Thổ Nhĩ Kỳ dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp sau cuộc đảo chính 2016

19/07/2018 - 19:49

Ngày 19-7-2018, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp được áp đặt suốt 2 năm qua sau vụ đảo chính bất thành 2016.

Thổ Nhĩ Kỳ dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp. Ảnh: Sputnik

Thổ Nhĩ Kỳ dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp. Ảnh: Sputnik

Hãng thông tấn Thổ Nhĩ Kỳ Anadolu đưa tin, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp từ 1 giờ sáng ngày 19-7-2018 (theo giờ địa phương). Thư ký báo chí của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ibrahim Kalin tuần trước cũng thông báo quyết định dỡ bỏ lệnh tình trạng khẩn cấp, song khẳng định rằng nó sẽ được áp đặt trở lại nếu có bất cứ nguy cơ khủng bố mới nào xuất hiện.

“Cuộc chiến chống khủng bố sẽ được tiếp tục một các kiên quyết và nếu có một mối đe dọa xuất hiện đòi hỏi phải ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp thì nó sẽ được áp đặt trở lại”, ông Kalin nói.

Chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp sau cuộc đảo chính bất thành năm 2016 và nhiều lần gia hạn sắc lệnh này.

Cuộc đảo chính quân sự ngày 15-7-2016 tại Thổ Nhĩ Kỳ đã làm hơn 240 người chết. Sau cuộc đảo chính bất thành, chính quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan đã bắt giữ hơn 50.000 người, sa thải hoặc đình chỉ công việc của hơn 160.000 nhân viên chính phủ, quân đội và giáo viên.

Ankara cáo buộc giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen, người sống lưu vong tại Mỹ từ năm 1999, và những người ủng hộ ông đã tiến hành cuộc đảo chính này. Trong khi đó, ông Gulen đến nay vẫn bác bỏ mọi cáo buộc có liên quan.

Tuần trước, Tòa án Istanbul kết án chung thân 72  binh sĩ quân đội vì đã lên kế hoạch cho cuộc đảo chính. Theo kênh truyền hình NTV, những binh sĩ này bị kết tội chiếm giữ cây cầu Bosphorus, một phần trong kế hoạch lật đổ chính quyền 2 năm trước đây.

Sau cuộc đảo chính bất thành, Thổ Nhĩ Kỳ đã sửa đổi Hiến pháp, theo đó tăng quyền cho người đứng đầu chính phủ. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, người vừa tái đắc cử đầu tháng 6 vừa qua, hiện có quyền chỉ định các Phó tổng thống và các quan chức trong chính phủ của mình, cũng như có thể ban bố lệnh tình trạng khẩn cấp.

Phe đối lập tại Thổ Nhĩ Kỳ đã nhiều lần phản đối việc kéo dài lệnh tình trạng khẩn cấp, cho rằng điều này đe dọa quyền tự do của đất nước. Đây cũng là vấn đề gây căng thẳng trong quan hệ giữa Ankara và Liên minh châu Âu, vốn cũng luôn yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ dỡ bỏ sắc lệnh này. Các hành động trấn áp sau đảo chính của chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ cũng khiến nhiều nước lên tiếng quan ngại.

Nguồn: VOV

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN