Rà soát, sắp xếp các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách

13/08/2019 - 21:17

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng đoàn Giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Trưởng đoàn Giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày báo cáo. Ảnh: Văn Điệp/TTXVN

Tiếp tục Phiên họp thứ 36, chiều 13-8-2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách nhà nước giai đoạn 2013-2018”.

Hiệu quả hoạt động chưa cao

Trình bày Báo cáo giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ trong giai đoạn vừa qua, việc thành lập, hoạt động của các quỹ đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu đề ra, huy động thêm nguồn lực tài chính thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả nước nói chung và từng địa phương nói riêng, giảm bớt gánh nặng cho ngân sách nhà nước.

Thông qua các hoạt động đầu tư trên thị trường tài chính, tiền tệ của một số quỹ đã góp phần đa dạng các hoạt động tài chính của nhà nước, thúc đẩy sự phát triển của các thị trường này.

Tuy nhiên, Báo cáo của Đoàn Giám sát cũng nêu ra nhiều tồn tại, hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.

Cụ thể, chưa có các cơ quan ở Trung ương và địa phương được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Nguồn tài chính hình thành các quỹ này còn nhiều bất cập, chưa đảm bảo hoạt động độc lập với ngân sách.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của các quỹ này còn trùng lặp, hiệu quả hoạt động chưa cao. Đặc biệt, dư nguồn tại nhiều quỹ ở Trung ương và địa phương còn lớn do hoạt động chưa hiệu quả hoặc chưa đúng với chức năng nhiệm vụ. Việc này gây lãng phí nguồn lực tài chính rất lớn.

Từ những bất cập này, Đoàn Giám sát kiến nghị Quốc hội nghiên cứu ban hành Nghị quyết về tăng cường quản lý, sử dụng các quỹ tài chính ngoài ngân sách đồng thời, bãi bỏ một số quỹ không cần thiết, hoạt động không hiệu quả hoặc không triển khai được trong thực tiễn quy định tại các Luật.

Chính phủ xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện việc rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các quỹ tài chính ngoài ngân sách, thực hiện cơ cấu lại, sáp nhập, dừng hoạt động hoặc giải thể đối với các quỹ hoạt động không hiệu quả, không đúng mục tiêu đề ra hoặc không còn phù hợp với tình hình kinh tế xã hội, trùng lặp về mục tiêu, nhiệm vụ, đối tượng phục vụ; không có khả năng độc lập về tài chính, trùng lặp nguồn thu, nhiệm vụ chi với ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, Đoàn Giám sát đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để bãi bỏ ngay một số quỹ, cụ thể Quỹ bảo trì đường bộ ở Trung ương, Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, Quỹ Hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS, Quỹ hỗ trợ các hoạt động ngoại giao phục vụ kinh tế và Quỹ hỗ trợ vận động cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước, Quỹ phòng chống thiên tai.

Ngoài ra, Đoàn Giám sát đề nghị nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền để xác định rõ lộ trình bãi bỏ đối với một số quỹ như Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.

Kiên quyết không thành lập quỹ mới

Thảo luận tại phiên họp, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận Đoàn Giám sát đã làm việc rất nghiêm túc, báo cáo có địa chỉ rõ ràng, đánh giá và kiến nghị thẳng thắn. Báo cáo đã cho thấy bức tranh tổng thể về tình hình hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, những mặt được và chưa được.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga nhấn mạnh, vấn đề có bao nhiêu quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách đang hoạt động, vì sao cứ mỗi luật lại sinh ra một quỹ đã được các đại biểu Quốc hội nói nhiều từ những kỳ họp trước. Vì thế, việc lựa chọn chuyên đề giám sát này là thực sự cần thiết, đáp ứng nguyện vọng, tâm tư của các đại biểu Quốc hội và cử tri.

Theo bà Lê Thị Nga, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 có định nghĩa về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách là do cơ quan có thẩm quyền thành lập, độc lập với ngân sách nhà nước, nguồn thu và nhiệm vụ chi thực hiện theo quy định của pháp luật. “Quy định này chỉ rõ ở một điểm là 'độc lập với ngân sách nhà nước' còn những vấn đề điều chỉnh quỹ vẫn rất chung chung, không rõ thẩm quyền. Vẫn còn thiếu hành lang pháp lý về quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước,” bà Nga phân tích.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cơ sở pháp lý thành lập các quỹ rất khác nhau. Có quỹ được thành lập theo Luật, có quỹ hình thành do Nghị định của Chính phủ hoặc Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thậm chí có quỹ được thành lập do thông tư của bộ hoặc quy chế của một hiệp hội, liên hiệp hội…

Báo cáo giám sát đã thống kê có tới hơn 100 văn bản quy phạm pháp luật cho phép thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ của các quỹ này. “Điều đó cho thấy hệ thống pháp luật về hình thành, quản lý, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách phức tạp, chưa thống nhất, thiếu minh bạch, không phù hợp với yêu cầu quản lý thực tiễn,” Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đồng thời đề nghị phải chấn chỉnh tình trạng này.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định, việc thu, chi của các quỹ tài chính ngoài ngân sách chưa hiệu quả. Mục đích thành lập các quỹ này là dùng vốn ngân sách làm “vốn mồi,” từ đó huy động các nguồn lực xã hội.

Tuy nhiên, theo báo cáo của Đoàn Giám sát, việc huy động, thu hút các nguồn lực này rất hạn chế. Trong khi đó, công tác chi còn nhiều bất cập. Một số quỹ có các nội dung chi thực hiện nhiệm vụ không hợp lý, quá chú trọng vào các mục chi cho hoạt động truyền thông, quảng cáo, tổ chức bộ máy... Có quỹ chi không hết còn gửi các ngân hàng thương mại. “Cần chấn chỉnh tình trạng này,” ông Thanh đề nghị.

Kết luận phiên làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết giám sát để tăng cường quản lý các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; giao cho Chính phủ trên cơ sở Báo cáo Giám sát tiến hành rà soát lại tất cả các quỹ, đánh giá tác động hiệu quả của từng quỹ để sáp nhập, sắp xếp lại các quỹ thuộc thẩm quyền của Quốc hội, bộ, ngành địa phương.

Đồng thời, kiên quyết loại bỏ các quỹ không hoạt động hoặc hoạt động kém hiệu quả, không thành lập các quỹ mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra giám sát các quỹ và xử lý nghiêm các sai phạm.

Nguồn: Vietnam+

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

Liên kết hữu ích