Phong trào Ðồng khởi - nơi tỏa sáng chủ nghĩa yêu nước của dân tộc Việt Nam (kỳ 3)

27/12/2019 - 08:18

BDK - Hai là, tiếp tục phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Nhân dân đấu tranh chính trị. Ảnh: TL       

Nhân dân đấu tranh chính trị. Ảnh: TL

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhờ phát huy cao độ tinh thần yêu nước, tự lực, tự cường, nhân dân ta đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức làm nên phong trào Ðồng khởi vĩ đại và nhiều chiến công hiển hách khác. Tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc là sức mạnh vô địch không thế lực nào có thể ngăn nổi.

Ngày nay, để phát huy tinh thần yêu nước phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tự hào về truyền thống đánh giặc, giữ nước của ông cha ta cho các tầng lớp nhân dân; tuyệt đối trung thành với mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội mà Ðảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Kiên quyết bảo vệ đường lối, quan điểm, nền tảng tư tưởng của Ðảng; giữ vững sự lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước và toàn xã hội. Mỗi người dân, dù ở cương vị nào cũng đều phải thực hiện tốt nghĩa vụ và trách nhiệm công dân; có ý chí, niềm tin, khát vọng vươn lên để cùng tạo nên một cuộc “Ðồng khởi mới” trên tất cả các lĩnh vực, quyết tâm đưa nước ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, từng bước vươn lên sánh kịp với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là sự nghiệp của toàn dân. Do đó, phải phát huy mạnh mẽ sức mạnh của ý chí, nghị lực, sự năng động, sáng tạo của các tầng lớp nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để mọi người dân và doanh nghiệp không ngừng đổi mới, sáng tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Chú trọng công tác giáo dục - đào tạo, phát triển khoa học - công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đủ khả năng “đi tắt đón đầu” trong nghiên cứu, làm chủ và ứng dụng những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.

Thường xuyên chăm lo xây dựng mối quan hệ đoàn kết máu thịt giữa Ðảng với dân, quân với dân, đoàn kết rộng rãi tất cả các tầng lớp, giai cấp trong xã hội, các tôn giáo, các thành phần dân tộc, kiều bào ta ở nước ngoài. Ðặc biệt, phải coi trọng xây dựng, giữ gìn đoàn kết, thống nhất trong Ðảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của hệ thống tổ chức Ðảng. Ðảng phải thực sự là trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đủ năng lực và uy tín để định hướng, quy tụ, tập hợp, phát huy hết thảy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Cơ sở tạo nên đoàn kết bền vững, lâu dài là phải xây dựng đất nước vững mạnh toàn diện, lấy lợi ích quốc gia - dân tộc làm mẫu số chung; kết hợp hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội để mọi người dân đều được hưởng thành quả của công cuộc đổi mới, “không ai bị bỏ lại phía sau”. Ðảng và Nhà nước phải có chính sách tạo việc làm cho người lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân phát triển kinh tế, sản xuất. Thực hiện tốt xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo sức khỏe, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, nhất là người có công với cách mạng, đối tượng chính sách, người nghèo, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, căn cứ cách mạng… Ðồng thời, xây dựng, hoàn thiện và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm dân được biết, được nói, được bàn, được kiểm tra, giám sát.

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cùng với phát huy nội lực, tinh thần độc lập, tự chủ, tự cường, phải không ngừng tăng cường, củng cố đoàn kết quốc tế, làm cho ta thêm bạn, bớt thù, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ từ bên ngoài tạo nên sức mạnh tổng hợp để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trong quan hệ đối ngoại phải quán triệt phương châm “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, giữ vững nguyên tắc chiến lược; mềm dẻo, linh hoạt về sách lược; tích cực chuyển hóa đối tượng thành đối tác, gắn chặt lợi ích đối tác với lợi ích quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền đất nước.

Ba là, thường xuyên chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, ngày càng hiện đại đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Trong phong trào Ðồng khởi, nhờ phát huy nhân tố chính trị - tinh thần, biết động viên, tổ chức lực lượng, xây dựng được thế trận toàn dân đánh giặc; kết hợp chặt chẽ, linh hoạt giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, tiến công địch bằng ba mũi giáp công (chính trị, quân sự và binh vận),... quân và dân ta đã làm nên một kỳ tích lịch sử. Ngày nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều biến động phức tạp, khó lường; hình thái chiến tranh có sự thay đổi, phát triển mới. Ðể bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa, chúng ta phải chăm lo xây dựng nền quốc phòng toàn dân, toàn diện, ngày càng hiện đại, tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Trước hết, phải quán triệt quan điểm xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh là sự nghiệp cách mạng của toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó, Quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt. Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân trên tất cả các lĩnh vực quân sự, chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học và công nghệ, an ninh, đối ngoại, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại... Ðó là một nền quốc phòng mang tính toàn dân, toàn diện, do nhân dân tiến hành, đặt dưới sự lãnh đạo của Ðảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước, các cơ quan, ban, bộ, ngành làm tham mưu.

Trong xây dựng tiềm lực quốc phòng, an ninh, phải đặc biệt chú trọng công tác giáo dục quốc phòng, an ninh, xây dựng tiềm lực chính trị - tinh thần vững chắc làm cơ sở, nền tảng để xây dựng các tiềm lực khác. Theo đó, cần tập trung xây dựng Ðảng, Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh gắn với chăm lo đời sống của nhân dân, xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc, tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân đối với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Chủ động phòng chống và đấu tranh có hiệu quả với âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch.

(còn tiếp)

Nguyễn Thị Kim Ngân

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN