Phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong xây dựng gia đình

29/05/2020 - 06:57

BDK - Gia đình hiện đại có nhiều ưu điểm tiến bộ, giữ được các giá trị truyền thống nhưng cũng tiềm ẩn những nguy cơ dễ rạn nứt. Ghi nhận từ thực tế cho thấy, việc xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh đang có dấu hiệu phai nhạt. Cùng những đặc điểm của bối cảnh xã hội hiện đại, công tác xây dựng văn hóa gia đình càng cần được củng cố, quan tâm đúng mức.

Học sinh tham quan tìm hiểu về văn hóa tại di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: CTV

Học sinh tham quan tìm hiểu về văn hóa tại di tích lịch sử Mộ và Khu lưu niệm nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu. Ảnh: CTV

Xây dựng văn hóa gia đình

Đánh giá kết quả xây dựng văn hóa gia đình trên địa bàn tỉnh thời gian qua, các đại biểu tại buổi tọa đàm về “Xây dựng văn hóa gia đình trong bối cảnh mới” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức đã nhận định, những dấu hiệu phai nhạt trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư khi mà cả chính quyền địa phương cũng như người dân chú trọng hơn các giá trị về kinh tế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật để đạt các tiêu chí xã nông thôn mới mà chưa đề cao các yếu tố về văn hóa, đang bị mất cân bằng giữa yếu tố văn hóa - kinh tế, tinh thần - vật chất, đạo đức, cách sống. Trong đó, yếu tố văn hóa đang kém ưu thế hơn so với kinh tế.

Thượng tá Nguyễn Thị Thu Hà - Chủ tịch Hội Phụ nữ Công an tỉnh phân tích các nguyên nhân dẫn đến tình trạng ly hôn gia tăng trong xã hội ngày nay phần lớn xuất phát từ những nguyên nhân do các giá trị văn hóa truyền thống bị mai một. Đó là tình trạng yêu nhanh, cưới vội của giới trẻ, chủ nghĩa cá nhân của chồng hoặc vợ, ngoại tình, bạo lực gia đình, tệ nạn xã hội... Một bộ phận các gia đình trẻ ngày nay đang đứng trước những xu hướng của lối sống hiện đại cũng chịu nhiều thách thức trước những “giằng co” giữa truyền thống và hiện đại.

Ông Trần Công Ngữ - nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh nhận định, nguyên nhân của các vấn đề trên là do chúng ta chưa xem văn hóa là mục tiêu, động lực để phát triển. Chúng ta có truyền thống văn hóa tốt đẹp, cần phát huy các giá trị văn hóa để noi theo, sống cho tốt hơn. Trên nền tảng những giá trị văn hóa, tỉnh đã là một địa phương đáng sống. Người Bến Tre tham gia cống hiến trên lĩnh vực văn hóa rất nhiều, có tiếng trong cả nước. Vùng đất và con người Bến Tre có truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa. Cho nên, chúng ta rất tự hào.

Con người văn hóa

Xây dựng con người là xây dựng văn hóa. Mục tiêu chung là xây dựng con người có tình yêu thương, san sẻ nhau trong cuộc sống. Như vậy, làm sao khơi dậy, tôn vinh truyền thống để thế hệ sau tiếp tục thực hiện và sống tốt hơn? Làm sao tạo ra sức đề kháng để chống lại luồng gió độc?

Xu thế công nghệ hóa đang làm mối quan hệ gia đình bị xa rời. Làm sao để các thành viên trong gia đình gắn bó với nhau hơn. Trong gia đình, mỗi thế hệ phải gắn bó với nhau, ông bà phải nêu gương, thương yêu. Cố gắng đưa vào chương trình xây dựng gia đình văn hóa một cách thiết thực, phù hợp điều kiện hiện tại. Thường xuyên nhắc nhở, kiểm tra, không xem nhẹ tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa ở các xã nông thôn mới.

Các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền vận động các thành viên tham gia thực hiện tốt phong trào xây dựng văn hóa gia đình. Ảnh: T. Đồng

Các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền vận động các thành viên tham gia thực hiện tốt phong trào xây dựng văn hóa gia đình. Ảnh: T. Đồng

Phó chủ tịch UBND huyện Châu Thành Trần Văn Hoàng nhận định, công việc cụ thể về xây dựng văn hóa gia đình trong giai đoạn mới là cần giữ được môi trường văn hóa lành mạnh để mỗi gia đình được phát triển lành mạnh.

Xây dựng văn hóa và xây dựng con người là không tách rời. Xây dựng con người cần quan tâm cụ thể về giáo dục đạo đức, lối sống, ứng xử. Gia đình là nơi hình thành những nhân cách con người nên cần được quan tâm cụ thể. Mỗi đoàn thể, cơ quan, đơn vị tuyên truyền, vận động đối tượng do tổ chức mình quản lý thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào thi đua sẽ góp phần xây dựng văn hóa, đạo đức tốt đẹp. Cụ thể, thực hiện có thực chất phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, nâng chất danh hiệu gia đình, cơ quan, đơn vị văn hóa, thực hiện tốt các danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, “Người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan”, “Phụ nữ tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, phát huy cụm từ “Kỷ cương - tình thương - trách nhiệm” trong mọi tổ chức. Mỗi thành viên trong gia đình làm tốt vai trò của mình.

Tại buổi tọa đàm, đại biểu đề cập đến 3 nhóm giải pháp cơ bản cần quan tâm trong thời gian tới. Trong đó giải pháp trọng tâm, chủ yếu, thường xuyên, liên tục vẫn là công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, vận động để toàn dân xây dựng văn hóa gia đình. Chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nhắc nhở, kiểm tra thường xuyên việc xây dựng đời sống văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, không nên xem nhẹ yếu tố tinh thần.

Trong gia đình hay tổ chức phải có người dẫn dắt, chủ trì, dù là bình đẳng nhưng phải phát huy được vai trò gương mẫu của người trụ cột trong gia đình, khắc phục tính ỷ lại của các thành viên, nhất là thế hệ trẻ phải có khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng, tăng cường sự chỉ đạo, lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền đối với công tác gia đình, xây dựng văn hóa gia đình, đặt công tác gia đình là nhiệm vụ quan trọng trong lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội.

Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN