Những kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ khởi nghiệp

07/04/2020 - 22:49

Theo đánh giá của Hội đồng Tư vấn khởi nghiệp (KN) và phát triển doanh nghiệp (DN) tỉnh, thời gian qua, mặc dù được quan tâm nhưng hoạt động của các ban thuộc hội đồng chưa đồng đều nên hiệu quả chưa cao. Một số đơn vị chưa chủ động, thực hiện kém hiệu quả. Tổ Xúc tiến Đầu tư và KN cấp huyện ít hỗ trợ cho cấp xã, hoạt động chưa cụ thể, ít sơ kết đánh giá, rút kinh nghiệm. Công tác hỗ trợ KN tập trung vào cơ quan thường trực. Tổ hỗ trợ đầu tư và KN cấp xã chưa nắm rõ các quy định, chính sách nên công tác tuyên truyền còn hạn chế.

Công tác truyền thông ở một số địa phương chưa thường xuyên, sâu rộng, còn đơn điệu, chủ yếu là lồng ghép của các đoàn thể. Thông tin tuyên truyền còn chung chung nên nhân dân chưa hiểu rõ chương trình, chưa hun đúc được tinh thần KN. Quỹ đầu tư KN chưa có quy chế cụ thể. Bộ máy quản lý Quỹ hạn chế trong phối hợp hỗ trợ KN; chưa kịp thời thông tin, phản hồi các vướng mắc đến các dự án, DN tiếp cận quỹ; chưa huy động để nâng cao nguồn vốn hoạt động.

Công tác vận động hộ cá thể chuyển đổi lên DN có dấu hiệu “chựng lại”; thiếu đeo bám, kịp thời hỗ trợ giải quyết khó khăn, vướng mắc sau chuyển đổi. Một số trường hợp phải giải thể, chuyển lại mô hình hộ. Một số DN dễ nản chí khi có yêu cầu nhiều hồ sơ. Một số dự án KN chưa chủ động hoàn thiện hồ sơ để thụ hưởng, còn trông chờ vào sự hỗ trợ, làm thay của các đơn vị hỗ trợ. Năng lực cạnh tranh của sản phẩm KN thấp...

Người nghèo vẫn còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự trợ giúp của nhà nước, xã hội. Một số người tham gia Đề án giảm nghèo nhưng không có kế hoạch cụ thể, không có mục đích đầu tư rõ nên chưa phát huy tốt hiệu quả của đề án.

Có 5 bài học kinh nghiệm được đưa ra:

Một là, phải có sự chỉ đạo quyết liệt, thường xuyên của cấp ủy, chính quyền, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; sự thống nhất, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, nhằm tạo sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị để kịp thời thông tin, xử lý các vấn đề phát sinh, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Hai là, tích cực huy động các nguồn lực để cùng tham gia thực hiện chương trình, nhất là huy động xã hội hóa; sự đóng góp, hiến kế của các chuyên gia, tổ chức hỗ trợ KN.

 Ba là, phải có cách làm mới, linh hoạt trong xử lý các vấn đề mới, tạo điều kiện cho các dự án KN đổi mới sáng tạo phát triển; cùng với tích cực, kiên trì, sáng tạo trong các hoạt động hỗ trợ KN, nhất là các cơ quan đầu mối trong việc đôn đốc, kiểm tra và giám sát thực hiện.

Bốn là, tạo động lực thúc đẩy hệ thống chính trị và cơ quan hành chính nhà nước “cải cách hành chính” để tạo môi trường tốt cho KN và phát triển DN.

Năm là, nhân rộng các mô hình thành công theo hướng sáng tạo để tiếp tục có mô hình mới phù hợp với thực tế từng địa phương về KN, KN thoát nghèo.

Nhiên Luận

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN