Thực hiện chính sách hỗ trợ tiêu hủy heo bị dịch gặp khó

16/09/2019 - 13:41

BDK.VN - Hàng trăm hộ dân trên địa bàn tỉnh có heo tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi đang mong sớm nhận được chính sách hỗ trợ; UBND nhiều xã cũng “đứng ngồi không yên” vì số tiền cho công tác xử lý ổ dịch đội lên từng ngày nhưng chưa biết chính sách chi trả được thực hiện như thế nào.

Chôn lấp là phương pháp tiêu hủy hiện hành đối với heo nhiễm dịch tả heo châu Phi. Ảnh: Thạch Thảo

Chôn lấp là phương pháp tiêu hủy hiện hành đối với heo nhiễm dịch tả heo châu Phi. Ảnh: Thạch Thảo

Người mừng, kẻ lo

Gia đình bà Trần Thị Hồng ở ấp Thủ Sở có tổng số 87 con heo bị tiêu hủy giữa tháng 7-2019; là một trong số 6 hộ đầu tiên của xã Thạnh Ngãi (Mỏ Cày Bắc) đã nhận tiền hỗ trợ từ Nhà nước. Với mức hỗ trợ theo quy định hiện hành (heo nái, heo đực đang khai thác có giá hỗ trợ 30 ngàn đồng/kg; heo con, heo thịt 25 ngàn đồng/kg), gia đình bà Hồng đã nhận được 140 triệu đồng.

Theo bà Trần Thị Hồng, việc hỗ trợ của Nhà nước không phải là mua bán cho nên bà rất mừng vì bù lỗ được tiền mua thức ăn cho đàn heo. Hiện nay, gia đình bà còn thiếu đại lý thức ăn trên 200 triệu đồng. “Nợ quá lớn, gia đình không có khả năng trả, nếu không có khoản hỗ trợ 140 triệu đồng của Nhà nước, chắc tôi phải đi… ở đợ hoặc bán đất để có tiền thanh toán cho đại lý thức ăn”, bà Trần Thị Hồng bộc bạch.

Chủ tịch UBND xã Thạnh Ngãi Phạm Văn Luận cho biết, đến nay, tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 6 hộ dân có heo bị tiêu hủy. “Công tác thanh, quyết toán chi phí phải công nhận có sự nỗ lực rất lớn, trong vòng thời gian 1 tháng sau khi xảy ra dịch. Được hỗ trợ, người dân rất phấn khởi, từ đó, người dân rất hợp tác, thông tin tình trạng heo bệnh đến ấp, xã để thực hiện tiêu hủy”, ông Luận cho hay.

Huyện Mỏ Cày Bắc có 7/84 hộ có heo tiêu hủy trước ngày 26-7-2019 đã được hỗ trợ kinh phí trên 450 triệu đồng. Các hộ phấn khởi vì có phần nào kinh phí để tái sản xuất, chăn nuôi và cho việc thanh toán tiền thức ăn.

Những người chưa nhận được tiền hỗ trợ thì mong ngóng từng ngày. Anh Trần Văn Tinh, ngụ Ấp 3, xã Tân Lợi Thạnh, huyện Giồng Trôm có 145 con heo bị tiêu hủy cách đây khoảng 2 tháng, cả gia đình anh lâm vào cảnh khó khăn. Anh Tinh nói: “Đại lý cứ đòi tiền thức ăn suốt, tôi nợ họ  700 - 800 triệu đồng tiền thức ăn do giá heo liên tục ở mức thấp, lỗ và bị dịch tả phải tiêu hủy cả bầy. Cả gia đình giờ chỉ trông chờ vào tiền công dắt heo (dắt thương lái đi mua heo) của tôi. Tôi phải kiếm nghề khác để sống vì nguồn heo thịt đã gần cạn”.

Tại huyện Giồng Trôm, đến ngày 9-9-2019, toàn huyện có 12/22 xã, thị trấn xảy ra dịch tả heo châu Phi, gần 5 ngàn con heo của 166 hộ phải tiêu hủy bắt buộc, nhưng đến nay chỉ có 7 hộ được giải ngân hỗ trợ với tổng số tiền 489 triệu đồng.

TP. Bến Tre cũng chỉ có 1 hộ được hỗ trợ với số tiền trên 28 triệu đồng, còn lại 6 hộ chưa giải ngân. Huyện Châu Thành chưa chi hỗ trợ, nhưng UBND huyện đã phân bổ kinh phí hỗ trợ 8 hộ với hơn 929 triệu đồng, dự kiến trong tuần sau các hộ sẽ nhận. Huyện Mỏ Cày Nam đã hỗ trợ 4 hộ, với khoảng 654 triệu đồng. Huyện Ba Tri đến nay vẫn chưa hỗ trợ.

Vẫn còn vướng nhiều khâu

Tại Giồng Trôm - địa bàn đầu tiên và đến nay vẫn là địa phương “nóng” nhất của dịch bệnh dịch tả heo châu Phi. Lãnh đạo UBND các xã có dịch tả xảy ra vừa “gồng” mình với việc xử lý ổ dịch, giám sát dịch bệnh, vừa đau đầu tính toán phương thức hỗ trợ kinh phí. 

Trước bức xúc của các xã đang nợ rất nhiều tiền cho công tác phòng, chống dịch, cụ thể là chi phí xử lý ổ dịch, chiều ngày 9-9-2019, UBND huyện đã chủ trì buổi làm việc có mời Sở Tài chính, Sở NN&PTNT để thống nhất quy trình, hồ sơ, định mức kinh phí hỗ trợ trong công tác phòng, chống dịch tả heo Châu Phi. Buổi làm việc không đưa đến kết quả nào, do hai Sở chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể.

Ông Nguyễn Thành Kiếm - Chủ tịch UBND xã Tân Lợi Thạnh băn khoăn: “Áp dụng mức chi trả tiền công lao động 400 ngàn đồng/ngày (8 tiếng) thì không được, người dân chê ít (so mức công lao động hiện hành ở địa phương). Dân quân tự vệ ở xã thì không có kỹ năng bắt heo nái, nhiều khả năng gây nguy hiểm cho người bắt nên phải thuê mướn. Cộng với tiền thuê ko-be, chích điện, cân heo, vật tư chôn lấp… Nói như Sở Tài chính hướng dẫn “cứ làm theo văn bản” thì xã rất băn khoăn”.

Hiện nay, một số huyện như Giồng Trôm, Mỏ Cày Bắc đều gặp khó khăn chung như: khâu biểu mẫu của ngành nông nghiệp; định mức chi trả; không còn đất chôn lấp heo chết do heo chết rải rác, chôn từng con; có hiện tượng “mua, bán giấy xét nghiệm bệnh dịch tả heo châu Phi”. Phía Phòng NN&PTNT huyện Giồng Trôm cho rằng, phòng chức năng huyện đã nghiên cứu kỹ văn bản nhưng lúng túng vì thực tế phát sinh vướng mắc. Cụ thể, nếu quy ra định mức tiền công lao động thì mỗi giờ công dập dịch là 50 ngàn đồng, không ai chịu nhận làm (mức quy định 400 ngàn đồng/người/8 giờ kể cả ngày nghỉ, lễ). 

Phía Mỏ Cày Bắc, ông Nguyễn Văn Vũ - Phó trưởng Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện cho biết, trong văn bản quy định UBND huyện, thành phố chủ động sử dụng các nguồn ngân sách của huyện, thành phố thực hiện chi hỗ trợ. Tuy nhiên, không giao cơ quan nào chủ trì thực hiện và phối hợp, nên mặc dù có văn bản rồi mà tài chính không biết làm thế nào để chi.

Mỗi nơi làm một cách

Tính đến ngày 9-9-2019, toàn tỉnh có 47 xã, phường, thị trấn xảy ra dịch tả heo châu Phi, gần 12 ngàn con heo của 329 hộ dân đã bị tiêu hủy. Trong khi chờ ý kiến lãnh đạo cấp trên, chiều 9-9-2019, Phòng NN&PTNT, Phòng Tài chính - Kế hoạch và Trạm Chăn nuôi thú y huyện Mỏ Cày Bắc đã thống nhất cách thức hướng dẫn làm hồ sơ quyết toán kinh phí hỗ trợ người dân có heo tiêu hủy. Theo đó, hồ sơ tiêu hủy đảm bảo 10 văn bản: bản kê khai, biên bản xác minh của thú y, quyết định tiêu hủy, biên bản tiêu hủy, đơn xin hỗ trợ, bảng tổng hợp đề xuất hỗ trợ, bảng tổng hợp đề xuất hỗ trợ, tờ trình UBND xã, kinh phí hỗ trợ đội tiêu hủy: biên bản kiểm tra, xác minh; biên bản xử lý tiêu hủy, bảng chấm công. Tất cả văn bản làm căn cứ để thực chi chính xác.

Theo ông Nguyễn Quốc Bảo - Trưởng trạm Chăn nuôi thú y huyện Mỏ Cày Bắc, theo mặt chung sau khi xử lý tiêu hủy heo trên địa bàn huyện nếu làm trong điều kiện bình thường thì 1 tấn heo tiêu hủy sẽ tốn chi phí lao động 2 triệu đồng. Các xã tham khảo thống nhất trong hướng thuê nhân công lao động phù hợp và tiết kiệm kinh phí Nhà nước. Cũng theo ông Bảo, hiện nay, chỉ cần xã thêm mẫu biên bản kê khai và đơn xin hỗ trợ, căn cứ đó cán bộ làm tờ trình đề xuất Phòng NN&PTNN tổng hợp. Việc chi hỗ trợ nhanh hay chậm là do thời gian xã tổng hợp gửi lên huyện.

Ngày 11-9-2019, Chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Nguyễn Văn Bé Sáu đã trực tiếp làm việc với hai xã Tân Lợi Thạnh và Thạnh Phú Đông để tháo gỡ khó khăn của hai xã này. Trao đổi với phóng viên, Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Huyện dành nguồn tiền dự phòng khoảng 12 tỷ đồng để ưu tiên giải ngân hỗ trợ cho dân có heo bị tiêu hủy. Huyện chưa có con số chính xác tổng số tiền hỗ trợ cho dân, con số này đang được ngành chức năng huyện tổng hợp. Riêng tiền tiêu hủy nằm trong quy định Nhà nước, huyện sẽ chi, còn các khoản phát sinh như mướn Kobe, mua vật tư khác như vôi, cát để xử lý mùi hôi… thì huyện tổng hợp làm cơ sở làm việc với Sở Tài chính để tháo gỡ. Chậm nhất trong tuần sau, huyện sẽ chi tiền về xã để giải ngân cho người dân, đây là việc ưu tiên nhất. 

Dịch tả heo châu Phi xảy ra ở 9/9 huyện, thành phố. Ngày 14-9-2019, huyện Bình Đại - huyện cuối cùng trong tỉnh đã xảy ra dịch tả heo châu Phi tại hộ Bùi Thị Ngọc Trang, ấp Vinh Huê, xã Vang Quới Đông, 30 con heo đã bị tiêu hủy. Vang Quới Đông là một trong những xã nuôi heo nhiều nhất của huyện, tổng đàn gần 12 ngàn con heo. 

Phan Hân - Thạch Thảo

Chia sẻ bài viết

BÌNH LUẬN