Tạo nguồn nước ngọt phục vụ người dân

28/02/2020 - 07:41

BDK - Trước thực trạng khô hạn và xâm nhập mặn diễn biến gay gắt, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp cải thiện nguồn nước để đảm bảo đủ nước ngọt phục vụ đời sống, sinh hoạt cho nhân dân trong mùa khô.

Công trình ngăn mặn tạo nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân.

Công trình ngăn mặn tạo nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt của người dân.

“Vỡ trận” nước ngọt

Trong mùa khô 2019 - 2020, tỉnh đã sớm triển khai các giải pháp phòng chống hạn mặn. Các huyện, thành phố và người dân trên địa bàn cũng đã ý thức trong công tác tích trữ nước. Tuy nhiên, mặn xâm nhập sâu và kéo dài làm nguồn nước ngọt ngày càng trở nên khan hiếm. Hiện nay, trên sông Hàm Luông và sông Cửa Đại không còn nước ngọt để lấy. Các nhà máy nước (NMN) cung cấp nước sinh hoạt đã nhiễm mặn trên 2%o.

Nước cấp từ các NMN thuộc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre trong ngày 26-2-2020 có độ mặn từ 3,7 - 9%o. Gần 1 tháng nay, gia đình bà Nguyễn Thị Huởn, ở ấp Phú Thành, xã Phú Hưng, TP. Bến Tre cung cấp miễn phí cho người dân, trung bình 20m3/ngày từ giếng đã có từ lâu của gia đình. Tuy nhiên, theo đánh giá của Phó chủ tịch UBND TP. Bến Tre Nguyễn Trúc Lâm, dự kiến trong vài ngày tới cũng sẽ hết nước.

Nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Châu Thành, Chợ Lách đã cạn nguồn nước ngọt tích trữ trong mương vườn. “Người dân các huyện và các NMN đã vỡ trận, phải chở nước ngọt với giá từ 170 - 200 ngàn đồng/m3 để phục vụ sản xuất và sinh hoạt”, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách Bùi Thanh Liêm cho biết.

Tại Trạm bơm nước thô Cái Cỏ (Châu Thành), nguồn nước ít nhiễm mặn nhất - nơi kỳ vọng sẽ cung cấp nước ngọt cho khu vực TP. Bến Tre và cấp bổ trợ cho một số NMN có độ mặn cao cũng đã nhiễm mặn trên 6%o.

Theo Tổng giám đốc Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre Trần Hùng, tình hình hiện nay, thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, đảm bảo cung cấp nước có độ mặn dưới 2%o là rất khó. Bởi theo số liệu quan trắc các ngày gần đây, độ mặn trên bến phà Tân Phú 5%o (chân triều), đỉnh triều từ 10 - 12%o.

Dự báo từ nay đến tháng 3-2020, mặn từ các cửa sông chính tiếp tục xâm nhập sâu vào đất liền, nguy cơ thiếu nước xảy ra trên diện rộng, không còn nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Người dân phải lấy nước nhiễm mặn để dùng trong sinh hoạt, tắm rửa, giặt giũ. Ước có khoảng 56.800 hộ dân sinh sống trong nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển, trên các cồn, cù lao trên các sông Tiền, Hàm Luông, Cổ Chiên thiếu nước hợp vệ sinh.

Linh hoạt tạo nguồn nước ngọt

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập cho biết, hiện nay, tỉnh còn bỏ ngỏ một số hệ thống đê bao và cống đập. Do đó, nước mặn vẫn còn xâm nhập, sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, bệnh viện, nơi sản xuất, các khu công nghiệp… Kế hoạch đến năm 2025, các công trình thủy lợi sẽ cơ bản hoàn thiện, việc quản lý nguồn nước mới bài bản và căn cơ hơn.

Trong giai đoạn cấp bách hiện nay, việc quản lý nguồn nước trên địa bàn tỉnh rất quan trọng, vừa đảm bảo nguồn nước sản xuất vừa đảm bảo chất lượng sự sống. Theo thông báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ 29-2 đến 6-3-2020 khả năng có đợt nước thượng nguồn về. Do đó, các đơn vị quản lý nước phải linh hoạt các phương án để tranh thủ vận hành các cống ven sông Hàm Luông, sông Tiền phù hợp nhằm lấy nước cải thiện độ mặn hiện nay.

Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre bố trí nguồn nhân lực vận hành, thông báo cho dân biết để chuẩn bị tư thế vận hành tàu thuyền tránh neo đậu đầu nguồn nước trong trường hợp phải lấy nước trong đợt nước ngọt như dự báo.

Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Bến Tre Hồ Ngọc Hậu lên kế hoạch, nếu độ mặn dưới 2%o tới Giao Long (Châu Thành), đơn vị khẩn trương lấy nước để cải thiện nguồn nước. Giải pháp trong thời gian tới, công ty sẽ tăng cường xổ đập tạm Sông Mã (Sơn Đông, TP. Bến Tre), Thành Triệu, An Hiệp (Châu Thành); vừa đo độ mặn vừa theo dõi dự báo khí tượng thủy văn để đảm bảo cửa cống Cái Sơn và Kênh Điều, nếu độ mặn 2%o sẽ lấy nước vào làm giảm độ mặn trong khu vực đê bao.

Thời điểm này, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Bến Tre đã có phương án chuyển nước về để giải quyết nguồn nước sinh hoạt cho người dân mức dưới 2%o. Từ ngày 10-2-2020, công ty đã tiến hành lấy nước ở Tiền Giang chuyển về, trung bình 400m3/ngày cung cấp nước ngọt cho các doanh nghiệp ở Khu công nghiệp Giao Long. Trong đó, cung cấp Công ty cổ phần Bia Sài Gòn 150m3/ngày, các doanh nghiệp sản xuất nhỏ lẻ từ 2 - 3m3/ngày/doanh nghiệp để lọc RO phục vụ nước uống cho công nhân; còn lại cung cấp cho các bệnh viện, khách sạn.

Ông Trần Hùng cho biết, diễn biến độ mặn trong tháng 3-2020 dự báo sẽ tăng cao. Do đó, khả năng nguồn nước cấp ở Tiền Giang cũng sẽ bị ảnh hưởng. Để đáp ứng việc cải thiện nguồn nước phục vụ trên địa bàn tỉnh, công ty đã liên hệ với NMN khu vực cầu Mỹ Thuận (Vĩnh Long), khả năng có 2 - 2,5 ngàn m3/ngày, với độ mặn dưới 0,45%o để hòa vào làm giảm độ mặn nước cung cấp tại một số NMN trên địa bàn.

Song song đó, công ty đã xúc tiến liên hệ một số đơn vị trong khu vực vận chuyển nước bằng xà lan để chuyển nước từ Vĩnh Long về bơm lên hồ chứa trải bạt để cung cấp cho Khu công nghiệp Giao Long. Chi phí vận chuyển tham khảo là 100 ngàn đồng/m3 nước. Dự kiến, đầu tháng 3-2020, sẽ có nguồn nước từ Vĩnh Long về cung cấp trên địa bàn tỉnh.

“Trước mắt, tỉnh tính toán phương án vận chuyển nước ngọt từ nơi khác về để phục vụ cho các khu công nghiệp, bệnh viện, trường học, nhà hàng, khách sạn… cải thiện nguồn nước sinh hoạt cho nhân dân. Đồng thời, tỉnh chỉ đạo các ngành linh hoạt trong vận hành các cống, đập đúng thời điểm để trữ nước trong đợt ngọt được dự báo, góp phần đảm bảo nước sinh hoạt, sản xuất. Xem xét các nơi đủ điều kiện khẩn trương hoàn thiện các đập tạm, trạm bơm chuyển nước ngọt về phục vụ sản xuất nông nghiệp”.

(Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Lập)

Bài, ảnh: Phan Hân

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN

  • Hai Thanh Cách đây 21 năm

    các cống đóng ngăn mặn nhưng nước bên trong vẫn mặn cao mà còn tạo ra tình trạng nước bị nhiễm phèn và mực nước cạn kiệt làm thiệt hại các ao nuôi cá bên trong cống. Cơ quan quản lý cần tăng cường theo dõi đóng mỡ cho nước vào hợp lý.<br /> <br />

Liên kết hữu ích