Tằm mãi vương tơ

21/09/2018 - 08:00

Trong bảo tồn nghệ thuật truyền thống cải lương, hát bội, Bến Tre đã có nhiều thế hệ những người dành cả tâm huyết để hướng đến cái hay nhất, chất lượng nhất trong nghệ thuật. Không chỉ là đam mê, mà họ đã miệt mài lao động nghệ thuật và luôn nghĩ về nghệ thuật, ngay cả khi họ không còn trẻ nữa… Nhân kỷ niệm Ngày sân khấu Việt Nam (12-8 âm lịch), xin trân trọng giới thiệu nội dung cuộc trò chuyện với một số nghệ sĩ hưu trí về “nghề” và “nghiệp” của người làm nghệ thuật “không tuổi”.

Một buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre.

Một buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật cải lương Bến Tre.

Nối tiếp Các thế hệ

Như cuộc hẹn, chúng tôi tìm về xã An Điền (Thạnh Phú) - nơi nghệ sĩ Phương Linh - nguyên Trưởng đoàn Nghệ thuật cải lương (NTCL) Bến Tre và người bạn đời đã chọn làm nơi an dưỡng sau ngày hưu trí (2015). Và… một sân khấu nhỏ bằng bê-tông được xây dựng ngay tại khu vực nhà như một “điểm nhấn đặc biệt” thu hút ngay sự tò mò của chúng tôi. Ông hiểu ý, vui vẻ cho biết: “À, cái sân khấu này là để dành cho anh em nghệ sĩ của đoàn về chơi rồi sinh hoạt ca hát cho vui mà, với lại, mỗi khi đoàn  xuống đây diễn thì anh em ghé đây ăn uống, vui chơi luôn thể”.

Theo dòng hồi ức, ông kể chúng tôi nghe những giai đoạn đáng nhớ của Đoàn Nghệ thuật tỉnh nhà. Đó là khi nói đến Đoàn NTCL Bến Tre thì không thể quên tiền thân của đoàn là Đoàn Văn công Giải phóng Bến Tre (bao gồm ca múa và cải lương) hình thành trong thời chiến chống Mỹ cứu nước, đến tháng 8-1978, tên bảng hiệu của Đoàn NTCL Bến Tre mới ra đời và duy trì đến nay (40 năm). Từ ấy đến những năm đầu thập niên 80, tuy điều kiện vật chất vô cùng thiếu thốn nhưng đội ngũ nghệ sĩ vẫn hát bằng cả cái tâm yêu nghề, được khán giả nồng nhiệt đón nhận, và đây được xem là giai đoạn “vàng son” của đoàn.

Giai đoạn ấy, đoàn đã dựng một số vở có tầm cỡ và tạo được tiếng vang rất lớn khi đi lưu diễn phục vụ khán giả từ Nam ra Bắc; có những vở nổi tiếng được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói TP. Hồ Chí Minh thu âm phát sóng, đến tận hôm nay thỉnh thoảng vẫn còn phát lại. Đó là vở Cây dừa đỏ, Cánh én mùa xuân, Quê hương và mẹ, Tuổi thơ lưu lạc, Mùa chim lá rụng… Đây là những vở đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng nhiều khán giả, đồng thời đã đạt nhiều huy chương vàng, huy chương bạc tại các liên hoan, hội diễn cấp toàn quốc. Trong đó, có một dấu mốc lịch sử đáng tự hào là đoàn đã được diễn phục vụ tại Đại hội lần thứ V của Đảng với vở Cây dừa đỏ của soạn giả Lê Huỳnh. Điểm nổi bật của các thế hệ ngày ấy là cả tập thể từ quản lý đoàn đến diễn viên, hậu đài… luôn đoàn kết, chia sẻ, tương trợ và luôn hết lòng vì nghệ thuật.

Về sau, theo xu thế hội nhập, phát triển, hình thức nghe nhìn giải trí phong phú hơn, dân trí, trình độ và điều kiện thưởng thức nghệ thuật cũng nâng cao, nghệ thuật cải lương trên toàn quốc đứng trước những thách thức để tồn tại. Thế nhưng, điều đáng tự hào và trân quý là trong điều kiện khó khăn, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, những người tâm huyết với nghệ thuật truyền thống đã dốc sức bảo vệ, lưu giữ, đầu tư đoàn để đoàn hoạt động đến nay, luôn quan tâm, kịp thời động viên tinh thần, “tiếp lửa” cho anh em nghệ sĩ của đoàn. “Hiện nay, đoàn đang có một lực lượng trẻ với những điều kiện nhiều thuận lợi để phát huy tài năng, tôi cũng như nhiều người làm nghệ thuật của tỉnh đặt nhiều kỳ vọng ở các em sẽ tiếp tục kế thừa những thành quả tốt đẹp mà các thế hệ đi trước đã làm được. Hãy năng động, đổi mới phương thức hoạt động trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là luôn giữ lửa với nghề và hết mình cống hiến cho nghề để không phụ lòng các anh, các chú lãnh đạo tiền bối và đương nhiệm” - nghệ sĩ Phương Linh bày tỏ.

Bởi trót “nặng nợ” với nghệ thuật cải lương, nên dù hưu trí nhưng tâm ông lúc nào cũng dõi theo đoàn để cổ vũ, động viên và chia sẻ với anh em của đoàn. Ông cũng nhận lời làm giám khảo cho nhiều cuộc thi, hội diễn nghệ thuật ở nhiều đơn vị, ban, ngành, các huyện trong tỉnh. Và hầu như năm nào ông cũng dành thời gian tham dự kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam để gặp gỡ anh em nghệ sĩ, cùng ôn lại quá trình hoạt động nghệ thuật của các thế hệ tiền bối và đương thời.

Được hát là niềm vui

Có dịp dự xem một buổi biểu diễn hát bội tại Nhà Văn hóa Người cao tuổi trong tháng 8 vừa qua, điểm thu hút chúng tôi là chất giọng sang sảng khí thế rất đặc trưng của nghệ sĩ tuồng hát bội, mà thật sự chúng tôi không nghĩ những nghệ sĩ ấy hiện tuổi đã ngoài 60, trong đó có nghệ sĩ Lâm Tiến - Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Hát bội truyền thống - Nhà Văn hóa Người cao tuổi.

Được sinh ra và lớn lên trong gia đình theo nghệ thuật, nghệ sĩ Lâm Tiến đã đi theo niềm đam mê nghệ thuật truyền thống gần như suốt cả đường đời của mình. Ông từng là Trưởng đoàn Cải lương tuồng cổ Hàm Luông trong những thập niên 80 (đoàn tư nhân, hoạt động cùng thời với Đoàn NTCL Bến Tre), không chỉ là “ông bầu” mà ông còn là nghệ sĩ biểu diễn cả cải lương và hát bội. Về sau, khi đoàn ngừng hoạt động, ông vẫn không thể ngừng hát, vì nghề, vì nghiệp trót đã vương mang, ông tiếp tục solo tham gia biểu diễn hát bội tại các hoạt động lễ cúng đình, cúng miễu. Đến năm 2007, CLB Hát bội truyền thống ra đời, ông được bầu vào vai trò Chủ nhiệm. 

CLB hiện có hơn 30 hội viên, duy trì hoạt động từ đó đến nay với hàng trăm suất diễn hát bội phục vụ bà con khắp nơi trong tỉnh và diễn giao lưu với nhiều tỉnh bạn. Với sự nhiệt tình, luôn “máu lửa” với nghệ thuật hát bội, ông đã truyền cảm hứng và gắn kết những người cùng đam mê trong CLB. Điều đặc biệt là khi ông kể về những vai diễn của mình, ông đã kể thật say sưa và tỉ mỉ. “Có khi trong người có đau bệnh, nhức mỏi chân tay, vậy mà hễ lên sân khấu diễn là tự nhiên cái đau đó biến mất, không cảm nhận đau nhức gì cả, chỉ nhớ vai diễn và sống hết mình với vai diễn của mình thôi” - nghệ sĩ Lâm Tiến chia sẻ.

Nghĩ về nghề, ông có đôi điều trăn trở. Bởi theo ông, nghệ thuật hát bội được duy trì theo dạng cha truyền con nối nên việc tìm kiếm đội ngũ kế thừa là điều khó trong tình hình hiện nay. Riêng gia đình ông, ngoài ông bám trụ với nghề theo hình thức biểu diễn của CLB, còn có 3 người con trai và 1 người con dâu hiện đang hoạt động tại Đoàn NTCL Bến Tre. Với truyền thống gia đình làm nghệ thuật, gia đình ông đã thành lập khánh thờ tổ nghiệp tại tư gia và hàng năm đều làm lễ cúng nghiêm trang, tươm tất vào ngày giỗ tổ. Ông nói, đó là sự tri ân nguồn cội tổ nghiệp, nhắc nhở con cháu gia đình luôn trau dồi mọi mặt, cố gắng cống hiến hết mình cho nghệ thuật truyền thống quê hương.

Nghệ sĩ chân chính là vậy, họ luôn sống hết mình với nghệ thuật, mọi lý do từ hoàn cảnh, tuổi tác, thời gian, không gian… đều không thể ngăn cản được tình yêu dành cho nghệ thuật.

Bài, ảnh: Ánh Nguyệt

 

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN