Thoát nghèo bền vững từ Đề án đa dạng sinh kế

22/06/2018 - 08:17

BDK - Năm 2016, hộ chị Phùng Thị Hết ở Ấp 9, xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm, là hộ nghèo được lựa chọn để tham gia vào Đề án phát triển đa dạng sinh kế, thoát nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 (Đề án sinh kế) với hoàn cảnh gia đình chị lúc bấy giờ là đất ít và thiếu vốn sản xuất.

Chị Phùng Thị Hết trong căn nhà mới xây năm 2017.

Chị Phùng Thị Hết trong căn nhà mới xây năm 2017.

Thoát nghèo nhờ đa dạng sinh kế

Sau khi được lựa chọn và tham gia vào Đề án sinh kế, cùng với sự gần gũi, tư vấn, hỗ trợ, động viên nhiệt tình của các thành viên trong ban quản lý các chương trình mục tiêu quốc gia của địa phương, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi và trồng trọt, chị Hết quyết định vay vốn để chăn nuôi bò. Theo chị, bò dễ chăm sóc và ít bị dịch bệnh, phù hợp với điều kiện vùng đất ở nơi đây - đất giồng cát và vườn dừa. Thông qua ban quản lý xã, chị vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng và bắt 2 con bò sinh sản về nuôi. Đồng thời, từ nguồn vốn tích lũy của gia đình và các con, chị tiếp tục mua thêm 5 con dê nái nuôi. Hiện nay, hộ chị Hết có đàn bò với 2 con bò nái và 1 con bê (vừa bán 1 con) và đàn dê gồm 5 con nái và 7 dê lứa.

“Nhờ sự giúp đỡ tận tình của các anh chị ở địa phương mà hộ tôi được hiểu biết về kỹ thuật chăn nuôi và được vay vốn lãi suất thấp để làm ăn. Bây giờ con lớn hết rồi, tụi nhỏ cũng đi làm ở các khu công nghiệp gửi tiền về phụ giúp nên thoát nghèo nhanh chóng. Căn nhà này được xây cất từ đầu năm 2017, là năm tôi xin thoát nghèo” - chị Hết phấn khởi nói.

Chị Võ Thị Cẩm Tú - cán bộ phụ trách công tác giảm nghèo, trẻ em và xã hội xã Tân Lợi Thạnh cho biết: Năm đầu tham gia đề án có 20 hộ với 123 nhân khẩu. Theo sự phân công của ban quản lý xã, cùng với các trưởng ấp thì Hội Phụ nữ quản lý 8 hộ, Hội Nông dân 10 hộ, Hội Cựu chiến binh 7 hộ, Đoàn Thanh niên 8 hộ (trong đó có 6 hộ do phụ nữ làm chủ). Với vai trò và trách nhiệm được phân công là “cùng suy nghĩ, cùng bàn, cùng làm” để giúp hộ nghèo, các thành viên đã xây dựng được nhiều mô hình sinh kế hiệu quả trên lĩnh vực chăn nuôi bò - dê và trồng trọt. Trong năm 2017, đã có 13 hộ thoát nghèo. Đây là kết quả ban đầu đáng phấn khởi sau 1 năm triển khai thực hiện Đề án sinh kế tại địa phương.

Hướng đi mới từ xuất khẩu lao động

Xã Tân Lợi Thạnh có 9 ấp, với 2.148 hộ, gần 8.500 nhân khẩu. Là xã thuần nông, kinh tế chính của bà con chủ yếu làm vườn kết hợp với chăn nuôi. Những năm gần đây, với sự chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như bà con mạnh dạn đầu tư cải tạo vườn tạp, trồng xen các loại cây có giá trị kinh tế cao như bưởi da xanh, tận dụng đất bìa chéo trồng cỏ nuôi bò - dê, nuôi gà sinh học… Tuy nhiên, do vị trí địa lý, Tân Lợi Thạnh vẫn còn tỷ lệ hộ nghèo khá cao so với nhiều địa phương khác trong huyện. Chị Võ Thị Cẩm Tú cho biết thêm, cấp ủy đảng, chính quyền và đoàn thể xã rất quan tâm đến công tác này. Ban quản lý xã giao nhiệm vụ, phân công từng thành viên hỗ trợ, theo dõi, từng lúc động viên tinh thần vươn lên thoát nghèo đối với từng hộ được lựa chọn tham gia Đề án sinh kế. Trong năm 2018, qua điều tra, rà soát và đối thoại với người nghèo, Ban quản lý xã đã tư vấn, giới thiệu, hướng dẫn hộ nghèo, cận nghèo có con em trong độ tuổi lao động mạnh dạn đăng ký xuất khẩu lao động. Đây là hướng đi mới mà Ban chỉ đạo huyện đã định hướng bởi đem lại hiệu quả và tính bền vững rất cao.

“Hiện nay, đã có 7 trường hợp đăng ký tham gia xuất khẩu lao động tại thị trường Nhật. Có 1 trường hợp đã “bay” và gửi tiền về cho gia đình; 4  trường hợp đang chuẩn bị và 2 trường hợp đang học tiếng Nhật. Mới đây, qua nắm bắt tâm tư của người nghèo, các thành viên trong Ban quản lý xã phản ánh, nhiều hộ cũng có ý định đăng ký cho con em tham gia xuất khẩu lao động, bởi chỉ có con đường này thì họ mới thoát nghèo nhanh và bền vững” - chị Cẩm Tú nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Thành Lập

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN