Nữ bác sĩ tâm huyết với nghề

18/03/2016 - 07:35

Đến với nghề từ những cơ duyên khác nhau nhưng bằng tâm huyết, sự tận tâm với bệnh nhân, bác sĩ Mộng Hương và Xuân Dung đã không ngừng phấn đấu để giỏi nghề, thạo chuyên môn. Ở họ, người thầy thuốc giỏi nghề không chưa đủ mà phải thật sự có y đức.

Rèn nghề, luyện tâm

Nụ cười hiền, giọng nói nhẹ nhàng, thái độ cởi mở, dễ gần đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi có điều kiện tiếp xúc với chị Phan Mộng Hương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu.

Tốt nghiệp đại học năm 1990 chuyên khoa ngoại sản, chị nhận công tác tại Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu. Sau những năm công tác trong ngành, chị mến và muốn khám bệnh, điều trị cho trẻ em. “Người lớn bệnh còn nói được, còn bày tỏ thái độ để người nhà quan tâm, còn trẻ em bệnh có nói được gì đâu. Nghĩ vậy nên sau 3 năm làm việc tại bệnh viện, tôi quyết định đi học chuyên khoa phẫu nhi nâng cao chuyên môn để có điều kiện tận tay điều trị cho trẻ nhỏ” - bác sĩ Hương tâm sự.

Bác sĩ Phan Mộng Hương

Đam mê, cầu tiến, ham học hỏi, đến năm 1999, chị học chuyên khoa II, rồi học thạc sĩ tại Thái Lan. Gắn bó với bệnh viện từ những năm mới ra trường, giờ là Phó Giám đốc bệnh viện, dù ở cương vị nào, bác sĩ Hương cũng phấn đấu hết lòng vì công việc. Sau bao nhiêu năm cống hiến trong nghề, bác sĩ Hương nhận ra rằng, một bác sĩ giỏi, chỉ thạo nghề không chưa đủ mà trên hết là cái tâm đối với người bệnh, phải đặt mình vào nỗi đau của người bệnh để phục vụ họ. Với tâm niệm ấy, bác sĩ Hương không ngừng phấn đấu để trau dồi nghề nghiệp, y đức, nhất là thái độ phục vụ bệnh nhân. Chị bảo: “Làm việc không nên nghĩ đến danh tiếng hay tiền bạc mà nên làm bằng cái tâm, làm vì nụ cười của người bệnh. Là bác sĩ mà thiếu y đức sẽ thất bại trong điều trị, đừng cho rằng mình giỏi nghề là thành công”.

“Bác sĩ cần tỉ mỉ trong công tác khám và hỏi bệnh. Khi tự tay mình thăm khám, hỏi bệnh là chúng ta đã xác định được 70% căn bệnh” - bác sĩ Mộng Hương chia sẻ kinh nghiệm.

Hết lòng vì bệnh nhân

Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung - Trưởng Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu là một trong những bác sĩ yêu nghề, không ngại khó. Chị tốt nghiệp năm 2000, với chuyên ngành bác sĩ đa khoa. “Tôi hình dung trước quãng đường phía trước, vì vậy cố gắng học hỏi để tự trang bị kiến thức cho mình. Những ngày đầu vào nghề, tôi vừa phải học hỏi kinh nghiệm từ bạn bè, những người đi trước rồi đọc thêm sách, tài liệu cập nhật kiến thức mới để nâng cao tay nghề phục vụ bệnh nhân” - bác sĩ Dung nhớ lại.

Đầu năm 2016, chị được chuyển công tác sang Khoa Nhiễm. Về đây, trong vô vàn những loại bệnh dễ lây, trong đó có HIV/AIDS nhưng chị bảo: “Có gì đâu, chỉ cần hiểu về căn bệnh, biết được cách phòng tránh là được”.

Bác sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung

Chia sẻ kinh nghiệm sau hơn 15 năm gắn bó với nghề, bác sĩ Dung nói: “Bác sĩ nên làm việc bằng cái tâm, hãy quan tâm bệnh nhân bằng thái độ nhẹ nhàng để họ yên tâm vì mình được chăm sóc tốt”. Theo lời nhận xét của mọi người, do có trí nhớ tốt nên trong quá trình khám bệnh, chị nhớ tên từng người, nhớ cả triệu chứng bệnh của họ nên chị luôn được người bệnh quý mến. “Những người bệnh truyền nhiễm, nhất là HIV/AIDS thường bất cần đời, mình phải thật sự quan tâm để họ thấy rằng họ không bị kỳ thị, không bị xem thường, có như vậy mới thuận lợi trong quá trình điều trị” - chị Dung tâm sự.

Yêu nghề, hết lòng vì người bệnh, sống có lý tưởng là mục tiêu mà bác sĩ Mộng Hương và Xuân Dung đã và đang thực hiện. Với họ, niềm tin của bệnh nhân, nụ cười, ánh mắt thay lời cảm ơn của người bệnh là niềm vui, niềm hạnh phúc không gì thay thế được. Và với họ, y đức là thước đo của sự thành công.  

Bài, ảnh: Phạm Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN