Những giai điệu từ trái tim về xứ Dừa

05/07/2019 - 07:44

BDK - Trại sáng tác tác phẩm âm nhạc tỉnh Bến Tre năm 2019 với chủ đề “Ngày mới trên quê hương xứ Dừa” là công trình hướng đến chào mừng 60 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960 - 17-1-2020) và các ngày lễ kỷ niệm trọng đại cùng các sự kiện vào năm 2020 của tỉnh, do UBND tỉnh ủy nhiệm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Hội Nhạc sĩ (NS) Việt Nam tổ chức. Sau hơn 3 tháng đầu tư (khai mạc từ tháng 3-2019), đến nay, nhiều tác phẩm âm nhạc mới đã ra đời mang hơi thở rất riêng của ba dải cù lao xứ Dừa.

Lãnh đạo tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng hoa cảm ơn các nhạc sĩ.

Lãnh đạo tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng hoa cảm ơn các nhạc sĩ.

Diện mạo quê hương

Tham dự trại sáng tác có 12 NS - trại viên là các NS nổi tiếng, có nhiều kinh nghiệm sáng tác đến từ Thủ đô Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Bến Tre. Các NS đã được tạo điều kiện trải nghiệm thực tế, tìm cảm hứng sáng tác tại các địa phương trong 10 ngày, đi qua gần 30 điểm trong tỉnh, gồm di tích văn hóa, lịch sử, doanh trại quân đội, làng nghề, điểm du lịch, vườn cây trái, sông, biển. Sau đó, trở về dành thời gian đầu tư sáng tác. 

Đến ngày 10-6-2019 đã có 18 tác phẩm của 12 NS gửi đến Ban tổ chức. Trong đó, có 3 tác phẩm viết về đề tài Đồng khởi, 2 tác phẩm viết về cụ Nguyễn Đình Chiểu (1-7), 1 tác phẩm viết về người lính biên phòng, còn lại 12 tác phẩm viết về quê hương, con người Bến Tre. Ngoài ra, còn có 7 tác phẩm hưởng ứng (NS Thanh Sử - Bến Tre gửi hưởng ứng 6 tác phẩm và NS, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha - Hà Nội gửi hưởng ứng 1 tác phẩm).

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trương Quốc Phong nhận định: “Bên cạnh nội dung bám sát chủ đề “Ngày mới trên quê hương xứ Dừa”, lấy nguồn cội, lịch sử, văn hóa, cốt cách tiền nhân để làm nền tảng, động lực phát triển, thì các tác phẩm âm nhạc của trại sáng tác lần này rất phong phú về thể loại, phong cách. Có tác phẩm với giai điệu và ca từ sâu lắng, mượt mà, nhưng cũng có tác phẩm sôi động, mạnh mẽ, hoặc lả lướt, huyền diệu… Tất cả như đã thổi luồng sinh lực mới, màu sắc mới vào bức tranh nghệ thuật, âm nhạc của tỉnh nhà nói riêng; và nói chung là bức tranh đời sống tinh thần của cư dân xứ Dừa trong hiện tại và tương lai”.

“Tỉnh Bến Tre rất vinh dự được đón nhận tình cảm của các NS có bề dày tác phẩm đã đi vào lòng người và sống mãi với thời gian, các NS với phong cách âm nhạc hiện đại… đã nhiệt tình nhận lời tham gia trại sáng tác và cho ra đời những đứa con tinh thần mang diện mạo quê hương Bến Tre rõ nét”, ông Trương Quốc Phong nói.

Tối 3-7-2019, tại Di tích quốc gia đặc biệt Mộ và khu lưu niệm Nguyễn Đình Chiểu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức buổi tổng kết báo cáo Trại sáng tác tác phẩm âm nhạc tỉnh Bến Tre năm 2019. Các diễn viên, ca sĩ đã trình diễn 12/25 tác phẩm của các tác giả (giới thiệu một bài/tác giả).

Tình cảm chân thành, sâu lắng

Có thể nói, mỗi NS có một cách cảm thụ riêng về đất và người Bến Tre nhưng tất cả đều phủ ấm trong các giai điệu bằng những tình cảm chân thành và sâu lắng. Với các NS, sự từng trải của tuổi đời, sự am tường, thấu hiểu xứ sở ba dải cù lao “vươn lên từ đất phèn gian khó, tô thắm quê hương bằng ý chí tự cường” cùng những trải nghiệm mới nhiều ý nghĩa đã “dệt” nên những ca từ, cung bậc cho những tác phẩm âm nhạc đậm nét Bến Tre.

Có thể kể đến như: Cháy mãi ngọn lửa thiêng (Quốc Nam), Hát về quê hương Đồng khởi (Phạm Minh Tuấn), Sức sống Bến Tre (Giáng Son), Tháng Giêng Bến Tre (Đỗ Hồng Quân), Cung bậc xứ Dừa (Trần Minh Luân), Thành phố quê em - Trái tim xứ Dừa (Huy An), Về với Ba Tri (Lan Phong) …

NS Phạm Minh Tuấn là một NS nổi tiếng với nhiều tác phẩm âm nhạc cách mạng đã đi vào lòng người như: Đất nước, Dấu chân phía trước, Bài ca không quên… Tuy là người Nam Định nhưng với Bến Tre, ông cũng đã có những ký ức không quên với những tình cảm trìu mến chiếm hữu một góc riêng trong trái tim NS. Ông kể: “Năm 1964, tôi đã từng về đây trong thời kỳ kháng chiến khốc liệt nhất. Và thật đáng tự hào, Bến Tre đã nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng quê hương với nhiều khởi sắc: từ giao thông đến đời sống người dân được nâng lên rõ rệt”. 

Đó cũng là lý do NS đã chọn tiêu đề bài hát là “Hát về quê hương Đồng khởi”. Trong đó, NS thể hiện hai ý lớn: thứ nhất là nhắc về truyền thống cách mạng, mà từ truyền thống đó, Bến Tre đã giành chiến thắng, giải phóng quê hương; thứ hai là thời kỳ xây dựng, nhấn mạnh sự đổi mới mạnh mẽ trên tất cả các phương diện của Bến Tre. “Khi viết, tôi dùng cả trái tim, tình cảm của mình để viết. Tôi hy vọng tác phẩm “Hát về quê hương Đồng khởi” cũng như các tác phẩm trong trại sáng tác sẽ đến được với công chúng nhiều hơn”, NS Phạm Minh Tuấn bày tỏ. 

NS Võ Đăng Tín - nguyên Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP. Hồ Chí Minh là một người con của xã An Đức, huyện Ba Tri. Trong nhiều sáng tác của ông thì bản giao hưởng thơ Ký ức Đồng khởi (sáng tác năm 1981) là một trong những tác phẩm đặc biệt nhất, nói về ký ức tuổi thơ cách mạng của ông. Tác phẩm này đã từng được biểu diễn ở các buổi hòa nhạc tại TP. Hồ Chí Minh và các nước: Lào, Nhật, Mỹ… Biểu diễn tại Bến Tre trong dịp kỷ niệm 50 năm Bến Tre Đồng khởi.

 Thay mặt các NS tham gia trại sáng tác, NS Võ Đăng Tín bày tỏ sự cảm kích, trân trọng tình cảm và sự hỗ trợ, tạo điều kiện của lãnh đạo, các ngành, các đơn vị tỉnh Bến Tre trong quá trình sáng tạo tác phẩm. “Dẫu có nhiều thể loại khác nhau nhưng các tác phẩm đều được viết bằng cả tấm lòng. Chúng tôi hy vọng thính giả sẽ tiếp nhận và lắng nghe để cùng cảm thụ về quê hương xứ Dừa chúng ta”.

Phó bí thư Tỉnh ủy Trần Ngọc Tam đã đến dự buổi tổng kết báo cáo Trại sáng tác tác phẩm âm nhạc tỉnh Bến Tre năm 2019 và tặng hoa cảm ơn đến các NS. Sau đêm diễn báo cáo nêu trên, các tác phẩm sẽ được chuyển tải đến các đơn vị hoạt động nghệ thuật trong tỉnh, phổ biến, giới thiệu rộng rãi, sử dụng biểu diễn cho các hoạt động, sự kiện các cấp.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN