Quyền thay đổi họ cho con

20/05/2019 - 07:02

Bà Nguyễn Thị Luyến (Giồng Trôm) có nhu cầu tư vấn: Tôi cùng chồng kết hôn năm 2010. Chúng tôi có một con gái được 2 tuổi. Gần đây, cuộc sống vợ chồng tôi không được hạnh phúc và tôi muốn ly hôn với chồng.

Xin hỏi: Khi ly hôn chồng, tôi không muốn ông ấy cấp dưỡng nuôi con, vì tôi đủ điều kiện để nuôi con. Tôi muốn đổi họ của con từ họ cha sang họ mẹ được không? Nếu được, thủ tục gồm những gì?

Thắc mắc của bà được luật sư Lê Vũ Hồng Huệ (Đoàn Luật sư Bến Tre) tư vấn như sau:

- Theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 27 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định thì: “1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ trong trường hợp sau đây:

 a) Thay đổi họ cho con đẻ từ họ của cha đẻ sang họ của mẹ đẻ hoặc ngược lại”.

Đây là quyền nhân thân về việc thay đổi họ của cá nhân. Việc này không làm thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự được xác lập theo họ cũ.

Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 7 Nghị định số123/2015/NĐ-CP ngày 15-11-2015 của Chính phủ, quy định về điều kiện thay đổi, cải chính hộ tịch như sau:

“1. Việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 của Luật Hộ tịch phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong tờ khai; đối với người từ đủ 9 tuổi trở lên thi còn phải có sự đồng ý của người đó.

2. Cải chính hộ tịch theo quy định của Luật Hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch”.

Mặt khác, theo quy định tại Điều 28 Luật Hộ tịch về trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết:

“ 1. Người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy tờ liên quan cho cơ quan đăng ký hộ tịch.

2. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 điều này, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch UBND cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

 Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn.

Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 3 ngày làm việc.

3. Trường hợp đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch không phải tại nơi đăng ký hộ tịch trước đây thì UBND cấp xã phải thông báo bằng văn bản kèm theo bản sao trích lục hộ tịch đến UBND nơi đăng ký hộ tịch trước đây để ghi vào sổ hộ tịch”.

Trường hợp của bà, bà có quyền yêu cầu thay đổi họ cho con từ họ cha sang họ mẹ theo quy định. Tuy nhiên, việc thay đổi phải có sự đồng ý của chồng bà, việc đồng ý phải được thể hiện rõ trong tờ khai. Do đó, muốn thay đổi từ họ cha sang họ mẹ thì bà cần có sự đồng ý của chồng bà bằng văn bản.

Về thủ tục, bà cần chuẩn bị 1 bộ hồ sơ bao gồm:

+ Tờ khai theo mẫu quy định trong đó cần phải thể hiện rõ sự đồng ý chồng bà và đơn yêu cầu của bà (trường hợp của bà, ý kiến của chồng bà là điều kiện bắt buộc).

+ Bản chính giấy khai sinh của con bà.

+ Một số giấy tờ liên quan khác như: chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu...

Bà có thể liên hệ với xã, phường (nơi đăng ký khai sinh ban đầu cho con) để được hướng dẫn cụ thể.

H.Trâm (thực hiện)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN