Phát huy khối đại đoàn kết trong phòng chống hạn mặn, dịch bệnh (kỳ 2)

01/07/2020 - 07:08

BDK - Là một trong 10 tỉnh triển khai thực hiện tốt gói hỗ trợ theo Nghị quyết số 42/NQ/CP của Chính phủ và Quyết định số 15/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho những đối tượng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Vấn đề được quan tâm hiện nay là việc hỗ trợ được đảm bảo công khai, minh bạch và đến đúng đối tượng, có sự giám sát chặt chẽ từ người dân và những người làm công tác Mặt trận (MT).

Vận động các tổ chức hỗ trợ nước ngọt giúp người dân vượt qua hạn mặn. Ảnh: A. Nguyệt

Vận động các tổ chức hỗ trợ nước ngọt giúp người dân vượt qua hạn mặn. Ảnh: A. Nguyệt

Thực hiện tốt chức năng giám sát

Xã An Phước, huyện Châu Thành, ngay khi có chỉ đạo của trên, cán bộ công tác MT phối hợp với các thành viên tiến hành rà soát các nhóm đối tượng 5, 6, 7 được nhận hỗ trợ theo quy định. “Có số tiền này giúp mình vượt qua giai đoạn khó khăn. Việc hỗ trợ thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với người dân để vượt qua khó khăn”, chị Đoàn Thị Nhánh, xã An Phước tâm sự.

“Chính sách của Chính phủ thật thiết thực. Sự hỗ trợ này là nguồn động viên lớn, càng tạo niềm tin của người dân với Đảng, Nhà nước”, ông Phạm Văn Dũng, làm nghề bán hàng rong chia sẻ.

Hiện nay, tỉnh đã thực hiện xong việc chi trả cho nhóm đối tượng người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo. Tỉnh đang tiến hành rà soát thực hiện hỗ trợ cho nhóm đối tượng 1, 2, 3, 4.

Trong đợt này, địa phương sẽ thành lập tổ nhóm gồm: Trưởng ban công tác MT, bí thư chi bộ, trưởng ấp sẽ rà soát từng đối tượng, nắm hoàn cảnh từng gia đình để lập danh sách. Những trường hợp đúng đối tượng được hỗ trợ sẽ thông báo đến hộ gia đình và niêm yết, dán công khai tại trụ sở ấp, xã để người dân biết và kịp thời có phản ánh. “Sau khi niêm yết danh sách, người dân thấy không đúng sẽ có ý kiến đến MT, hay các tổ chức thành viên để có giải pháp khắc phục kịp thời. Sau khi danh sách được duyệt, xã dán công khai và tiếp tục lắng nghe ý kiến của người dân để xem còn ai có phản ánh nhằm đảm bảo tính chính xác, tránh bỏ sót”, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã An Phước Phùng Thị Cẩm Loan cho biết.

Bên cạnh công tác thống kê, MTTQ Việt Nam xã An Phước còn xây dựng kế hoạch giám sát việc hỗ trợ từ ấp đến xã để giám sát việc lập hồ sơ, trong đó phát huy vai trò của công tác MT. “Chính sách mang tính nhân văn, người làm chính sách phải tốt, phải minh bạch, nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội”, bà Phùng Thị Cẩm Loan nhấn mạnh.

Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Bé Mười cho biết: Sở đã thành lập tổ, do Phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các ngành chuyên môn tiến hành kiểm tra công tác chi hỗ trợ. Đoàn đến tận hộ dân tìm hiểu, nắm bắt thông tin, sau đó làm việc với xã, kiểm tra hồ sơ chi cho đối tượng để có góp ý, chấn chỉnh kịp thời, tránh sai sót.

Chính sách lan tỏa trong cộng đồng

Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Văn Đức: Có được thành công trong công tác ứng phó hạn,mặn, phòng chống dịch Covid-19 cũng như việc triển khai chi hỗ trợ cho người dân theo quy định của Chính phủ thời gian qua là nhờ sự vào cuộc đồng bộ, nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị. Quy chế dân chủ cơ sở được phát huy ngay từ đầu, mọi thông tin đều được công khai ra dân một cách minh bạch, rõ ràng để dân thực hiện chức năng giám sát của mình.

Vừa qua, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có cuộc giám sát trên địa bàn tỉnh về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 tại tỉnh. Tại buổi giám sát, đoàn đã hướng dẫn, giải trình xác định đối tượng thụ hưởng, mốc thời gian và thẩm quyền xét duyệt đối tượng của địa phương.

Theo Phó ban công tác phía Nam Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Anh Xuân: Để đảm bảo việc hỗ trợ đến đúng địa chỉ, cán bộ làm công tác MT các cấp nhất là MT ấp phải là nòng cốt. Cán bộ MT phối hợp với cán bộ ấp tuyên truyền về chính sách hỗ trợ của Chính phủ đến với hộ dân. Danh sách các đối tượng được hỗ trợ, số tiền hỗ trợ được niêm yết công khai tại trụ sở các ấp để người dân trực tiếp giám sát. Kinh nghiệm từ thực tế cho thấy, để giám sát tốt việc chi trả hỗ trợ, các cấp ủy phải vào cuộc cùng với chính quyền, MT trong suốt quá trình này. Đồng thời phát huy vai trò của nhân dân.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi giám sát, Phó chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh cho rằng: Bến Tre là một trong những tỉnh đi đầu cả nước trong triển khai thực hiện hỗ trợ người dân do ảnh hưởng dịch bệnh. Để phát huy thành quả này và tiếp tục khắc phục hậu quả do hạn mặn và dịch Covid-19 trong thời gian tới, địa phương cần phát huy vai trò của MTTQ tiếp tục rà soát lại danh sách, niêm yết, kiểm tra chặt chẽ các hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Vì những đối tượng được hỗ trợ tới đây sẽ khó khăn, phức tạp do vậy MTTQ phải tham gia giám sát ngay từ đầu.

“Công tác phòng chống hạn mặn, dịch Covid-19 đã đạt được những kết quả bước đầu. Việc hỗ trợ người dân khắc phục khó khăn, ổn định và khôi  phục kinh tế là chặng đường khó khăn phía trước. Sắp tới, Trung ương MTTQ Việt Nam sẽ phát động cuộc vận động “MTTQ tham gia vận động nhân dân khôi phục kinh tế, phát triển đất nước” và như vậy mỗi cán bộ MT cần quyết liệt hành động cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền sát cánh với người dân chiến thắng dịch bệnh”.

(Phó chủ tịch - Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Hầu A Lềnh)

P.Tuyết

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN