Tập trung phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực

23/08/2019 - 07:21

BDK - Phát triển sản xuất hợp lý với các loại hình kinh tế hợp tác phát triển theo hướng liên kết, chất lượng, hiệu quả và gắn với nhu cầu thị trường là mục tiêu mà xã Phú Phụng (Chợ Lách) đã và đang hướng tới. Qua đó, góp phần giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm, ổn định kinh tế gia đình.

Ông Huỳnh Minh Kha (bìa phải) tham gia mô hình vườn xanh - sạch - đẹp. Ảnh: CTV

Ông Huỳnh Minh Kha (bìa phải) tham gia mô hình vườn xanh - sạch - đẹp. Ảnh: CTV

Phú Phụng có 1.305ha đất tự nhiên; trong đó có 843,06ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp (chiếm 64,6%). Xã có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc trồng cây ăn trái kết hợp với sản xuất cây giống và hoa kiểng, một số loại trái cây chủ lực cho năng suất và giá trị cao như chôm chôm, sầu riêng, bưởi da xanh… Toàn xã có 2.663 hộ dân (có 2.164 hộ nông nghiệp) phân bố trên địa bàn 5 ấp gồm: Chợ, Cống, Phụng Đức A, Phụng Đức B và Phụng Đức.

Xác định nông nghiệp là kinh tế chủ lực, xã đã tập trung thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp với các sản phẩm chủ lực gắn với phát triển du lịch sinh thái - làng nghề. Tháng 8-2018, UBND xã phối hợp với Hội Nông dân xã hỗ trợ tổ chức hội nghị thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Phú Phụng theo đúng quy định của Luật Hợp tác xã năm 2012 với 110 thành viên. Hiện xã có 5 tổ hợp tác (THT) thành lập theo Nghị định số 151 của Chính phủ gồm: 5 THT chôm chôm của 5 ấp với diện tích trồng trên 626ha. Nhìn chung, các THT hoạt động ổn định, hiệu quả và có mối liên kết “4 nhà” tương đối bền vững. Sau khi tham gia vào mô hình tổ liên kết, THT, tinh thần đoàn kết, tương trợ của người dân được thể hiện khá tốt, giúp nhau cùng phát triển kinh tế và thoát nghèo bền vững. Nhờ đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2019 của xã đạt 45,67 triệu đồng (tăng gấp 1,5 lần so với năm 2015); tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3,8%.

Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Mạnh Cường cho biết: Được sự quan tâm, chỉ đạo của các ngành chức năng huyện, xã đã tập trung tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức tham gia vào các THT, hợp tác xã; hướng dẫn các THT, hợp tác xã thực hiện các thủ tục, hồ sơ thành lập theo quy định. Nhiều chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi cho các THT được triển khai để phát triển sản xuất. Các lớp tập huấn kỹ thuật cũng được tổ chức thường xuyên nhằm chuyển giao khoa học, kỹ thuật cũng như hỗ trợ kiến thức kịp thời giúp các tổ viên canh tác, chăm sóc cây trồng đạt hiệu quả cao.

UBND xã, các ngành, đoàn thể xã đã phối hợp vận động, tạo điều kiện, hỗ trợ phát triển sản xuất và ngành nghề nông thôn; chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình gắn với kinh tế hợp tác nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Theo Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Phụng Võ Tấn Truyền, sản phẩm nông nghiệp chủ lực chôm chôm có tiềm năng, lợi thế cao vì phù hợp với quy hoạch và định hướng tái cơ cấu nông nghiệp của xã. Đa số các hộ sản xuất đều có kinh nghiệm sản xuất lâu năm, bên cạnh đó thường xuyên tham dự các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật do các ngành chức năng tổ chức. Có mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được ký kết để thực hiện các dịch vụ đầu vào, đầu ra về mua bán nguyên vật liệu, trái cây với cơ sở, doanh nghiệp, sản xuất theo quy trình, chất lượng và giá cả thống nhất giữa các bên.

“Phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững, đảm bảo môi trường; hiệu quả, chất lượng, gắn với nhu cầu thị trường đang trở thành xu thế tất yếu mà đòi hỏi người nông dân phải thực hiện. Bên cạnh đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo, định hướng của cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể địa phương là rất quan trọng, để giúp người nông dân nắm bắt được chủ trương, chính sách và nhu cầu thị trường” - Phó chủ tịch UBND xã Nguyễn Mạnh Cường chia sẻ quan điểm.

Tường Vy

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN