Tấm lòng ông Ba Trí

14/09/2020 - 11:46

BDK.VN - Ở xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, người dân rất quý trọng ông Lê Minh Trí bởi ông tận tình vận động giúp người nghèo, cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam. Có nhiều trường hợp ông dùng tiền của mình giúp người nghèo sửa nhà, mua thuốc chữa bệnh, gạo ăn lúc khó khăn.

Ông Ba Trí (bìa phải) thăm và tặng quà cho cháu Hà Thanh Liêm, nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam ở ấp Đại Thôn, xã Thạnh Phong.         

Ông Ba Trí (bìa phải) thăm và tặng quà cho cháu Hà Thanh Liêm, nạn nhân bị ảnh hưởng chất độc da cam ở ấp Đại Thôn, xã Thạnh Phong.

Về hưu từ Quân khu 9 với cấp hàm Đại tá, thay vì nghỉ ngơi, nhưng ông Lê Minh Trí (thường gọi ông Ba Trí) lại luôn trăn trở khi biết quê hương mình sau hơn 40 năm chiến tranh kết thúc, xã Thạnh Phong có nhiều gia đình thương binh, liệt sĩ, cựu chiến binh, nạn nhân chất độc da cam, người dân còn vất vả bươn chải mưu sinh.

Thạnh Phong là nơi có Di tích lịch sử - Đầu cầu tiếp nhận vũ khí Bắc - Nam. Sau chiến tranh, Thạnh  phong có 236 liệt sĩ, 104 thương binh, 48 mẹ Việt Nam anh hùng, 45 nạn nhân chất độc da cam, nhiều gia đình cha mẹ là thế hệ sinh sau năm 1975 mà con cái họ vẫn mắc phải dị tật do chất độc này: thiểu năng trí tuệ, chân tay co quắp. Như trường hợp em Phạm Thị Tường Lam, 8 tuổi, ấp Thạnh Hòa và em Hà Thanh Liêm, 20 tuổi, ấp Đại Thôn. Cả hai đều thiểu năng trí tuệ, chân tay co quắp. Cha mẹ của hai em đều sinh ra và lớn lên ở vùng đất này sau năm 1975. Một trường hợp khác là em Nguyễn Dạ Như Thảo, ấp Thạnh Hòa, 9 tuổi nhưng thân hình như em bé 1 tuổi, bàn tay, chân cong quẹo. Cha mẹ em sinh trưởng ở xã Thạnh Phong, gia đình có hai con, một em bị di chứng chất độc da cam.

Di chứng chất độc da cam còn có ở chứng thiểu năng trí tuệ nhiều trường hợp như: em Võ Thị Yến Thư ở ấp Thạnh Lộc và em Trịnh Thị Lý ở ấp Giồng Dài...

Về quê Thạnh Phong nghỉ hưu, ông Ba Trí nhận làm Bí thư Chi bộ ấp, rồi Chủ tịch Hội Cựu chiến binh kiêm luôn Chi hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo, người tàn tật và trẻ mồ côi và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em (làm việc không lương).

Cùng lúc 3 nhiệm vụ, với tâm nguyện làm điều gì đó xoa dịu nỗi đau da cam, giúp đỡ cho người nghèo, ông Ba Trí đã không quản ngại khó khăn lặn lội đến gặp các đồng đội cũ, bạn bè, con cháu ở nhiều tỉnh thành, các doanh nghiệp quen biết để vận động kinh phí, giới thiệu những hoàn cảnh nghèo, nạn nhân chất độc da cam đang cần được giúp đỡ.

Mỗi năm, ông vận động được từ 5 - 7 căn nhà đồng đội, nhà tình nghĩa và nhà tình thương cho người nghèo. Có năm, ông vận động được hơn 10 căn nhà.  Từ khi nghỉ hưu (năm 2012) đến nay, ông vận động được 75 căn nhà, với tổng số tiền trên 3 tỷ đồng. Có những gia đình nghèo cần sửa gấp nhà để ở, nhưng chưa vận động được kinh phí, ông lấy tiền lương hưu của mình để mua xi-măng và đòn tay.

Ngoài nhà ở, ông còn vận động những đồng đội cũ, doanh nghiệp hỗ trợ trên 2.000 suất quà cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam, tổng giá trị trên 500 triệu đồng; 180 suất học bổng cho học sinh là con em gia đình nghèo vượt khó học giỏi, tổng giá trị 120,5 triệu đồng; tặng tập vở và xe đạp cho học sinh nghèo với tổng giá trị 82,5 triệu đồng.

Ông Ba Trí còn tích cực vận động làm đường giao thông nông thôn ở các ấp mà người dân chưa thể làm được, góp phần hoàn thành 3,5km đường bê-tông; trong đó, có những con đường ông xin được xi-măng, người dân góp tiền mua cát, đá và có những con đường ông xin được trọn gói, người dân chỉ đóng góp ngày công.

Đối với gia đình nạn nhân chất độc da cam/dioxin, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, ông tích cực vận động kinh phí xây nhà. Qua vận động của ông, hàng tháng, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em xã  Thạnh Phong giúp cho 3 gia đình nạn nhân chất độc da cam, mỗi gia đình 10kg gạo. Trường hợp có 3 em học sinh ở ấp Thạnh Hòa, cha mẹ mất, 2 em nghỉ học, ông vận động nhà tài trợ xây nhà tình thương và vận động 1 suất học bổng 500 ngàn đồng/tháng trong các năm học còn lại (từ lớp 7 - 12) cho em Trần Hữu Dự.

Nói về ông Ba Trí, Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Phong Trương Thanh Hải, nhận xét: Ông Lê Minh Trí là người đã có nhiều cống hiến trong chiến tranh. Sau khi về hưu, ông lại tiếp tục cống hiến cho công tác an sinh xã hội ở địa phương, giúp hộ nghèo phát triển vươn lên trong cuộc sống, xoa dịu phần nào nỗi đau cho các gia đình nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em xã Thạnh Phong là đơn vị nổi trội nhất huyện. Ông Lê Minh Trí - Chủ tịch hội không chỉ vận động mạnh thường quân, tổ chức từ thiện, doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh giúp xã nhà mà còn vận động giúp nạn nhân chất độc da cam, người có hoàn cảnh khó khăn ở các xã lân cận. Ông được huyện, tỉnh tặng nhiều giấy khen, bằng khen.

                                      Bài, ảnh: Kim Hải

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN