Rối loạn tâm thần do ma túy

15/08/2018 - 07:49

Ở Việt Nam, lưu hành sử dụng ma túy có lịch sử lâu dài. Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến hết năm 2017, trên cả nước, số người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý là 222.582 người, tăng hơn 3 lần so với năm 1994 với mức tăng xấp xỉ 6 ngàn người nghiện mỗi năm. Nghiện ma túy có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho bản thân người nghiện, gia đình và xã hội. Vì thế việc quản lý và điều trị những người nghiện ma túy hiện nay là một trong những vấn đề quan trọng và hết sức cấp thiết.

Hoạt động vì cộng đồng giúp các bạn trẻ rèn luyện, trưởng thành.  Ảnh: H. Linh

Hoạt động vì cộng đồng giúp các bạn trẻ rèn luyện, trưởng thành.  Ảnh: H. Linh

Nghiện ma túy

Bằng những chứng cứ xác thực từ những nghiên cứu mới nhất, hiện nay, nghiện được thừa nhận là một bệnh mạn tính, thường tái diễn, là nguyên nhân gây ra xung động tìm kiếm và sử dụng ma túy cho dù biết hậu quả tổn hại cho bản thân và cho người ngoài. Mặc dù quyết định dùng ma túy đầu tiên ở đa số người nghiện là tự nguyện nhưng sự thay đổi của não bộ xảy ra theo thời gian, thách thức người nghiện tự kiểm soát và cản trở khả năng kháng cự lại xung động tìm kiếm và sử dụng ma túy.

Tương tự như những bệnh mạn tính khác, nghiện ma túy là căn bệnh tái diễn. Nhưng cũng như bệnh tiểu đường, hen suyễn hay bệnh tim mạch, nghiện ma túy có thể chữa hết nghiện thành công. Cũng giống như những căn bệnh mạn tính khác, không có gì lạ khi một người nghiện tái diễn hút chích trở lại. Tuy nhiên, tái diễn hút chích không phải là dấu hiệu điều trị nghiện thất bại, mà đúng hơn là còn chỉ ra cho chúng ta cần thiết lập trị liệu lại và hoặc bổ sung hoặc thay đổi cần thiết trong điều trị giúp cho bệnh nhân lấy lại khả năng kiểm soát bản thân và hồi phục.

Không yếu tố nào có thể tiên đoán người nào có thể bị nghiện ma túy. Nguy cơ nghiện tác động bởi sự kết hợp các yếu tố như sinh học, môi trường xã hội, tuổi tác hay quá trình trưởng thành của người nghiện.

Biểu hiện lâm sàng

Có một biểu hiện chung ở những người nghiện ma túy và các chất gây nghiện khác, đó là xuất hiện “hội chứng cai” hay là hội chứng thiếu, đói thuốc rất dễ nhận biết. Hội chứng này xuất hiện khi vì bất kỳ lý do nào đó ngưng sử dụng ma túy mà trước đó đã sử dụng số lượng nhiều hay trong thời gian kéo dài như: tù tội bị giam giữ, phải nhập viện, không có khả năng mua thuốc… Có ít nhất 3 trong các biểu hiện sau đây sau khi ngưng sử dụng ma túy (thông thường thì sau cữ dùng liều cuối cùng 8 - 12 giờ, người nghiện bắt đầu có thèm khát bắt buộc phải sử dụng lại ma túy). Đó là: cảm xúc không ổn định (lo lắng, bất an, buồn bã, cáu gắt, giận dữ….); đau nhức cơ; nôn - buồn nôn; cảm giác dòi bò trong xương; rối loạn thần kinh thực vật (sốt cao, vã mồ hôi, trụy tim mạch có thể tử vong); nổi da gà, giãn đồng tử; rối loạn tâm thần (như: mê sảng, kích động hành vi, vùng vẫy, la hét, tự sát…); chảy nước mắt; tiêu chảy; ngáp rất nhiều, liên tục.

Việc nhận diện người nghiện ma túy không khó: tiều tụy, dơ bẩn, da sạm đen, sún răng, nhiều hình xăm quái dị, hành vi đáng ngờ, mắt lấm lét, láo liên… Nhưng trong thời gian đầu và có đủ thuốc thì rất khó nhận biết.

Cai nghiện ma túy

Có 2 việc cần phải giải quyết. Thứ nhất là nhanh chóng đưa người nghiện ra khỏi hội chứng cai. Vì đây là giai đoạn khổ sở nhất của người nghiện do các triệu chứng liều thuốc mang lại. Sự đau đớn về thể xác và tinh thần mãnh liệt đến mức người nghiện có thể làm bất cứ điều gì để có thuốc. Tốt nhất là nên đưa người nghiện đến cơ sở điều trị cai nghiện nhà nước có đầy đủ phương tiện giúp người nghiện nhanh chóng cắt được cơn. Thứ hai là vấn đề hậu cai (là giai đoạn điều trị tiếp theo sau khi cắt cơn để phòng ngừa tái phát). Cần nhớ nghiện ma túy là dạng bệnh đặc biệt. Nhu cầu được chữa trị (tự nguyện) luôn luôn bị sự thôi thúc thèm muốn mãnh liệt dùng lại ma túy. Bởi lẽ ngoài sự lệ thuộc thuốc, người nghiện còn có sự lệ thuộc về tâm lý. Mặt khác hơn 90% người nghiện tái nghiện là do chưa được giải quyết đúng mức ở giai đoạn hậu cai này.

Vấn đề này là một công việc rất lớn, rất phức tạp, cần thiết phải điều trị lâu dài, có sự hợp tác giữa người bệnh và thầy thuốc, với sự hỗ trợ của gia đình và xã hội. Việc từ bỏ ma túy hẳn là cực kỳ khó khăn đòi hỏi nhiều nỗ lực của cá nhân người nghiện, sự động viên, nâng đỡ, an ủi, tạo việc làm của gia đình và xã hội sẽ tạo điều kiện cho người nghiện ma túy vượt qua chính mình để tái hòa nhập cộng đồng. Việc lập các tổ chức, các hội, các nhóm giúp đỡ người nghiện ma túy như nhóm đồng đẳng, hội bạn giúp bạn trong điều trị hậu cai nghiện ma túy là điều cần thiết được thực hiện dưới sự hướng dẫn của các nhà chuyên môn.

Như vậy chúng ta có thể thấy rằng, ma túy và tác hại của ma túy đến bản thân người nghiện, gia đình và xã hội là hết sức to lớn. Tuy nhiên, nghiện ma túy có thể điều trị và phòng ngừa nếu có những biện pháp hợp lý cho người nghiện và những đối tượng có khả năng nghiện cao (thanh thiếu niên, những người bị lạm dụng, bạo hành, đối tượng mại dâm…). Cần phát huy các hoạt động truyền thông phòng chống ma túy, nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ma túy và giúp đỡ những người bị lệ thuộc vào ma túy. Trong đó, nền tảng gia đình đóng một vai trò quan trọng không thể thiếu được trong xây dựng nhân cách các thành viên trong gia đình vững mạnh, hài hòa đủ sức chống đỡ các biến cố trong cuộc sống muôn màu, phức tạp.

BS.CK1 Đỗ Duy Đạt (Bệnh viện Tâm thần Bến Tre)

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN