Nông nghiệp đô thị “chuyển mình” sau hạn mặn

18/09/2020 - 07:13

BDK - Hướng đi của nông nghiệp đô thị ở TP. Bến Tre sau đợt hạn mặn năm 2019-2020 có nhiều nét mới. Trong điều kiện mặn xâm nhập với diễn biến ngày càng khó lường, quá trình thích ứng của nông dân TP. Bến Tre có thể đem lại một số kinh nghiệm chọn lựa mô hình nông nghiệp đô thị thích hợp cho những đô thị đang phát triển ở các huyện.

Cây ổi ruby tại Khu du lịch Phú An Khang vẫn phát triển tốt sau hạn mặn.

Cây ổi ruby tại Khu du lịch Phú An Khang vẫn phát triển tốt sau hạn mặn.

Trồng nha đam Mỹ

TP. Bến Tre có tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Tuy nhiên, nông nghiệp vẫn là kinh tế chính của hơn 5 ngàn hộ dân ở 6 xã trên địa bàn thành phố. Nhắc đến mô hình nông nghiệp đô thị ở TP. Bến Tre, chiếm vị trí số một vẫn là cây bưởi, kế đến là dừa xiêm xanh. Thế nhưng, sau hạn mặn vừa qua, hiện cây bưởi của thành phố vẫn còn trong tình trạng “dưỡng thương”, chưa thể cho trái. Cây dừa xiêm xanh cũng ráng trái nhưng trái nhỏ, khó bán. Cây nha đam Mỹ tuy không đem lại thu nhập cao cho người dân nhưng đã cầm cự đi qua mùa mặn và cho thu hoạch đều đến nay.

Cô Hồ Thị Luyến, Ấp 3, xã Nhơn Thạnh là một trong những người trồng nha đam Mỹ khá thành công ở xã. Cô Luyến tận dụng lối đi từ cổng vào nhà, mé mương bờ vườn để trồng cây nha đam Mỹ, với diện tích khoảng 500m2. Loại cây này dễ trồng, 3 - 4 ngày mới tưới 1 lần, mỗi năm bón 2 lần phân hữu cơ vào đầu và cuối mùa mưa. Giá bán 6.000 đồng/kg, mỗi tháng cây nha đam Mỹ đem lại thu nhập cho cô Luyến khoảng 5 triệu đồng. Cây nha đam Mỹ đã sống sót qua mùa mặn lịch sử vừa rồi. Chủ vườn cho hay, cứ cách 5 ngày cây được tưới một ít nước ngọt (nước mua từ các xe bán nước ngọt), các bẹ lá thiếu nước nên không múp míp, nhưng vẫn vượt qua đợt mặn mà không bị suy kiệt.

Bên cạnh đó, vườn nhà cô Luyến còn nuôi thỏ, trồng dừa xiêm xanh. Nhờ đa dạng sinh kế mà diện tích vườn nhỏ hẹp của cô Hồ Thị Luyến vẫn là kinh tế chính nuôi sống gia đình. “Tôi vẫn còn băn khoăn vì cây nha đam Mỹ có bệnh thối nhũn. Cây cứ bị hư, hiện vẫn chưa có biện pháp nào trị được. Bên cạnh đó, tại Nhơn Thạnh mỗi tháng 2 lần triều cường, nước ngập cả vườn và đó lại là nước mặn khiến tôi không thể trữ nước ngọt trong mương để tưới cây”, cô Hồ Thị Luyến chia sẻ.

Chuyển đổi mô hình

Kể từ những trận mưa đầu mùa giữa tháng 5-2020, đến nay, đã được 3 tháng, cứ mỗi đợt ngày rằm, nước dâng cao tràn vào các mương vườn ở Nhơn Thạnh đem theo độ mặn 2%o, khiến nông dân khá bối rối. “Hễ rằm là nước mặn tràn vào đất, bò vào trong những ao nước mưa mà chúng tôi để dành. Thật không biết phải làm sao để giữ nước ngọt. Nhà tôi hiện có 3 hồ chứa nước ngọt, trữ được khoảng 17 - 18m3 nước, vừa dùng cho người, cho vật, cho cây thì e là khó đối phó trong những mùa mặn tiếp theo”, cô Hồ Thị Luyến băn khoăn.

Hơn 60% diện tích đất trồng dừa (tương đương 240ha) và trên 85% diện tích đất trồng bưởi (khoảng 264ha) ở xã Nhơn Thạnh bị ảnh hưởng hoặc thiệt hại do hạn mặn năm 2019-2020. “Nông dân ở xã đã bị bất ngờ vì nước mặn về sớm. Lượng nước ngọt dự trữ lại không đủ xài vì mặn kéo dài hơn dự đoán. Đa số vườn cây ở xã không được tưới nước trong suốt mùa mặn. Vì thế, hiện giờ nông dân đang vất vả dưỡng cây. Mùa mưa năm nay, việc chuyển đổi cây trồng ở Nhơn Thạnh diễn ra rất nhiều, hơn hẳn mọi năm do cây trồng bị chết. Đa số nông dân chọn cây dừa xiêm xanh, cây chanh để trồng mới”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Nga - Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Nhơn Thạnh cho biết.

Ở những trang trại có mô hình nông nghiệp đô thị sử dụng công nghệ cao, nước mặn đã làm thay đổi quan điểm chọn cây trồng. Đợt mặn vừa rồi, vườn cây ở Khu du lịch Phú An Khang, xã Bình Phú, TP. Bến Tre được tưới ngọt lọc từ nước máy, chủ khu du lịch này đã đầu tư hơn 300 triệu đồng cho hệ thống lọc mặn. Bên cạnh đó, chi phí cho tiền điện và nước tưới cây cũng tăng gấp đôi so với lúc nước không nhiễm mặn, khoảng 60 - 70 triệu đồng/tháng.

Để thích ứng với tình hình hạn mặn trong thời gian tới, ông Nguyễn Duy Thuấn -  Giám đốc Công ty TNHH Phú An Khang cho biết: “Định hướng của Phú An Khang là tìm cách giữ nước ngọt tại chỗ ở các mương vườn, tìm những cây chịu được mặn. Đợt mặn vừa qua, tôi thấy những cây chịu được mặn khá như ổi ruby, ổi lê, sơ ri; giống cây mới ngoại nhập là cây che-ri cũng hơn 1,5 năm, chúng sống và hiện đang cho trái, còn vú sữa hoàng kim thì không chịu được mặn, đã chết”.

Theo nhận xét của bà Huỳnh Thị Ngà - Phó trưởng phòng Kinh tế TP. Bến Tre, hạn mặn và triều cường đã đem mặn ngấm vào đất khiến đa số vườn cây ở thành phố bị ảnh hưởng, số cây già cỗi lâm vào suy kiệt và chết. Cây bưởi được người dân trồng mới rất nhiều. Sau hạn mặn, cây ổi ruby, các loại hoa lan, hoa hồng được người dân chọn làm để phát triển mô hình nông  nghiệp đô thị.

Trong khi đó, ở Nhơn Thạnh, Hội Nông dân và Hội Liên hiệp Phụ nữ đang phát động phong trào hỗ trợ bồn nước cho hội viên, như: vận động nhà tài trợ một số vốn, cộng với người dân đối ứng vốn (trả chậm trong 1 - 2 năm) để mua bồn nước bằng nhựa, hoặc túi trữ nước (trữ được khoảng 7,5m3/túi) để sử dụng.

Theo bà Huỳnh Thị Ngà - Phó trưởng phòng Kinh tế TP. Bến Tre, hướng đi của nông nghiệp đô thị ở TP. Bến Tre trong 5 năm tới vẫn là phát triển theo hướng đô thị, kết hợp du lịch sinh thái. Bên cạnh đó, thành phố đang triển khai phát triển hệ thống tưới tiết kiệm, nuôi lươn không bùn, nuôi thỏ.

Bài, ảnh: Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích