Quan hệ Nga-Mỹ tiếp tục căng thẳng trong năm 2019

30/12/2019 - 21:33

Một số "rạn nứt" thậm chí càng lớn hơn trong năm nay và không có dấu hiệu nào cho thấy sự hòa giải sớm khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 có thể sẽ làm gia tăng tình cảm tiêu cực tại Mỹ chống lại Nga.

(Nguồn: Reuters)

(Nguồn: Reuters)

Năm 2019 tiếp tục là năm căng thẳng trong quan hệ Nga-Mỹ trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong việc kiểm soát vũ khí, vấn đề Trung Đông, các nguồn cung năng lượng cho châu Âu.

Một số "rạn nứt" từ lâu thậm chí đã càng lớn hơn trong năm nay và không có dấu hiệu nào cho thấy sự hòa giải sớm khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 có thể sẽ làm gia tăng tình cảm tiêu cực tại Mỹ chống lại Nga.

Một vấn đề điển hình cho quan hệ đang ngày một xấu đi giữa hai nước trong năm qua là việc Mỹ và Nga rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một trong những "hòn đá tảng" của cơ chế kiểm soát vũ khí giữa hai cường quốc quân sự này.

Sau sự sụp đổ của INF, Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (START mới) là công cụ pháp lý cuối cùng hạn chế tiềm năng tên lửa hạt nhân của hai bên và cho phép khả năng dự báo trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.

Tuy nhiên, Hiệp ước START mới sẽ hết hiệu lực vào tháng 2-2021 và Washington vẫn chưa hồi đáp đề nghị của Moskva về việc gia hạn văn kiện này.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đầu tháng này cho biết Nga sẵn sàng thảo luận về các thỏa thuận kiểm soát vũ khí mới, nhưng trong khi chờ đợi, sẽ tiếp tục củng cố sức mạnh hạt nhân của mình để đảm bảo khả năng răn đe thích hợp.

Liên quan đến Trung Đông, năm 2019, Nga đã tiến hành 2 đợt chuyển giao trong khuôn khổ hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 tân tiến nhất của mình cho Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bất chấp sự phản đối mạnh mẽ của Mỹ.

Nga cũng đã đề xuất bán các máy bay chiến đấu S-35 cho Thổ Nhĩ Kỳ nếu Ankara muốn, sau khi Mỹ loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình máy bay chiến đấu F-35 do Ankara mua S-400.

Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tuần tra chung tại miền Bắc Syria sau một thỏa thuận đạt được hồi tháng 10, khi Ankara kết thúc chiến dịch tấn công gây tranh cãi nhằm vào các tay súng người Kurd (Cuốc) ở Syria.

Trong vấn đề hạt nhân Iran, Bộ Ngoại giao Nga hồi tháng 11 cho biết chính sách đối đầu của Mỹ với Iran là thiển cận và không mang tính xây dựng, và nguy cơ sụp đổ thỏa thuận hạt nhân Iran mang tên Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) sẽ là hậu quả của việc Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận này.

Đối với cuộc xung đột ở Syria, có một bất đồng lớn giữa Moskva và Washington trong cách giải quyết cuộc khủng hoảng này: chính sách của Mỹ là nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Nga tìm cách duy trì chế độ này và ngăn cản các nỗ lực của Mỹ.

Hiện có 2 vấn đề khác trong cuộc khủng hoảng Syria mà Mỹ và Nga đang bất đồng.

Một là làm cách nào để kết thúc cuộc xung đột. Mỹ mong muốn một giải pháp mà sẽ làm suy yếu vai trò của ông Assad trong tương lai của Syria trong khi Nga ủng hộ chế độ này.

Hai là về vị thế của người Kurd ở Syria trong tương lai. Mỹ mong muốn thúc đẩy bản sắc của người Kurd và sử dụng nó để gây sức ép khiến Chính phủ Syria đồng ý với giải pháp mà Mỹ muốn.

Mỹ muốn người Kurd duy trì các lãnh địa tự xưng của họ - ở Jazira, Kobani và Afrin - và để các khu vực do người Kurd nắm giữ phát triển theo hướng khu tự trị, như ở phía Bắc Iraq.

Trong dài hạn, Mỹ “khao khát” được thấy một khu vực người Kurd độc lập và có thể đóng góp cho an ninh của Israel. Trong khi đó, Nga cũng ủng hộ việc công nhận bản sắc của người Kurd trong lãnh thổ Syria. Điều này có thể được thực hiện qua hình thức chuyển giao quyền lực tại các khu tự trị mà người Kurd chiếm đa số.

Nga không có quan điểm chắc chắn về vấn đề này trong dài hạn và dường như để nó thay đổi theo các động lực trong tương lai.

Đầu tháng 12, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn đạo Luật Cấp phép quốc phòng cho tài khóa 2020, trong đó bao gồm các trừng phạt nhằm vào dự án đường ống mang tên Dòng chảy phương Bắc 2, vốn nhằm chuyển 55 tỷ m3 khí tự nhiên của Nga sang châu Âu mỗi năm thông qua biển Baltic.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích dự án này sẽ làm tăng sự phụ thuộc của châu Âu vào Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết các trừng phạt của Mỹ sẽ không ngăn cản việc thi công đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 và các trừng phạt này vi phạm luật quốc tế, và là bằng chứng của cạnh tranh không công bằng.

Nguồn: TTXVN/Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN