Thiết thực với chương trình “An cư lạc nghiệp”

07/08/2020 - 07:02

BDK - “Nhờ có 2 con bò này mà gia đình con tôi giờ thoát nghèo, cuộc sống cũng ổn định hơn, nhất là có được mái nhà kiên cố. Giờ đây, chúng tôi thật sự đã an cư lạc nghiệp”, ông Đặng Văn Bống, ở ấp Giao Hòa A, xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú bày tỏ.

Ông Đặng Văn Bống cùng vợ và cháu Huy trước ngôi nhà “An cư lạc nghiệp”.

Ông Đặng Văn Bống cùng vợ và cháu Huy trước ngôi nhà “An cư lạc nghiệp”.

Mái nhà che nắng mưa

Từ nhiều năm nay, kể từ khi thành lập, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh đã vận động xây dựng hàng trăm ngôi nhà tình nghĩa, tình thương, nhà nghĩa tình đồng đội cho các gia đình chính sách, nạn nhân chất độc hóa học. An cư từ những ngôi nhà che nắng che mưa này, hàng trăm gia đình chính sách, nhất là nạn nhân chất độc hóa học đã yên tâm mưu sinh, thoát nghèo, chăm sóc tốt cho sức khỏe người bệnh.

Vừa gom mớ cỏ bò tươi mới cắt cho vào máng, ông Ba Bống vừa hồ hởi kể về chuyện thoát nghèo của gia đình con trai mình là anh Đặng Văn Sơn. Với một người cha, nhìn các con ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế là niềm vui không gì sánh bằng. Gia đình ông Ba Bống là gia đình liệt sĩ thuộc diện khó khăn ở địa phương. Con trai ông là anh Đặng Văn Sơn cũng thuộc diện hộ nghèo. Năm 2011, niềm vui có cháu nội chưa được bao lâu thì gia đình phát hiện bé Đặng Quốc Huy, con anh Sơn mắc chứng bệnh teo cơ, co rút. Dù gia đình chạy chữa cho bé Huy ròng rã nhiều năm, khắp các bệnh viện trong và ngoài tỉnh nhưng không khỏi.

“Ngôi nhà lúc đó là khung cây vách lá xập xệ thấy rầu lắm. Lo chăm sóc đứa con nằm một chỗ như vầy, con dâu tôi cũng chỉ quẩn quanh ở nhà, không có thu nhập gì. Hai vợ chồng làm thuê thì gửi cháu cho ông bà nội trông chừng”, ông Ba Bống kể lại. Cuối năm 2017, gia đình anh Đặng Văn Sơn được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh khảo sát, hỗ trợ kinh phí xây nhà và vốn để phát triển kinh tế.

Bà Lê Thị Thanh Vân - Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh cho biết, mục tiêu hàng đầu của hội là giúp cho các hộ nạn nhân da cam, có con bị nhiễm chất độc hóa học. Bên cạnh đó, hội còn quan tâm đến gia đình hộ nghèo, hộ gia đình chính sách. Trong chương trình hoạt động an sinh xã hội xây nhà, hội vận động kinh phí xây nhà cấp 4, đảm bảo “4 cứng” để người dân sử dụng lâu dài.

Hơn 70% hộ thoát nghèo

Không chỉ dừng lại ở việc hỗ trợ xây nhà “an cư”, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh tiếp tục hướng đến hỗ trợ vốn, tạo sinh kế để các gia đình chính sách, nạn nhân chất độc hóa học ổn định về kinh tế. Hoạt động này bắt đầu khoảng năm 2014 - 2015. Sau đó, chính thức mang tên là chương trình “An cư lạc nghiệp”. Đến nay, tiếp tục có trên 100 gia đình được khảo sát hỗ trợ. Chương trình triển khai thành công ở Ba Tri, Thạnh Phú, Bình Đại, là những huyện biển còn nhiều khó khăn.

Bà Lê Thị Thanh Vân cho biết, hội phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để khảo sát từng trường hợp và vận động các gia đình đối ứng. Đối tượng được chọn tập trung cho những hộ nghèo nhưng có khả năng lao động, có ý chí phấn đấu để hỗ trợ sinh kế.

Điển hình như với gia đình anh Đặng Văn Sơn, hội vận động hỗ trợ 50 triệu đồng, trong đó 10 triệu đồng là vốn để làm sinh kế thoát nghèo. Cũng trong năm này, gia đình anh Sơn tham gia Đề án sinh kế thoát nghèo của xã, được cho mượn 15 triệu đồng để chăn nuôi bò. Từ 2 con bò giống, gia đình anh Sơn chí thú làm ăn, đã thoát nghèo sau 2 năm nỗ lực. Hiện tại, anh Sơn đi nuôi tôm thuê, 3 tháng mới về nhà 1 lần, còn vợ anh ở nhà đi cắt cỏ, chăm sóc đàn bò và chăm sóc bé Huy bệnh nằm một chỗ và lo cho con trai thứ hai đang học lớp 3, cuộc sống gia đình tương đối ổn định.

Đánh giá qua thời gian thực hiện chương trình, bà Lê Thị Thanh Vân cho biết, điều đáng mừng là nhìn thấy được sự năng động của các hộ gia đình. Có người đã đổi từ nuôi bò thường sang nuôi bò lai Sind, bò Pháp cho hiệu quả kinh tế cao hơn. Trong các hộ đã được hỗ trợ, hơn 70% hộ đã thoát nghèo, chỉ còn một số ít hộ cận nghèo.

“Nếu chỉ cho cái nhà không mà người nghèo vẫn đi làm thuê thì không biết khi nào mới thoát nghèo được. Chỉ có tạo được sinh kế phù hợp với đặc điểm, hoàn cảnh gia đình thì mới giúp các hộ thoát nghèo bền vững. Thành công của chương trình chính là áp dụng đúng đối tượng, đúng phương pháp, tạo được sự ổn định bền vững, loại bỏ tư tưởng ỷ lại, động viên các hộ nghèo chủ động hơn để cải thiện cuộc sống”.

(Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin - Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh Lê Thị Thanh Vân)

Bài, ảnh: Thanh Đồng

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN