Nỗ lực gỡ “thẻ vàng” trong khai thác thủy sản

15/08/2018 - 07:49

BDK - Thực hiện Chỉ thị số 45, ngày 13-12-2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu (EC) về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Bến Tre đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng ngư dân, đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và tăng cường giám sát. Đến nay, các hành vi vi phạm được xử lý triệt để.

Công ty cổ phần Thủy sản Hải Hương chế biến thủy sản xuất khẩu.

Công ty cổ phần Thủy sản Hải Hương chế biến thủy sản xuất khẩu.

Thực hiện đồng bộ giải pháp

Theo đánh giá từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, sau hơn 8 tháng, Việt Nam đã cơ bản nội luật hóa các quy định của quốc tế, khu vực về chống khai thác IUU. Nhận thức về chống khai thác IUU đã được nâng lên. Tình hình tàu cá vi phạm vùng biển của các nước khu vực biển Thái Bình Dương hầu như chấm dứt. Công tác hợp tác quốc tế, tham gia các hiệp định, công ước quốc tế về thủy sản có nhiều nỗ lực tích cực. Trong đợt kiểm tra tháng 5-2018, Đoàn Thanh tra EC đã đánh giá cao quyết tâm và nỗ lực của Việt Nam trong các hành động chống khai thác IUU…

Trước đó, ngay sau khi nhận thông tin về EC quyết định cảnh báo “thẻ vàng” đối với thủy sản xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường châu Âu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, Công an tỉnh, UBND xã An Thủy tổ chức tuyên truyền tập trung cho ngư dân. Từ đầu năm đến nay, đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tập huấn ở các địa bàn trọng điểm nghề cá trong tỉnh để phổ biến nội dung Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ, các thông tin liên quan đến cảnh báo của EC về chống khai thác IUU.

Theo ông Nguyễn Văn Buội - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sở đã rà soát các quy định về quản lý tàu cá, tăng cường quản lý các cơ sở đóng tàu, kiểm soát hoạt động đóng mới, cải hoán tàu cá trên địa bàn tỉnh, ban hành quy định áp dụng hồ sơ kỹ thuật trong cải hoán tàu cá và lý lịch máy chỉnh trong đăng ký, đăng kiểm tàu cá trên địa bàn tỉnh. Sở đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai công tác hỗ trợ các tổ hợp tác (THT) khai thác thủy sản xa bờ trong tỉnh trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa (VX-1700) đồng bộ với trạm bờ.

Theo kế hoạch, trong năm 2018, tỉnh sẽ tiếp tục trang bị cho 40 THT khai thác thủy sản xa bờ (1 bộ máy/tổ). Đến năm 2019, tiếp tục trang bị cho 30 THT. Phấn đấu đến năm 2020, hoạt động trạm bờ kiểm soát được 50% tàu cá đánh bắt xa bờ thông qua các THT được hỗ trợ trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa.

Hiện nay, Chi cục Thủy sản có 2 cơ sở dữ liệu nghề cá gồm cơ sở dữ liệu đăng ký, đăng kiểm tàu cá của tỉnh và cơ sở dữ liệu thống kê đánh giá sản lượng thủy sản khai thác của tỉnh.

Cùng nhau gỡ “thẻ vàng”

Mặc dù đạt những kết quả bước đầu, nhưng trong 6 tháng đầu năm 2018, tỉnh vẫn còn 10 tàu cá đánh bắt thủy sản vi phạm vùng biển nước ngoài. Theo Chi cục Thủy sản, hầu hết tàu vi phạm của tỉnh hiện nay chủ yếu đóng trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Do đó, sẽ gặp khó khăn cho tỉnh trong công tác tuyên truyền thường xuyên và liên tục.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Lập - Phó chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn nhìn nhận, mặc dù về văn bản được triển khai, cụ thể hóa khá kịp thời nhưng tiến độ thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp của các chương trình, kế hoạch còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu về tính cấp bách của nhiệm vụ khắc phục các cảnh báo của EC. Bên cạnh đó, văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các cảng cá không có pháp nhân để có con dấu riêng dùng trong hoạt động kiểm tra xác nhận thủy sản khai thác, trong khi hầu hết các cảng cá đều cách xa Chi cục Thủy sản nên không thể sử dụng con dấu của Chi cục Thủy sản.

Thực tế hiện nay cũng cho thấy, hầu hết tàu cá xa bờ ở tỉnh là tàu lưới kéo thuộc nhóm nghề không được hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, trong đó có hỗ trợ trang bị máy thông tin liên lạc tích hợp định vị vệ tinh phục vụ cho công tác giám sát vị trí tàu trên biển qua trạm bờ, trong khi máy thông tin liên lạc trên tàu xa bờ đang sử dụng đều là thiết bị thông thường, không tích hợp định vị, không đồng bộ với trạm bờ đã được trang bị nên rất khó khăn trong công tác quản lý, giám sát đối với loại nghề này. Ngoài ra, hiện nay, tỉnh vẫn chưa thực hiện được công tác kiểm tra, giám sát tàu cá hoạt động trên biển.

Với mục tiêu trong Chương trình phát triển thủy sản tỉnh Bến Tre đến năm 2020 sẽ kéo giảm tỷ trọng tàu lưới kéo xuống còn dưới 69%, mục tiêu đến năm 2030 kéo giảm nghề lưới kéo xuống còn dưới 50% trong tổng cơ cấu nghề khai thác của tỉnh, trong điều kiện nguồn ngân sách của tỉnh còn rất khó khăn, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ủng hộ và hỗ trợ nguồn lực để tỉnh thực hiện đề án chuyển đổi nghề.

Trước những khó khăn đó, ông Nguyễn Hữu Lập cho biết, tỉnh tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thực hiện Chỉ thị số 45 của Thủ tướng Chính phủ nhằm giảm thiểu, loại bỏ khai thác hải sản bất hợp pháp và nỗ lực cùng cả nước gỡ “thẻ vàng”.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 10-2018, Đoàn Nghị viện Châu Âu sẽ sang làm việc và kiểm tra tình hình thực hiện chống khai thác IUU tại Việt Nam. Tháng 1-2019, Đoàn Thanh tra EC sẽ quay lại kiểm tra và trên cơ sở đánh giá của đoàn, EC sẽ xem xét vấn đề khắc phục “thẻ vàng” đối với Việt Nam.

Vì vậy, Bộ đề nghị từ nay đến ngày 31-12-2018, các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền để ngư dân hiểu rõ về “thẻ vàng” và các quy định phải tuân thủ, thực hiện; triển khai các biện pháp mạnh mẽ, đồng bộ nhằm đảm bảo ngăn chặn tàu vi phạm bất hợp pháp tại vùng biển nước ngoài; kiểm soát tốt nguyên liệu thủy sản nhập khẩu…

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN