Phong trào Ðồng khởi - nơi tỏa sáng chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam (kỳ 1)

23/12/2019 - 13:13

BDK - Cách đây 60 năm, dưới sự lãnh đạo của Ðảng Lao động Việt Nam, quân và dân ta đã làm nên cuộc Ðồng khởi vĩ đại, đập tan từng mảng lớn bộ máy chính quyền cơ sở của địch ở nông thôn, giành quyền làm chủ của nhân dân trên phạm vi rộng lớn, đưa cách mạng miền nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công chiến lược, tạo bước ngoặt quan trọng của cách mạng miền nam.

Các anh hùng trong phong trào Đồng khởi. (Ảnh tư liệu)

Các anh hùng trong phong trào Đồng khởi. (Ảnh tư liệu)

Thắng lợi của phong trào Ðồng khởi bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó chủ nghĩa yêu nước Việt Nam được phát huy cao độ là nhân tố cơ bản, cội nguồn sức mạnh giúp nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, giành được thắng lợi vẻ vang.

Trải qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã hình thành và phát triển một nền văn hóa bền vững, giàu bản sắc. Hạt nhân của nền văn hóa ấy là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đấu tranh kiên cường, bất khuất, sớm biết dựa vào sức mạnh đoàn kết để giành độc lập dân tộc, giữ vững non sông, bờ cõi; dũng cảm, thông minh trong chiến đấu, cần cù, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Chủ nghĩa yêu nước là sợi chỉ đỏ xuyên suốt lịch sử Việt Nam, là cơ sở hình thành và phát triển hệ thống các quan điểm, lý luận về dân tộc, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, văn hóa, giáo dục, quốc phòng, nghệ thuật quân sự... Chủ nghĩa yêu nước đã trở thành chuẩn mực cao nhất của đạo lý, lẽ sống, phẩm chất của mỗi người dân Việt Nam; là động lực nội sinh to lớn tạo nên sức mạnh vô địch trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Phong trào Ðồng khởi ở miền nam cuối năm 1959, đỉnh cao là năm 1960 chính là sự kế thừa, phát triển lên tầm cao mới chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.

Nhằm chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam, biến miền nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới, ngăn chặn làn sóng cộng sản xuống khu vực Ðông - Nam Á, từ năm 1954 đến năm 1959, cùng với tăng cường lực lượng quân đội, thiết lập bộ máy thống trị từ trung ương đến cơ sở, Mỹ và chính quyền tay sai ráo riết thi hành chính sách khủng bố, thẳng tay sát hại hàng vạn người kháng chiến cũ và đàn áp dã man đối với đồng bào miền nam yêu nước. Song, sự tàn bạo của quân thù không thể nào khuất phục được tinh thần yêu nước, ý chí chiến đấu của quân và dân ta, không thể nào phá được “thế trận lòng dân” và làm nguôi đi chí căm thù của hàng triệu trái tim, khối óc nguyện chiến đấu hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, cho khát vọng hòa bình, thống nhất non sông. Trong gian lao, thử thách, đồng bào, chiến sĩ miền nam vẫn giữ vững niềm tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Ðảng, vào thắng lợi cuối cùng của sự nghiệp cách mạng; vừa tiến hành đấu tranh chính trị đòi thi hành Hiệp định Giơ-ne-vơ, đòi các quyền dân sinh, dân chủ, đấu tranh chống khủng bố, chống chính sách “tố Cộng, diệt Cộng” của địch, vừa tích cực chuẩn bị thực lực, sẵn sàng tiến công kẻ thù khi có chủ trương mới của Ðảng.

Trước yêu cầu bức thiết của cách mạng miền nam và trên cơ sở phân tích khoa học, biện chứng về so sánh lực lượng, vững tin vào sức mạnh của toàn dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu giải phóng miền nam, thống nhất Tổ quốc, Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng Lao động Việt Nam khóa II đã khẳng định: “Con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân… lấy sức mạnh quần chúng nhân dân, dựa vào lực lượng chính trị của quần chúng là chủ yếu, kết hợp với lực lượng vũ trang để đánh đổ quyền thống trị của đế quốc và phong kiến, dựng lên chính quyền cách mạng của nhân dân” (1).

Ý Ðảng hợp lòng dân. Nghị quyết số 15 của Ðảng như một luồng sinh khí thổi bùng lên ngọn lửa đấu tranh cách mạng trong đồng bào miền nam. Nhân dân và lực lượng vũ trang đã kết thành một khối đại đoàn kết, thống nhất, phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng, truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiến hành đồng khởi trên khắp vùng nông thôn miền nam, tiêu biểu là cuộc nổi dậy ở Bác Ái (2-1959), khởi nghĩa ở Trà Bồng (8-1959), trận đánh ở Giồng Thị Ðam - Gò Quản Cung (9-1959), trận Xẻo Rô (10-1959), trận Tua Hai (1-1960)… Ðặc biệt là cuộc đấu tranh đồng loạt và mạnh mẽ trở thành cao trào Ðồng khởi ở Bến Tre (1-1960). Từ Bến Tre, phong trào như “triều dâng thác lũ”, nhanh chóng lan rộng ra các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, miền đông Nam Bộ, miền trung và Tây Nguyên, lôi cuốn hàng vạn, hàng triệu người, không phân biệt già trẻ, gái trai, dân tộc, tôn giáo, đảng phái cùng chung sức, đồng lòng đứng lên khởi nghĩa, tạo nên một phong trào cách mạng mạnh mẽ, rộng khắp, hết đợt này đến đợt khác, lần lượt san phẳng đồn bốt địch, xóa bỏ ách kiềm kẹp của chính quyền Mỹ - Diệm, giành quyền làm chủ quê hương. Ðến cuối năm 1960, nhân dân miền nam đã làm tan rã trên hai phần ba chính quyền địch ở nông thôn, thành lập chính quyền tự quản ở 1.383 xã trên tổng số 2.627 xã ở miền nam.

Nét đặc sắc trong nghệ thuật lãnh đạo, chỉ đạo khởi nghĩa là căn cứ vào đặc điểm chiến trường, so sánh tương quan lực lượng giữa ta và địch, yếu tố địa - chính trị, địa - quân sự, cấp ủy đảng và nhân dân các địa phương đã vận dụng rất sáng tạo, linh hoạt các phương thức đấu tranh của Ðảng vào thực tiễn của từng địa phương; kết hợp nhuần nhuyễn, khéo léo các hình thức đấu tranh vũ trang và đấu tranh chính trị. Kế thừa nghệ thuật đánh giặc độc đáo của dân tộc, trong đấu tranh cách mạng, quần chúng nhân dân đã sáng tạo ra nhiều cách đánh rất linh hoạt, sáng tạo, như dùng mưu để đoạt bốt, chiếm đồn địch; vận dụng tài tình ba mũi giáp công (chính trị, quân sự, binh vận); tổ chức “tản cư ngược” nhằm đấu tranh, gây sức ép buộc địch phải rút quân. Lực lượng vũ trang các địa phương đã vận dụng sáng tạo các hình thức chiến thuật, đánh giặc theo “muôn hình vạn trạng”, bằng mọi thứ vũ khí có trong tay. Thế trận khởi nghĩa toàn dân rộng khắp của ta đã khiến cho địch không thể nào tập trung lực lượng đối phó, không thể phát huy được ưu thế về lực lượng và vũ khí, trang bị hiện đại.

(Còn tiếp)

Nguyễn Thị Kim Ngân 

(Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam)


(1) Ðảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Ðảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, Tập 20, tr. 82.

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN