Phân loại và giảm thiểu rác thải nhựa tại trường học

30/10/2019 - 07:30

BDK - Năm học 2019-2020, ngoài việc giáo dục kiến thức, Trường THCS TP. Bến Tre còn chú tâm vào việc định hướng cho các em học sinh ý thức bảo vệ môi trường bằng việc giảm thiểu rác thải nhựa, góp phần bảo vệ môi trường sống.

Học sinh Trường THCS TP. Bến Tre phân loại rác trước khi thải ra môi trường.

Học sinh Trường THCS TP. Bến Tre phân loại rác trước khi thải ra môi trường.

Thay đổi hành vi

Từ nhiều năm trước, Trường THCS TP. Bến Tre đã chú trọng công tác giáo dục học sinh về ý thức vệ sinh, bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, phong trào chưa phát triển mạnh mẽ và chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Hưởng ứng phong trào chống rác thải nhựa của tỉnh, trường tiếp tục tuyên truyền và khuyến khích học sinh không sử dụng các vật dụng dùng một lần bằng nhựa mà thay vào đó là dùng vật dụng thủy tinh hay những sản phẩm thân thiện với môi trường.

Trong dịp lễ khai giảng năm học 2019-2020, Ban giám hiệu trường đã triển khai đến học sinh, giáo viên toàn trường cùng nắm và có trách nhiệm thực hiện phân loại, giảm thiểu rác nhựa ngay tại lớp, tại trường. Ban đầu triển khai, trường không cho phép học sinh mang hộp, ly nhựa đựng thức ăn vào trường nhưng sau 1 tuần thực hiện, phụ huynh phản ứng với lý do “không đủ thời gian chuẩn bị thức ăn sáng ở nhà cho con”. Do đó, các em học sinh vẫn sử dụng các thức ăn sẵn kèm theo túi nylon, hộp, ly nhựa. Trước tình trạng đó, nhà trường đã chuyển đổi mục tiêu - giảm thiểu rác thải nhựa trong lớp học.

Để làm gương, một số giáo viên, nhân viên nhà trường đã mang bình thân thiện đến lớp. Trường cũng không dùng ly, chai nhựa để tiếp khách. Gần 2 tháng triển khai, phần đông học sinh đã có ý thức nói không với ly, chai nhựa dùng một lần. Nguyễn Bùi Túy Ngân, học sinh lớp 92, cho hay: “Hầu hết các bạn trong lớp đã ý thức được tác hại của rác nhựa đối với môi trường cũng như lợi ích của việc phân loại rác tại trường. Nhờ đó, trong lớp học không còn tình trạng ly nhựa, túi nylon đựng đồ ăn trong hộc bàn. Bản thân em và các bạn tích cực mang rác bỏ vào thùng rác được bố trí trong sân trường”.

Hiện nay, Trường THCS TP. Bến Tre đã trang bị 3 xe rác, mỗi xe có 3 thùng nhỏ bên trong để phân loại rác hữu cơ, vô cơ, rác tái sử dụng để học sinh phân loại và cho vào thùng đúng quy định. Nguyễn Ngọc Anh Thư, học sinh lớp 910 cho hay, em luôn tuân thủ các quy định của nhà trường về phân loại và giảm rác thải. Tại gia đình, em đã tuyên truyền, vận động người thân để cùng giảm thiểu rác nhựa trong nhà. “Em mong muốn các bạn học sinh, các cô chú phụ huynh nâng cao ý thức về tầm quan trọng của phân loại rác cũng như kiên quyết tuyên chiến với rác thải nhựa”, Anh Thư bộc bạch.

Dự kiến, thời gian tới, khi căn-tin của trường được đưa vào hoạt động, trường sẽ kiên quyết không cho sử dụng và kinh doanh các loại nước đóng chai nhựa; khuyến khích học sinh sử dụng ly thủy tinh uống tại chỗ vào các giờ ra chơi.

Chung tay giáo dục

Hiệu trưởng Trường THCS TP. Bến Tre Nguyễn Anh Dũng cho biết, thời gian đầu triển khai, có các bậc phụ huynh chưa chú ý vào việc làm của nhà trường. Sau khi trao đổi về những mặt tích cực, mong muốn giáo dục cho các em học sinh thêm yêu môi trường sống của mình thì hầu hết cha mẹ đều ủng hộ. Qua hướng dẫn, các em học sinh có ý thức hơn khi vứt bỏ rác thải ra môi trường.

Cũng theo ông Nguyễn Anh Dũng, bên cạnh những chuyển biến tích cực, hiện vẫn còn một số cá nhân chưa nhận thức rõ về vấn đề này. Việc sử dụng ly nhựa để uống trà sữa còn được dùng khá phổ biến tại trường. Vẫn còn một bộ phận phụ huynh vẫn mang thức ăn được đựng trong hộp nhựa, túi nylon đến cho các em. Điều này đối lập với những gì các em được giáo dục tại trường.

“Chủ trương nhà trường là từ từ uốn nắn các em học sinh sống có ích cho bản thân, gia đình, xã hội và chính môi trường các em sinh sống. Nhà trường mong muốn sự cộng đồng hỗ trợ của phụ huynh để nâng cao ý thức chấp hành của học sinh, cũng như góp phần tuyên truyền có hiệu quả giảm thiểu rác thải nhựa trong cộng đồng”, ông Nguyễn Anh Dũng chia sẻ.

Rác thải nhựa là một vấn đề không chỉ ngày một ngày hai có thể làm được, không chỉ một cá nhân hay đơn vị hưởng ứng mà nó cần được nhân rộng hơn nữa, cần sự chung tay của cả cộng đồng. “Hy vọng với sự vào cuộc của các cấp chính quyền, ý thức của mỗi phụ huynh được nhen lên từ những việc nhỏ trong học sinh giúp lan tỏa ý thức cùng nhau giảm thiểu túi nylon, rác thải nhựa ra môi trường. Nhà trường rất kỳ vọng các em học sinh sẽ là “sứ giả” tuyên truyền đến người thân, bạn bè để hành động đẹp ngày càng lan tỏa. Chỉ cần thay đổi những thói quen rất nhỏ trong đời sống hàng ngày cũng có thể góp phần bảo vệ môi trường”, ông Nguyễn Anh Dũng chia sẻ.

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN