Nông dân đột phá làm giàu từ cây nhãn

20/06/2018 - 06:58

BDK - Nông dân Nguyễn Hữu Thanh, sinh năm 1971, ấp Long Thạnh, xã Long Hòa, huyện Bình Đại được tuyên dương nông dân xuất sắc năm 2017. Anh còn được xướng danh là “vua nhãn” Bến Tre; là một điển hình về nông dân yêu nước, luôn trăn trở thi đua lập nghiệp, làm giàu cho bản thân, gia đình và góp phần xây dựng quê hương.

Anh Nguyễn Hữu Thanh (người đứng thứ 2, từ trái sang) tại hội thảo Nâng cao chuỗi giá trị trái cây đặc sản tỉnh, tại huyện Chợ Lách nhân Lễ hội Cây - trái ngon, an toàn 2018.

Anh Nguyễn Hữu Thanh (người đứng thứ 2, từ trái sang) tại hội thảo Nâng cao chuỗi giá trị trái cây đặc sản tỉnh, tại huyện Chợ Lách nhân Lễ hội Cây - trái ngon, an toàn 2018.

Vươn lên từ cây nhãn

Ở tỉnh, cây nhãn idor (xuất xứ từ Thái Lan) được du nhập về cách nay khoảng 5 - 6 năm và được trồng nhiều tại huyện Chợ Lách và Bình Đại. So với nhiều giống nhãn truyền thống của tỉnh như nhãn long, tiêu quế, xuồng cơm vàng thì idor là giống mới khá trội hơn với các đặc tính sinh trưởng mạnh, dễ đậu trái, năng suất cao. Trái lớn, hạt nhỏ, cơm nhãn dày và dai.

Nhãn là cây trồng truyền thống đã xuất hiện từ 30 - 40 năm ở các xã cánh Đông của huyện Châu Thành và các xã lân cận thuộc huyện Bình Đại, trong đó có Long Hòa. Khi đó, nhãn là cây trồng chủ lực, chiếm hầu hết diện tích trồng trọt các xã. Giống nhãn long chiếm giữ vị trí vàng son trong thời kỳ đầu. Không ít lâu sau, sự thăng trầm kéo dài của nhãn long khiến đời sống của nông dân bấp bênh. Nhãn long dần được thay thế, chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn như dừa, bưởi da xanh, nhãn tiêu quế. Các xã còn giữ lại diện tích trồng nhãn đáng kể và chỉ chuyển đổi giống là Giao Hòa (Châu Thành), Long Định, Long Hòa, Phú Thuận, Tam Hiệp… (Bình Đại). Lúc này, diện tích trồng nhãn long các xã này được nông dân rầm rộ đốn bỏ và thay thế vào giống nhãn tiêu quế.

Sau một thời gian, giống tiêu quế đánh mất vị trí cao khi có sự xuất hiện của xuồng cơm vàng và tiêu da bò. Giá tiêu quế lại liên tục bấp bênh, có khi cũng chỉ còn trên, dưới 4.000 đồng/kg như hiện nay, trong khi hai giống nhãn: xuồng cơm vàng và giống mới gần đây là idor có giá dao động bình quân 30 - 40 ngàn đồng/kg.

Trở lại với nông dân Nguyễn Hữu Thanh, idor là một cơ duyên mới, giúp anh mau đột phá trong sản xuất nông nghiệp tại địa phương, xếp vị trí nông dân xuất sắc hàng đầu trong sản xuất cây nhãn (các giống nhãn nói chung) - một trong 8 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh.

Xuất phát điểm từ gia đình nghèo, có 4 công đất ruộng, năm 1990, anh lên vườn trồng nhãn xuồng cơm vàng và trở thành một trong những nông dân đầu tiên trồng giống xuồng cơm vàng, với hiệu quả kinh tế cao nhất, nhì trong các loại cây trồng bấy giờ. Có tích lũy, 5 năm sau, anh mua thêm 3,2ha để phát triển xuồng cơm vàng.

Đến năm 2012, 2013, thời điểm tỉnh nói riêng và cả nước đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi giúp nâng cao năng suất, hiệu quả kinh tế trên cùng diện tích. Anh tiếp tục mua thêm 1,2ha đất vườn trồng nhãn idor. Kết quả 3 năm sau, anh thu hoạch hơn 16 tấn nhãn idor, với giá 30 ngàn đồng/kg, lợi nhuận cao gấp 3 lần nhãn xuồng cơm vàng do năng suất và giá cao. Những năm sau đó, bên cạnh giữ vườn nhãn xuồng cơm vàng đang giai đoạn phát triển mạnh, anh liên tục tích tụ thêm ruộng, vườn để mở rộng quy mô sản xuất nhãn của mình. Đến nay, anh có tổng cộng 7,2ha vườn nhãn, trong đó có 3,6ha xuồng cơm vàng và 3,6ha idor. Tổng sản lượng bình quân đạt 115 tấn/năm, doanh thu khoảng 3 tỷ đồng.

Nông dân Hữu Thanh vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương bằng chính nghị lực, quyết tâm vươn lên, góp phần khẳng định nông nghiệp chiếm giữ vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh.

Mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật

Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, hàng năm, anh còn tích cực tham gia công tác từ thiện tại địa phương như xây dựng giao thông nông thôn, đóng góp quỹ khuyến học của xã, hỗ trợ đồ dùng học tập cho học sinh nghèo…, với vốn góp hàng chục triệu đồng/năm. Với vai trò là hội viên Hội Nông dân xã, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Long Hòa, anh đã chia sẻ thông tin kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vệ đúng, an toàn, tiết kiệm cho các xã viên và hội viên tại địa phương.

Hợp tác xã nông nghiệp Long Hòa có tiền thân là tổ hợp tác sản xuất nhãn VietGAP Long Hòa, thành lập vào năm 2009. Trong vai trò, lãnh đạo, điều hành hợp tác xã, anh định hướng bà con sản xuất theo quy trình an toàn, có chất lượng, tham gia liên kết sản xuất và thu mua theo chuỗi giá trị, có liên kết đầu vào và đầu ra.

Hợp tác xã ký kết hợp đồng thu mua phân bón, vật tư nông nghiệp với các đại lý, doanh nghiệp, công ty kinh doanh vật tư nông nghiệp, đồng thời phân phối lại cho các thành viên. Về đầu ra, hợp tác xã đã ký hợp đồng với một công ty xuất khẩu trái cây, bao tiêu sản phẩm cho người nông dân, sản lượng 300 tấn/năm. Có thể nói, vốn điều lệ không nhiều, chỉ có 34 triệu đồng nhưng hợp tác xã được đánh giá hoạt động khá năng động, hiệu quả, nhờ huy động vốn từ thành viên để thực hiện dịch vụ cho thành viên. Tổng số vốn huy động sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã đến nay là 305 triệu đồng. Hợp tác xã cũng tạo việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định cho 5 - 7 lao động tại địa phương.

Anh Nguyễn Hữu Thanh là một điển hình tiêu biểu trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, góp phần thiết thực đưa chủ trương, nghị quyết đi vào cuộc sống. Tấm gương của anh góp phần lan tỏa tinh thần hăng say lập nghiệp, khởi nghiệp và khát vọng vươn lên làm giàu của nông dân trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn tỉnh nhà.

“Nông dân Nguyễn Hữu Thanh xứng đáng được chọn là gương điển hình về tinh thần vượt khó và nhanh nhạy ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Anh cũng nhận thức tốt về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển sản phẩm chủ lực theo hướng chuỗi giá trị, tạo nền tảng vững vàng cho sự phát triển của hợp tác xã nói chung và các thành viên làm nông nghiệp tại địa phương nói riêng. Mới đây, anh đã đại diện các thành viên trong hợp tác xã của mình để cùng Hội Nông dân tỉnh kết nối tiêu thụ sản phẩm tận chợ đầu mối Thủ Đức và đã đưa được sản phẩm vào chợ này thành công”.

(Ông Lê Nhựt Chiêu - Phó trưởng ban Kinh tế - Ngân sách, Hội Nông dân tỉnh)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN