Tăng thu nhập cho phụ nữ nông thôn từ nghề may gia công

03/08/2018 - 07:30

BDK - May gia công tại nhà không phải là một nghề mới đối với người lao động nhưng đã được nhiều phụ nữ nông thôn lựa chọn vì dễ làm, phù hợp với điều kiện nhiều gia đình. Hàng trăm chị em tại xã Tân Phú, huyện Châu Thành đã có công ăn việc làm với thu nhập ổn định, thậm chí nhiều người nhờ may gia công đã thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giàu.

Chị em phụ nữ đang may gia công tại cơ sở của chị Duy Uyên.

Chị em phụ nữ đang may gia công tại cơ sở của chị Duy Uyên. 

Chọn hướng đi phù hợp

Chị Đỗ Thị Cẩm Phương, ở ấp Hàm Luông, xã Tân Phú là một ví dụ điển hình. Vài năm trước đây, gia đình chị nằm trong danh sách hộ nghèo, mà theo như một số người hàng xóm nhận xét là “chưa thấy ai khổ như chị bao giờ”. Không nghề nghiệp ổn định, không đất sản xuất, vợ chồng chị phải đi làm thuê làm mướn, đã vậy mẹ chồng lại mắc căn bệnh hiểm nghèo nên nợ nần chồng chất. Gần như không lối thoát, rồi tình cờ biết đến công việc may gia công, chị Phương xin học may và nhận hàng về may tại nhà. Sau khi đem hàng về may, nhiều chị em phụ nữ đến hỏi xin nhận hàng về làm. Hội Phụ nữ xã Tân Phú đã tạo điều kiện giới thiệu Dự án DBRP hỗ trợ chị Phương 54 triệu đồng để trang bị 10 máy may, từ đó nhóm may gia công của chị Phương được thành lập. Đến nay, chị đã mở được cơ sở may gia công, đầu tư thêm 15 máy, với sự tham gia của 45 chị, các chị có thu nhập ổn định từ 3 - 6 triệu đồng/tháng, trong đó có 15 chị thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Hiện tại, chị Phương nhờ may gia công đã trả được hết nợ, thoát nghèo bền vững; đồng thời, xây được một ngôi nhà mới khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng. Ngoài ra, chị còn mua được 1 công đất để trồng thêm sầu riêng nhằm góp phần phát triển thêm kinh tế cho gia đình. Riêng tổ may của chị Phương đã giúp đỡ được 5 chị là hội viên, phụ nữ trong ấp với số tiền 10 triệu đồng không tính lãi, đồng thời cho 10 chị mượn máy may về nhà để may gia công.

Khác với chị Phương, chị Trương Thị Mặc Duy Uyên, sinh năm 1985, ở Tân Phú từng may gia công, sau một thời gian chị nhận thấy việc may gia công có thể phát triển ở quê nhà nên năm 2017, chị đã mạnh dạn đầu tư máy móc, mở cơ sở may gia công để vừa phát triển kinh tế gia đình, vừa tạo việc làm cho chị em trong xã. Cơ sở may hiện tại của chị Uyên có 40 chị tham gia, thu nhập mỗi chị khoảng 2,5 triệu đồng/tháng. Riêng bản thân chị Uyên thu nhập hàng tháng khoảng 15 triệu đồng. Chị Uyên cho biết: “Nghề này có lợi thế là thời gian làm việc linh hoạt. Chị em tới đây làm thì ăn lương theo sản phẩm, ai chịu khó, mỗi ngày cũng kiếm được từ 100 - 150 ngàn đồng”.

Tạo việc làm, tăng thu nhập

Hiện trên địa bàn xã Tân Phú có 7 cơ sở may gia công đang hoạt động nhộn nhịp, giải quyết việc làm cho trên 200 lao động nữ ở xã và các xã lân cận. Trung bình mỗi cơ sở may của các chị nhận gia công mỗi tháng khoảng 10 ngàn sản phẩm may mặc, chủ yếu là quần tây, áo khoác, áo thun…

Chị Nguyễn Thị Hồng Diêu ở ấp Hàm Luông, xã Tân Phú cho biết, chị thuộc hộ nghèo, chồng mất sớm, nhà có 2 con nhỏ nên chị không thể xin vào làm ở công ty được vì thời gian nghiêm ngặt, chị lãnh hàng may gia công, lương mỗi tháng được 3,5 triệu đồng, vừa có thu nhập ổn định vừa có thời gian đưa rước con đi học.

May gia công không chỉ giải quyết việc làm cho phụ nữ nông thôn, các cơ sở may gia công cũng thu hút được lao động nữ xa quê có động lực trở về và sống “khỏe” với thu nhập ổn định. Như trường hợp của chị Lê Thị  Thúy Diễm ở ấp Hàm Luông, chị từng là công nhân may ở Bình Dương nhưng cuộc sống xa nhà, khá bấp bênh. Chị quyết định trở lại quê để tìm việc làm. Chị xin nhận hàng gia công tại cơ sở may của chị Phương. Chị Diễm cho biết, mỗi tháng, chị thu nhập được 4 - 5 triệu đồng. Với số tiền này, chị có thể phụ thêm cùng chồng trang trải cuộc sống gia đình.

Chị Hồ Thị Ngọc Cầm - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Phú cho biết: “Nghề may gia công dễ học, dễ làm. Đây là điều kiện thuận lợi để các lao động nữ có thu nhập cao lúc nông nhàn. Thời gian qua, hội đã tạo điều kiện giúp các cơ sở này được vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và hỗ trợ từ Dự án AMD để mở rộng việc sản xuất và giúp lao động của cơ sở có việc làm hàng ngày. Hội cũng đang liên kết với các xã trên địa bàn huyện Châu Thành để hướng dẫn và phân phối hàng gia công cho các chị em phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp từ may gia công. Đây cũng là chất keo để thu hút chị em gắn bó với công tác hội”.

Bài, ảnh: Hiền Nguyễn

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN