Thạnh Phú nỗ lực phân luồng học sinh sau THCS

18/09/2020 - 07:13

BDK - Thời gian qua, huyện Thạnh Phú rất nỗ lực trong công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS. Tuy nhiên, hiệu quả công tác phân luồng vẫn còn là bài toán khó đối với huyện.

Phòng giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp với địa phương vận động, định hướng phân luồng học sinh dịp đầu năm học.

Phòng giáo dục và Đào tạo huyện phối hợp với địa phương vận động, định hướng phân luồng học sinh dịp đầu năm học.

Phân luồng 25% học sinh

Bình quân hàng năm, huyện có khoảng 450 - 550 học sinh tốt nghiệp THCS nhưng không thi đỗ vào các trường THPT hệ công lập, tương đương tỷ lệ khoảng 25% tổng số học sinh tốt nghiệp THCS. Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện Đặng Hữu Phước cho biết, thời gian qua, lãnh đạo huyện rất quan tâm công tác phân luồng học sinh sau THCS. Trung tâm chủ động phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng trong và ngoài tỉnh để hỗ trợ công tác phân luồng.

Theo ông Đặng Hữu Phước, quy mô tuyển sinh vào học lớp 10 hệ giáo dục thường xuyên các năm dao động tầm 250 học sinh. Đối với số lượng học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 hệ công lập, có khoảng 45% học lớp 10 hệ giáo dục thường xuyên, 10% học nghề tại trung tâm, từ 10 - 15% học nghề tự do các ngành nghề khác bên ngoài...

Thời gian qua, công tác chỉ đạo phân luồng tại huyện Thạnh Phú được lãnh đạo UBND huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), Trung tâm GDNN - GDTX thực hiện rất tốt nhưng hiệu quả chưa cao. Theo ông Đặng Hữu Phước, nguyên nhân là do tác động của công tác giải quyết việc làm sau đào tạo. Ngoài ra, cũng có một phần do công tác phân luồng, hướng nghiệp ở một số trường chưa tạo sự chuyển biến về nhận thức của phụ huynh và học sinh.

Đề cập chất lượng đào tạo tại Trung tâm GDNN - GDTX, ông Đặng Hữu Phước cho biết: Hàng năm, trung tâm đào tạo từ 400 - 450 học sinh, với khoảng 10 - 12 lớp, tỷ lệ tốt nghiệp dao động trên 80 - 90%. Riêng năm 2020, tỷ lệ tốt nghiệp đạt 93%.

Nâng cao hiệu quả phân luồng học sinh

Năm học 2019-2020, toàn huyện có 1.786 học sinh tốt nghiệp THCS, đạt 100%. Trong đó, trúng tuyển lớp 10 hệ công lập năm học 2020-2021 đạt 1.305, còn lại 481 em, tương đương 26,93%.

Trưởng phòng GD&ĐT Phạm Thị Trinh cho biết, Phòng GD&ĐT đã tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản về kế hoạch phân luồng học sinh sau THCS và công văn về giao chỉ tiêu phân luồng. Theo đó, huyện tổ chức các đoàn đi đến các điểm trường trên địa bàn và gia đình học sinh để huy động các em học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 (hệ công lập), định hướng các em đăng ký vào học hệ giáo dục thường xuyên và học nghề tại Trung tâm GDNN - GDTX tại thị trấn Thạnh Phú.

Phòng GD&ĐT huyện phối hợp với Trung tâm GDNN - GDTX tổ chức các lớp học tạm thời trong năm đầu cấp tại 3 điểm: 1 lớp tại Trường THPT Đoàn Thị Điểm, 1 lớp tại Trường THPT Trần Trường Sinh và 1 lớp tại Trường THPT Lương Thế Vinh. Các lớp này sau khi học xong lớp 10 sẽ tiếp tục đến học tại điểm học chính của Trung tâm GDNN - GDTX. Năm nay, trung tâm kết nối các trường nghề trong tỉnh và TP. Hồ Chí Minh mở 2 lớp công nghệ may và điện dân dụng. Tuy nhiên, việc mở các lớp dạy nghề vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn.

“Giải pháp tháo gỡ nút thắt trong công tác đào tạo nghề là cần mở lớp nghề thiết thực, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp để có thể kết nối việc làm cho các em ngay sau khi hoàn thành khóa đào tạo. Để giải quyết bài toán phân luồng đạt hiệu quả, giải pháp căn cơ nhất là xem giáo dục là 1 chuỗi liên kết. Theo đó, công tác đào tạo nghề phải đáp ứng nhu cầu đơn đặt hàng của các doanh nghiệp; phù hợp thị trường lao động tại địa phương"- Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phạm Thị Trinh cho biết.

“Thời gian qua, trung tâm đã nỗ lực rất nhiều trong công tác đào tạo và liên kết đào tạo. Ngoài mối quan hệ tốt với các trường trong và ngoài tỉnh, Trung tâm còn liên kết với các trường Cao đẳng nghề TP. Hồ Chí Minh, Cao đẳng Kinh tế Kỹ thuật Vinatex TP. Hồ Chí Minh, Trường Cao đẳng Công nghệ cao Đồng An (Bình Dương)… nhằm mở ra nhiều ngành nghề đa dạng trong đào tạo, hướng tới chất lượng đào tạo, cũng như nâng cao hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS một cách thiết thực”.

(Phó giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Đặng Hữu Phước)

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN