Thư viện xanh ở xã biển Thạnh Phong

03/05/2019 - 07:39

BDK - Vừa bước vào Trường THCS Thạnh Phong, xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú, ngay lập tức chúng tôi bị thu hút bởi một không gian đầy sắc màu cùng cây và hoa của một gian phòng đặc biệt. Bố trí ở tầng trệt dãy nhà trung tâm, thư viện của trường không chỉ là nơi đọc sách, tra cứu tài liệu, hội họp, thảo luận mà còn là điểm đến thân thuộc, gần gũi để giải lao của học sinh và giáo viên nhà trường.

Học sinh Trường THCS Thạnh Phong chọn sách tham khảo tại thư viện. Ảnh: Nguyên Ngọc

Học sinh Trường THCS Thạnh Phong chọn sách tham khảo tại thư viện. Ảnh: Nguyên Ngọc    

Thư viện được “thay áo mới”

Lập “cú đúp” thuyết phục khi chiến thắng cả 2 nội dung: Thư viện đẹp - năng động và Thư viện được cộng đồng yêu thích nhất trên mạng xã hội từ cuộc thi Thư viện đẹp - năng động tỉnh Bến Tre năm 2019, Trường THCS Thạnh Phong đã thật sự để lại ấn tượng.

Không phải chỉ đến khi cuộc thi được phát động vào đầu tháng 1-2019 thì nhà trường mới đầu tư, trang bị lại cho thư viện. Mà từ vài năm trước đó, với sự quan tâm của Ban giám hiệu, tâm huyết của cô thủ thư Huỳnh Nguyên Ngọc, thư viện đã từng bước có những thay đổi để thu hút học sinh (HS). Bắt đầu từ việc nhà trường sắp xếp lại không gian phòng đọc, thiết lập thư viện xanh. Tuy nhiên, do không gian sân chơi của trường có hạn, không có điểm nào phù hợp để làm một khu vực thư viện xanh quy mô với nhà vòm cây xanh theo hình thức mẫu nên cô Ngọc đã thay đổi cách làm. Trong quá trình trang trí lại phòng đọc, luôn có sự tham gia của HS. Tận dụng đoạn hành lang trước phòng đọc, các cô trò bắt đầu bài trí lại, sử dụng các lốp xe cũ để sáng tạo thành các bàn ngồi chơi cờ, tận dụng phế liệu để tái sử dụng thành các món đồ trang trí nho nhỏ. Đặc biệt, cô trồng thêm nhiều loại kiểng lá, bố trí đa dạng các loại kiểng để bàn vô cùng sinh động. Khắp nơi trong phòng đọc được trang trí bởi nhiều câu tiếng Anh mang ý nghĩa khích lệ, tạo động lực trong cuộc sống được thiết kế đẹp mắt, hiện đại. Bàn ghế, kệ sách sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, khoa học, tối ưu hóa không gian đọc.

Bước thứ hai mà trường thực hiện là phát triển quỹ sách bằng nhiều hình thức. Thư viện đã kết hợp với Liên đội trường phát động chương trình kế hoạch nhỏ, gom sách tặng cho thư viện. “Kết quả toàn trường góp được khoảng 600kg gồm sách giáo khoa và các loại sách cũ, tập vở cũ các loại. Chúng tôi chọn lọc lại được khoảng 300 đầu sách cho thư viện, chủ yếu là sách giáo khoa, một số truyện tranh”, cô Ngọc cho biết. Các thầy cô giáo trong trường và chính bản thân cô thủ thư nhiệt tình đã vận động người quen góp sách cho thư viện trường, góp phần làm phong phú hơn nguồn sách cho HS.

rèn thói quen đọc sách cho HS

Mục đích chính của cuộc thi đến cùng vẫn là mong muốn “đánh thức” những thư viện trường học, góp phần tác động để các trường có sự quan tâm, đầu tư nhất định cho thư viện, tạo cho HS một không gian đọc tốt nhất, thoải mái nhất, đưa sách đến với các em một cách thuận lợi nhất.

Kể lại quá trình để đồng thời giành được 2 giải nhất, cô Huỳnh Nguyên Ngọc chia sẻ: “Thật sự vì nhắm đến giải thưởng là những bộ sách quý cho HS mà thầy trò chúng tôi mới càng quyết tâm hơn”. HS ở xã biển heo hút, xa xôi này “khát” sách như là khát một nguồn nước mát. Nhà trường cũng có sự chăm lo, đầu tư cho thư viện nhưng ngân sách có hạn, số sách được bổ sung hàng năm không đủ thỏa mãn nhu cầu HS. “Có những em đến đọc sách, cứ xem đi xem lại mãi một vài cuốn. Cũng có em ham đọc, đến nỗi thầy bảo vệ phải vào gọi kêu về vì trường đóng cửa”, cô Ngọc kể. Chính vì vậy, đối với những trường ở những vùng sâu vùng xa như thế này thì cuộc thi này chính là một cơ hội. Giải thưởng lớn từ cuộc thi, cũng như những bộ sách được tặng cho trường sẽ góp phần làm cho thư viện trường thêm phong phú sách hơn, ươm mầm và phát triển thói quen đọc sách cho HS.

Các em ở cấp học THCS, là lứa tuổi mới lớn, rất cần được trang bị những kiến thức về kỹ năng sống, góp phần hình thành nhân cách. Qua theo dõi quá trình đọc sách của các em, cô Ngọc nhận thấy còn thiếu nhiều sách về kỹ năng, giáo dục giới tính, nên dự kiến, sắp tới sẽ phát triển thêm nguồn sách thiên về kỹ năng cho các em. Ngoài ra, Ban giám hiệu nhà trường sẽ cân đối để tiếp tục đầu tư trang thiết bị cho thư viện, hướng tới thay đổi không gian đọc theo hướng tiện nghi, hiện đại, thoải mái nhất. “Chúng tôi mong muốn thư viện phải là nơi thật sự gần gũi với các em. Có nhiều em nhà xa trường, buổi trưa ở lại có thể đến thư viện. Các giờ học trái buổi, hoặc nửa buổi, các em sẽ đến thư viện như là một chỗ an toàn để chơi các trò chơi giải trí lành mạnh như đánh cờ hoặc đọc truyện, thay vì la cà quán xá, quán game”, cô Ngọc chia sẻ.

Từ chủ trương đúng đắn của ngành giáo dục, sự quan tâm của các tổ chức đoàn thể đối với phát triển văn hóa đọc cộng hưởng với trách nhiệm quản lý của Ban giám hiệu nhà trường và tấm lòng của các thầy cô giáo dành cho HS đã tạo nên không chỉ là tạo nên thành công của một cuộc thi mà hơn hết đó là mang đến một cơ hội mới, trao tri thức cho thế hệ tương lai của đất nước. Niềm vui chiến thắng gói gọn lại trong những lời cảm nhận ngắn gọn của cô Huỳnh Nguyên Ngọc vào ngày nhận giải thưởng: “Hay tin thư viện có thêm nhiều sách thế này, tụi nhỏ sẽ mừng lắm!”.

Thư viện Trường THCS Thạnh Phong đoạt giải nhất Cuộc thi Thư viện đẹp - năng động do Dự án Sách cho tương lai phối hợp với Tập đoàn Yeah1 tổ chức. Thư viện cũng đoạt giải Thư viện cộng đồng được yêu thích nhất qua mạng xã hội. Ngoài giải thưởng tiền mặt 60 triệu đồng (cho cả hai giải), thư viện còn được nhận 2 bộ sách trị giá 25 triệu đồng, góp phần làm phong phú hơn nguồn sách tại thư viện.

Triều Dương

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN