Quản lý có hiệu quả chất thải chăn nuôi

08/05/2019 - 07:26

BDK - Qua 5 năm triển khai thực hiện, Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp đã hỗ trợ kỹ thuật và tài chính cho các hộ nông dân xây dựng và lắp đặt 5.603 công trình dự án khí sinh học quy mô nhỏ và vừa. Cùng với đó là các mô hình xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất phân hữu cơ từ chất thải chăn nuôi đã được dự án triển khai, góp phần giúp hộ nông dân quản lý tốt chất thải chăn nuôi, giữ gìn vệ sinh môi trường, sử dụng hiệu quả chất thải trong chăn nuôi phục vụ trồng trọt.

Nông dân Mỏ Cày Bắc tham quan hệ thống tưới tự động tận dụng phụ phẩm khí sinh học.

Nông dân Mỏ Cày Bắc tham quan hệ thống tưới tự động tận dụng phụ phẩm khí sinh học.

Đảm bảo vệ sinh môi trường

Đến tham quan, học tập kinh nghiệm quản lý chất thải chăn nuôi tại hộ ông Trần Văn Thi ở ấp Chợ Cũ, xã Thạnh Ngãi, huyện Mỏ Cày Bắc, ông Võ Văn Ri, nông dân ở ấp Tân Lợi, xã Khánh Thạnh Tân hồ hởi cho biết: “Tận mắt nhìn thấy hệ thống giàn phun nước thải để tưới cho vườn bưởi ở đây, tôi thấy rất hay và hiệu quả. Áp dụng mô hình khí sinh học trong chăn nuôi rất có lợi cho người nông dân. Trước hết là đảm bảo vệ sinh môi trường, kế nữa là mình có khí ga để sử dụng trong gia đình, đỡ một phần chi phí sinh hoạt”.

Gia đình ông Trần Văn Thi - chủ hộ điểm tham quan làm nghề chăn nuôi heo đã gần 20 năm. Năm 2017, khi bắt đầu phát triển đàn heo nhiều hơn, ông tham gia Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp để được hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật xây dựng hầm biogas quy mô 16m3. Hàng ngày, nước thải chuồng nuôi được dội xuống hầm biogas. Ông đều đặn xịt thuốc sát trùng, rải vôi bột để đảm bảo vệ sinh hàng tuần. Ông Thi cho biết: “Tôi thấy tính hiệu quả của mô hình rất rõ, nhà tôi chăn nuôi nhiều nhưng quản lý kỹ chất thải nên không gây mùi hôi, không làm ảnh hưởng tới môi trường xung quanh”.

Ngoài nuôi heo, hiệu quả về môi trường của các mô hình khí sinh học do Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp thực hiện đã được ghi nhận ở một trong những vùng chăn nuôi bò lớn của tỉnh như Ba Tri. Điển hình như hộ gia đình ông Mạc Văn Hoàng ở ấp An Bình 2, xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri chăn nuôi 7 con bò, nhờ sử dụng hầm biogas, chất thải chuồng trại được xử lý sạch sẽ, không gây ô nhiễm môi trường. Hay hộ bà Huỳnh Thị Nhịn, cũng ở ấp An Bình 2, xã An Hòa Tây, huyện Ba Tri, lắp đặt hệ thống khí sinh học để xử lý chất thải cho chuồng nuôi gồm 10 con bò và gần 10 con dê cũng mang lại hiệu quả hết sức rõ ràng.

Xử lý tốt chất thải chăn nuôi

Các mô hình mà Dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp triển khai không chỉ giúp các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh xử lý có hiệu quả chất thải chăn nuôi mà còn đem lại nhiều giá trị khác cho ngành nông nghiệp và đời sống của người nông dân. Các hộ chăn nuôi thường áp dụng và kết hợp đồng thời chăn nuôi với trồng cây ăn trái. Cụ thể như tại gia đình ông Trần Văn Thi đã lắp đặt hệ thống tự động bơm phần nước xả để tưới cho vườn bưởi, cam gần 5 công đất. Hay ông Mạc Văn Hoàng, bà Huỳnh Thị Nhịn cũng sử dụng bã cặn và váng của bể khí sinh học để ủ phân hữu cơ bón cho vườn rau.

Phụ phẩm khí sinh học được tận dụng triệt để làm phân hữu cơ để bón cho vườn cây ăn trái đã thay thế một lượng phân bón hóa học lớn, không chỉ giảm chi phí phân bón mà còn góp phần hạn chế sự suy giảm chất dinh dưỡng của đất trồng. Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Mỏ Cày Bắc Nguyễn Vũ Phương nhận xét: “Theo như các hộ nông dân cho biết, nhờ sử dụng các phụ phẩm khí sinh học cũng như cách xử lý phân chuồng thành phân hữu cơ đã giúp cho họ giảm từ 25 - 35% chi phí phân bón cho cây trồng”.

Bên cạnh đó, trong sinh hoạt hàng ngày, khí ga dùng đun nấu đã góp phần giảm một phần chi phí sinh hoạt. Như hộ ông Trần Văn Thi không chỉ đủ lượng khí ga dùng cho gia đình, ông Thi còn chia sẻ nguồn khí ga này cho 4 hộ láng giềng gần nhà cùng sử dụng.

Ông Nguyễn Vũ Phương - Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Mỏ Cày Bắc nhận xét: “Bà con nông dân ngày càng tin tưởng vào hiệu quả của các mô hình. Đây cũng là giải pháp hiệu quả giúp địa phương thực hiện thành công tiêu chí số 17 về môi trường trong xây dựng nông thôn mới”.

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN