Những nỗ lực của thể thao Bến Tre

22/05/2017 - 08:10

Rước cờ thể dục thể thao qua lễ đài. Ảnh: H. Vũ

Qua 7 lần tổ chức, lần lượt do Cần Thơ, Cà Mau, Đồng Tháp, Kiên Giang, Tiền Giang, An Giang, Bến Tre làm Trưởng Ban tổ chức, Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) đồng bằng sông Cửu Long đã chứng tỏ đây là một chủ trương đúng đắn, thực sự trở thành ngày hội thể thao lớn nhất của khu vực.

Với thể thao Bến Tre, qua những kỳ tham dự đại hội mà lần gần nhất trên sân nhà lần này, các nhà quản lý, đội ngũ huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) và trọng tài đã có thêm những bài học thật bổ ích chẳng những về công tác tổ chức thi đấu mà cả đối với việc xây dựng lực lượng thể thao thành tích cao.

Tự soi rọi lại chính mình

Tại Đại hội lần thứ VII - Bến Tre 2017, Bến Tre có 22 HLV, 117 VĐV (trong đó có 37 nữ), tham gia thi đấu 10/20 môn thi đấu, gồm: Bóng đá nam, Bóng chuyền trong nhà nam, Điền kinh, Bơi lội, Cờ vua, Võ cổ truyền, Canoeing, Judo, Karatedo, Vovinam, so với Đại hội lần VI - An Giang 2015 tăng 8% (11/26 môn). Trong đó, số môn tham gia thi đấu so với kỳ đại hội trước ít hơn 1 môn nhưng số huy chương thì tính đến hết giai đoạn 1, Bến Tre tham dự 6/20 môn và đoạt được 28 huy chương (13 vàng, 8 bạc, 7 đồng), tạm xếp thứ 9 trong tổng số 18 đoàn tham dự đại hội (so với Đại hội lần VI - 2015 đạt 88 huy chương, gồm 23 vàng, 26 bạc, 39  đồng).

Rõ ràng, trong bối cảnh khó khăn chung về mức độ đầu tư, về mời gọi xã hội hóa thể thao và kể cả về sự hụt hẫng lực lượng ở một số môn thế mạnh trong nhiều năm liền theo tình cảnh “tre già” nhưng “măng chưa kịp mọc” song có thể thấy, điều đáng quý là Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Bến Tre, đơn vị chủ lực trong công tác xây dựng lực lượng thể thao thành tích cao của tỉnh, đã chủ động xây dựng kế hoạch, xác định số môn tham dự và đề xuất chọn lựa một số môn thi truyền thống đang còn thế mạnh (Canoeing, Vovinam, Cờ vua, Bơi lội, Bóng chuyền trong nhà nam), các môn có triển vọng phát triển trong tương lai (Karatedo, Võ cổ truyền) của tỉnh so với khu vực để đầu tư. Bên cạnh đó, đội ngũ HLV một số môn như Cờ vua, Võ cổ truyền, Bơi lội... đã có sự tính toán hợp lý trong sắp xếp nhân sự VĐV thi đấu từng nội dung, đem lại thành tích vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra rất đáng được biểu dương.

Đoàn rước đuốc Đại hội Thể dục Thể thao đồng bằng sông Cửu Long lần thứ VII - Bến Tre 2017. Ảnh: H. Vũ

Ngoài ra, một số môn không được tập trung thường xuyên như Karatedo, Võ cổ truyền… nhưng đã có sự kết hợp vận động kinh phí xã hội hóa bằng hình thức hỗ trợ ngân sách một phần để dự tập huấn ngắn ngày và tham gia thi đấu, tập thể các HLV,   VĐV đã tổ chức tập luyện và thi đấu với tinh thần trách nhiệm cao, vì màu cờ sắc áo quê hương, có những đóng góp xứng đáng vào thành tích chung của toàn đoàn.

Tuy nhiên, cần phải thấy rằng điều đó chưa đủ để có thể tạo nên một sự đột phá mạnh mẽ đối với thể thao Bến Tre trong tâm thế của đơn vị chủ nhà tổ chức đại hội.

Thực tế cho thấy, nhiều đội tuyển thể thao tập trung của Bến Tre hiện không thể tạo nên những kết quả khả quan ở đấu trường cấp khu vực và không có môn nào trong số 6 môn vừa thi đấu đạt giải nhất, nhì, ba từng môn như các kỳ đại hội đầu tiên.

Trong công tác đào tạo, huấn luyện nâng cao còn bộc lộ một số hạn chế về thể lực, tâm lý, ý chí thi đấu cho VĐV (Judo, Bơi lội); việc điều chỉnh lượng vận động cho VĐV còn chưa phù hợp. Đặc biệt, được xác định là một trong các môn chủ lực song đội tuyển Canoeing trong quá trình đánh giá tương quan lực lượng và khả năng VĐV Bến Tre so với các quy định cho phép của điều lệ chưa sát, còn chủ quan, chưa thể hiện hết trách nhiệm trong việc tham mưu, tìm giải pháp tốt nhất cho việc giành thành tích, nên mặc dù đoạt được 4 Huy chương vàng nhưng chưa đạt yêu cầu đề ra.

Chọn hướng đi nào cho phù hợp trong thời gian tới?

Dù còn quá sớm để có thể đưa ra bất kỳ một nhận định nào, song qua những gì thể hiện tại giai đoạn 1 của Đại hội lần VII - Bến Tre 2017, lãnh đạo ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bến Tre chắc hẳn sẽ có những chỉ đạo để các đơn vị thuộc khối thể thao sớm có kế hoạch trong việc xây dựng lực lượng VĐV, rà soát, chốt danh sách số môn tham dự, số HLV, VĐV ở từng tuyến của từng môn sẽ tham dự trong Đại hội TDTT khu vực đồng bằng sông Cửu Long lần VIII - Vĩnh Long 2020 do Vĩnh Long đăng cai (dự kiến tăng thêm 5 - 7 môn tham dự, từ 16 - 18 môn thi, phấn đấu xếp trong nhóm 7 đoàn dẫn đầu toàn đại hội).

Bên cạnh đó, ngoài các đội tuyển thể thao trọng điểm như Canoeing, Vovinam, Cờ vua, Karatedo, Võ cổ truyền, Judo, Bơi lội cần được tăng cường thi đấu cọ xát để nâng cao thành tích chuyên môn, rèn luyện tâm lý, ý chí thi đấu, thể thao Bến Tre sẽ có kế hoạch đầu tư xây dựng lực lượng, nâng lên tổng cộng có từ 14 - 16 môn ngay từ năm 2018, đó là Kickboxing, Boxing, Muay, Pencat Silat, Cử tạ, Bi sắt, Bóng đá U19, Billiards, Bóng chuyền nam U23...

Biểu diễn nghệ thuật tại lễ khai mạc đại hội. Ảnh: H. Vũ

Ngoài ra, để cộng hưởng sức mạnh, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bến Tre cần đề ra lộ trình phối hợp với các liên đoàn thể thao của Bến Tre, tổ chức rà soát, kiểm tra, đánh giá lại một cách nghiêm túc về tính hiệu quả, qua đó sẽ kịp thời chấn chỉnh công tác đào tạo VĐV trẻ ở Trường Năng khiếu TDTT nhằm tạo nguồn lực lượng VĐV kế cận thật sự có chất lượng, bổ sung cho các đội tuyển thể thao của tỉnh nhà làm nhiệm vụ ở Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 và Đại hội TDTT ĐBSCL lần VIII - Vĩnh Long 2020, nhằm chuẩn bị lực lượng tốt nhất tiến tới việc tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ IX năm 2022.

Và sau cùng, việc cần thiết trong lúc này còn là tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa nhằm thu hút thêm các nguồn lực tài trợ trong xã hội góp sức cho kế hoạch chuẩn bị lực lượng tham dự Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VIII năm 2018 và các năm tiếp sau.

Thanh Tùng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN