Nỗ lực thực hiện Đề án số 3333, bài 2: Công trình vừa sức, tính khả thi cao

19/08/2019 - 06:48

BDK - Việc sử dụng cơ chế đặc thù theo Đề án số 3333 của UBND tỉnh về xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) giai đoạn 2018 - 2020 (gọi tắt là Đề án số 3333) giúp một số địa phương tạo cú hích đột phá phát triển GTNT, nhưng cũng khiến nhiều xã rơi vào cảnh “tiến thoái lưỡng nan” do không đủ kinh phí làm nền hạ. Muốn thực hiện Đề án số 3333 hiệu quả, chính quyền địa phương không chỉ nhiệt tình, trách nhiệm mà còn có tầm nhìn.

Người dân ở ấp An Nghĩa, xã An Hóa phấn khởi khi có đường sá tốt. Ảnh: Thạch Thảo

Người dân ở ấp An Nghĩa, xã An Hóa phấn khởi khi có đường sá tốt. Ảnh: Thạch Thảo

Khát khao nhưng quá sức

Tiền để đổ bê-tông 2,6km mặt đường ĐX.02 ở xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc đã được tỉnh rót về xã từ những tháng đầu năm 2019, nhưng đến nay, số tiền này có khả năng bị tỉnh thu hồi để chuyển cho địa phương khác. Đường ĐX.02 ở xã Nhuận Phú Tân vẫn đang toàn cát, cả chính quyền và người dân hiện đang nóng lòng làm cho xong phần nền hạ. Đây là một trong 3 công trình (đợt 1) thuộc Đề án số 3333 được Sở Giao thông vận tải (GTVT) đánh giá có tiến triển nhưng khó hoàn thành kịp tiến độ cam kết vào ngày 2-9-2019; 2 công trình còn lại nằm trên địa bàn xã Phước Hiệp và Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam. 

Chú Lê Văn Hồng, 67 tuổi, ngụ ấp Giồng Giữa, xã Nhuận Phú Tân đang đập bỏ nửa căn nhà tường, nhường đất cho xã làm đường ĐX.02, nói: “Tôi cũng vì chuyện chung nên nhường nhà để làm đường, đổi lại tôi được xã hỗ trợ nhà tình nghĩa, do hộ chúng tôi thuộc diện gia đình chính sách…”. Đại diện UBND xã Nhuận Phú Tân cho hay, người dân xã nhà đồng tình cao với chủ trương xây dựng GTNT bằng việc áp dụng cơ chế đặc thù của Đề án số 3333. Theo đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ các vật liệu chính (lớp móng cấp phối đá dăm và cát, đá, xi-măng… để đổ bê-tông mặt đường) gồm cả chi phí vận chuyển vật liệu đến công trình. Cộng đồng dân cư hiến đất, hoa màu, vật kiến trúc, huy động nguồn lực san lấp mặt bằng, chuẩn bị nền hạ theo tiêu chuẩn quy định; thuê máy móc, thiết bị và đảm bảo các nguồn lực còn lại để triển khai thực hiện.

Bất ngờ giá heo sụt giảm, lại gặp dịch bệnh, giá dừa cũng xuống thấp, hai nông sản chủ lực của người dân xã Nhuận Phú Tân không thể giúp người dân đủ sức kham nổi kinh phí thực hiện nền hạ đường ĐX.02. “Chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn, do giá cả nông sản chủ lực của xã là heo và dừa xuống thấp, địa hình hai bên đường là mương vũng phải bơm cát nhiều, kinh phí làm nền hạ quá lớn, việc thu 5 triệu đồng/hộ đối với các hộ dân thuộc 3 ấp gồm Giồng Giữa, Giồng Nâu và Giồng Chùa rất chậm”, ông Khấu Hoàng Vĩnh - Phó chủ tịch UBND xã nói.

UBND xã Nhuận Phú Tân đã cam kết sẽ hoàn thành vào ngày 2-9-2019. Thời hạn cuối đang đến gần, nhưng tình hình vận động người dân đóng góp kinh phí làm nền hạ vẫn chưa có tín hiệu khả thi. Được biết, theo kế hoạch, Nhuận Phú Tân phải vận động người dân khoảng 1 tỷ đồng để làm nền hạ, tổng chiều dài tuyến đường hơn 2,6km, dài nhất trong 16 công trình.

Bên cạnh bối cảnh chung của các xã có heo và dừa là nông sản chủ lực bị xuống giá, ảnh hưởng sức đóng góp của người dân, nguyên nhân còn lại được cho là địa phương lựa chọn công trình, lựa chọn chính sách thực hiện GTNT chưa phù hợp, dẫn đến tiến độ ì ạch, một số công trình lâm vào cảnh bất khả thi.

Kinh nghiệm chọn công trình

“6 công trình đợt 1 thuộc Đề án số 3333 phải hoàn thành trong tháng 9-2019, nếu không hoàn thành thì cắt vốn và không thể gia hạn thêm thời gian”, ông Cao Minh Đức - Phó giám đốc Sở GTVT nhấn mạnh.

Theo ông Cao Minh Đức, Đề án số 3333 cần được tuyên truyền đến tổ nhân dân tự quản để người dân hiểu và đồng tình bằng một cam kết. Cán bộ phụ trách xã phải am hiểu Đề án số 3333 và những chủ trương, chính sách để lựa chọn, áp dụng. Vai trò hỗ trợ kỹ thuật của cấp huyện rất quan trọng, cụ thể là Phòng Kinh tế - Hạ tầng phải sâu sát đối với từng công trình, nếu không sẽ dẫn đến chất lượng công trình không đạt, do cấp xã không nắm quy trình kỹ thuật. Như nền hạ ở Thành Thới A không đạt chất lượng, đã từng bị Sở GTVT đình chỉ thi công.

Phó giám đốc Sở GTVT Cao Minh Đức cho rằng, các xã nên chọn công trình vừa sức, chiều dài chỉ 1 - 2km thực hiện theo Đề án số 3333. Đối với xã Phước Hiệp, huyện Mỏ Cày Nam thì lựa chọn chính sách không phù hợp, Phước Hiệp đã vào diện được hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, công trình ĐX.01 ở Phước Hiệp khá nặng kinh phí, xã nên chọn thực hiện theo Nghị quyết số 05 của HĐND tỉnh (được ngân sách nhà nước hỗ trợ đến 90%, sẽ nhẹ cho dân).

UBND xã cũng cần có kế hoạch vận động toàn dân trên địa bàn xã đóng góp vào quỹ phát triển giao thông, số tiền này có thể dùng để hỗ trợ các ấp khó khăn, dân cư thưa thớt khi xây dựng GTNT với tinh thần “nhường cơm sẻ áo”. Đồng thời, có thể sử dụng quỹ này để duy tu, bảo dưỡng cầu, đường ở nông thôn. Hơn nữa, cần có một buổi sơ kết Đề án số 3333 để rút kinh nghiệm, chia sẻ những giải pháp hay.

Trong bối cảnh GTNT tỉnh nhà hiện quá tải so với nhu cầu đi lại, trao đổi hàng hóa của người dân, theo tính toán tỉnh cần đến 851 tỷ đồng để đầu tư 224km đường GTNT. Đề án số 3333 ra đời vào tháng 7-2018 với “sứ mệnh” đẩy nhanh tiến độ thực hiện tiêu chí số 2 về giao thông trong xây dựng nông thôn mới ở 117 xã. Từ khi đi vào thực hiện đến nay, Đề án số 3333 đã thu hút được sự quan tâm và đóng góp vật chất của người dân phát triển GTNT tỉnh nhà với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm”. 10 công trình đã hoàn thành, giảm gánh nặng kinh phí xây dựng GTNT cho Nhà nước”.

Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục kiểm tra 23 công trình GTNT (đợt 2, 3) thuộc Đề án số 3333 để hỗ trợ các xã tháo gỡ những khó khăn. Các công trình này hiện đã được tỉnh triển khai rót vốn.

(Ông Cao Minh Đức - Phó giám đốc Sở GTVT)

Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN