Nữ tướng Nguyễn Thị Định tại Khu lưu niệm.

Trưng bày hình ảnh chuyên đề về Nữ tướng Nguyễn Thị Định tại Khu lưu niệm.

Ông Công Ngữ bày tỏ: Cô Ba rất ít khi nào nhắc đến chuyện riêng tư của đời mình, dù rằng đời tư của cô nhiều mất mát. Cô dành hết đời mình cho cách mạng và sống rất giản dị. Hễ không về thì thôi, nếu về Bến Tre lần nào, cô cũng đều đi thăm những gia đình từng nuôi giấu cô trong quá trình hoạt động cách mạng, thăm các cô, chú cán bộ lão thành cách mạng. Ông đã từng được trực tiếp nghe cô Ba kể những mẩu chuyện hay trong kháng chiến, trong đó, có mẩu chuyện về “Nồi cám heo”.

Đó là vào năm 1958, cô Ba Định lưu trú trong một ngôi nhà dân (xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành) để hoạt động cách mạng. Buổi sáng, người lớn trong gia đình đi làm, còn lại 2 chị em nhỏ ở nhà với cô Ba. Khi lính đến nhà truy tìm cô Ba, cô Ba đã vội xuống hầm bí mật trong nhà để lẩn tránh. Do nước đọng nên khi cô xuống hầm thì nước tràn lên miệng hầm. Ngay lúc đó, bé gái 13 tuổi trong gia đình ấy đã nhanh trí đập bể nồi cám heo vào vị trí nước tràn để lấp dấu hầm bí mật. Sau đó “dàn cảnh” đánh em gái vì tội làm bể nồi cám heo để địch không chú ý phát hiện nắp hầm. Lính thấy vậy rút đi, không phát hiện được gì. Hiện nay, nhân vật trong câu chuyện này đã 70 tuổi, đang sinh sống tại xã Phước Thạnh, huyện Châu Thành. Khi cô Ba kể lại cho ông Công Ngữ nghe, cô rất cảm động vì sự mưu trí, dũng cảm của em nhỏ.

Tri ân vị tướng tài ba

Để tưởng nhớ tri ân người Nữ tướng tài ba của quê hương - Nữ tướng Nguyễn Thị Định, tỉnh đã xây dựng Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định tọa lạc tại ấp Phong Điền, xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, cách trung tâm TP. Bến Tre 8,5km trên tỉnh lộ 885. Đền thờ được xây dựng vào tháng 12-2000 và khánh thành đưa vào hoạt động từ tháng 12-2003, với tổng diện tích gần 15 ngàn mét vuông.

Nhớ lại thời kỳ xây dựng Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định, ông Trần Công Ngữ - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Tỉnh đã ra Trung ương để xin chủ trương. Ban đầu định làm Đền thờ Nữ tướng bằng gỗ. Nhưng sau đó, tỉnh đã thống nhất xây dựng kiên cố và có quy mô lớn hơn dự định ban đầu. Phần lớn kinh phí là vận động và được sự ủng hộ từ nhiều nguồn lực. Địa điểm xây dựng cũng là vấn đề được đem ra thảo luận rất nhiều. Sau cùng, tỉnh đã quyết định chọn địa điểm hiện nay để thuận lợi trong giao thông cho khách đến tham quan. 

Ông Nguyễn Văn Hùng - Quyền Trưởng ban Quản lý di tích tỉnh cho biết, năm qua, Ban Quản lý di tích tỉnh đã tập trung phục vụ các sự kiện quan trọng của tỉnh như: kỷ niệm 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi, Hội thảo khoa học cấp quốc gia về phong trào Đồng khởi, kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Nữ tướng Nguyễn Thị Định… Ban Quản lý di tích tỉnh cũng đã phối hợp với Phòng Văn hóa - Thông tin Thị xã Phước Long, tỉnh Bình Phước triển lãm ảnh và hiện vật chuyên đề về Nữ tướng Nguyễn Thị Định trong thời gian bà hoạt động cách mạng tại Bình Phước - nhà tù Bà Rá (triển lãm tại Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định thời gian gần 1 tháng) phục vụ khoảng 800 lượt khách tham quan.

Năm qua, trong tổng số hơn 110 ngàn lượt khách tham quan di tích toàn tỉnh thì có hơn 43 ngàn lượt khách đến Khu lưu niệm Nữ tướng Nguyễn Thị Định. Theo ông Hùng, chính từ phẩm chất đạo đức của cô Ba trong hoạt động cách mạng và cuộc sống đời thường của cô đã tạo nên niềm kính ngưỡng trong các tầng lớp nhân dân.

UBND tỉnh đã có văn bản thống nhất giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng có liên quan và Công ty TNHH Xây dựng Việt Long (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức khởi công phục dựng nơi ở và làm việc của nữ tướng Nguyễn Thị Định trong những năm làm việc ở Căn cứ Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam tại Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định. Nguồn kinh phí do Công ty TNHH Xây dựng Việt Long hỗ trợ hoàn toàn. Công trình sẽ được khởi công trong quý I-2020.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • Thanh Cách đây 22 năm

    Bài viết rất tốt !

Liên kết hữu ích